'Trẻ 3 tuổi nhìn ra tính cách, 7 tuổi nhìn ra số mệnh' là gì- Cha mẹ nhất định phải nắm được để dưỡng con thành tài-1

Dạy Con Thông Thái

“Trẻ 3 tuổi nhìn ra tính cách, 7 tuổi nhìn ra số mệnh” là gì? Cha mẹ nắm được sẽ dưỡng con thành tài

By Lan Hòa

October 25, 2021

Có câu tục ngữ: “Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”, tức là: Biểu hiện của đứa trẻ thời thơ ấu, có thể phản ánh tương lai của chúng. Liệu cách nói này có chính xác không?

Từ thời kỳ đầu Ngụy Tấn Nam – Bắc triều, trong dân gian đã có phong tục “Trảo chu” (chọn đồ vật), từ đó mà suy đoán về sở thích, tính cách, thậm chí là nghề nghiệp của đứa trẻ trong tương lai. Người hiện đại đối với loại tập tục cổ xưa này vẫn ôm giữ thái độ nghi hoặc và hiếu kỳ.

Vào năm 1980, một giáo sư tại Viện Tâm thần học ở London, Anh đã tiến hành một cuộc khảo nghiệm, ông đã chọn 1.000 trẻ em 3 tuổi tại địa phương để phân loại và ghi chép dựa trên tính cách của chúng.

23 năm sau, giáo sư lại tiếp xúc với 1.000 đứa trẻ này, lúc đó chúng đã 26 tuổi. Vị giáo sư đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, tính cách của những đứa trẻ gần giống hệt như khi chúng lên 3 tuổi.

Cách nói “3 tuổi nhìn ra được tính cách” được truyền thừa từ ngàn đời, điều đó đã được thực tiễn chứng minh. Thực nghiệm này cho chúng ta thấy rằng, giáo dục và bồi dưỡng nhân cách sớm cho trẻ, thực sự có tác động sâu sắc đến sự phát triển sau này của chúng.

Tính cách của một đứa trẻ, từ khi sinh ra đã được quyết định

Howard Gardner, một nhà tâm lý học phát triển người Mỹ và là giáo sư nghiên cứu về nhận thức và giáo dục của John H. và Elisabeth A. Hobbs tại trường Đại học Giáo dục Harvard, đã đưa ra lý thuyết đa thông minh, trong đó chỉ ra con người có 8 loại hình thông minh khác nhau: Thông minh nội tâm, thông minh giao tiếp, thông minh ngôn ngữ, thông minh logic – toán học, thông minh hình ảnh, thông minh âm nhạc, thông minh cơ thể, thông minh thiên nhiên.

Tính cách của con người, ngay từ khi sinh ra đã được định hướng, ví dụ có một số người bẩm sinh đã có khả năng ngôn ngữ tốt, trong khi những người khác lại vượt trội về tư duy logic.

Đó là lý do tại sao chúng ta đang ngày càng đồng thuận với sự phát triển đa dạng. Thông thường, trẻ em hướng nội có xu hướng thích nhiếp ảnh, sáng tác, âm nhạc; trong khi trẻ em hướng ngoại lại phù hợp hơn trong việc giao tiếp với người khác, chẳng hạn như các ngành nghề kinh doanh, buôn bán.

Hướng nội và hướng ngoại là hai dạng biểu hiện của tính cách, không có phân biệt tốt xấu, ưu điểm hay nhược điểm, các mẹ cũng không nên quá lo lắng về việc con mình sống nội tâm, ít nói, cũng đừng nên tự ti về điều này.

Tính cách của trẻ được hình thành từ khi mới sinh ra, nhưng trong thời kì then chốt phát triển trí não của trẻ, tức là trước 3 tuổi, chúng ta vẫn có trách nhiệm hướng dẫn, bồi dưỡng tính cách, cảm xúc và tư duy của trẻ.

Nắm bắt giai đoạn phát triển trí não quan trọng của trẻ 3 tuổi

Trẻ em sau khi sinh 1.000 ngày là giai đoạn phát triển quan trọng của não bộ, số lượng trục não của trẻ sơ sinh 3 tuổi đã gần bằng 85% so với người trưởng thành. Có nghĩa là, từ 0 ~ 3 tuổi là giai đoạn quan trọng trong việc nuôi dưỡng EQ của trẻ. Trong giai đoạn này cần lưu ý một số điểm sau:

Nắm bắt được sở thích của trẻ

Sở thích là người thầy tốt nhất của đứa trẻ, ở độ tuổi này, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ để tìm ra sở thích thực sự của mình. Các mẹ sẽ phát hiện ra rằng, “bảo bối” của mình sẽ có hứng thú học nhanh hơn đối với những thứ liên quan đến sở thích của mình.

Kiên trì mới có hiệu quả

Hãy khuyến khích trẻ kiên trì, nuôi dưỡng một thói quen tốt, và xây dựng nên một thói quen cần thời gian là 21 ngày.

Ví dụ, cha mẹ hãy cùng con đọc một cuốn truyện tranh trong 3 tuần, khi việc làm phù hợp với sở thích và ý muốn của trẻ, trẻ sẽ bị cuốn hút sâu vào câu chuyện thú vị, một ngày nào đó, trẻ sẽ chủ động nói với bạn rằng: “Mẹ ơi, hôm nay trước khi đi ngủ có câu chuyện nào không ạ?”

Ủng hộ và khuyến khích

Cha mẹ là hậu phương vững chắc nhất cho con trẻ, nên cần phải thường xuyên ủng hộ và khích lệ để trẻ trở nên tự tin hơn.

Có một điều cha mẹ cần lưu ý chính là, khi trẻ gặp khó khăn, bế tắc, cha mẹ không nên nhất thời khiển trách, thờ ơ, bởi vì điều này có thể làm tổn thương đến trái tim mỏng manh của trẻ.

Nuôi con là quá trình lâu dài, là một quá trình không hề đơn giản. Trên con đường nuôi dạy một đứa trẻ khỏe mạnh, hạnh phúc và thành công, bên cạnh trái tim “ấm”, yêu thương con cái hết mực, các bậc cha mẹ cần sở hữu cái đầu “lạnh”, lý trí và thông thái.

 

Nguồn: Secretchina

Lan Hòa biên tập