Nguồn ảnh: Zonder

Chưa được phân loại

Trẻ em không thể tự lập – Những bí quyết bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ

By Đăng Dũng

May 28, 2021

Trách nhiệm của cha mẹ không chỉ là nuôi dạy con cái có sức khỏe tốt, mà còn là phát triển khả năng chịu trách nhiệm và đối mặt với thế giới thực khi chúng lớn lên. 

Từ xưa nhiều bậc cha mẹ đã luôn muốn nuôi dưỡng con cái mình trở thành những người thành công. Trong những năm gần đây, do tác động của tỷ lệ sinh giảm, các bậc cha mẹ ngày càng kỳ vọng vào con cái nhiều hơn và cũng quan tâm hơn đến con cái của mình.

Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ đã can thiệp quá mức khiến nhiều đứa trẻ không thể tự lập và tự chịu trách nhiệm với bản thân mình. Chỉ khi đứa trẻ bước ra xã hội và đối mặt với những thách thức lớn hơn trong cuộc sống, cha mẹ mới nhận ra rằng chúng chưa có được những khả năng mà đứa trẻ đáng lẽ phải có. 

Nếu cha mẹ làm điều gì đó quá nhiều cho con cái của họ, thì khi trẻ lớn lên nó sẽ không biết làm bất cứ điều gì và cũng không có tinh thần trách nhiệm cho chính cuộc sống của chúng. Nhiều bậc cha mẹ đã chiều con quá mức vì không còn cách nào khác. Đã đến lúc cha mẹ nên rút lui và dạy con học cách tự chịu trách nhiệm; giao cho con cái những việc mà chúng phải làm thay vì làm hết tất cả mọi thứ cho con cái. Bởi để con tự lập chính là món quà tuyệt vời nhất mà cha mẹ dành tặng cho con.

Một số bí quyết bồi dưỡng tinh thần trách nhiệm cho trẻ

1. Hướng dẫn con bạn đặt mục tiêu

Thanh thiếu niên có xu hướng đặt ra các mục tiêu không thực tế. Ví dụ như trở nên giàu có, trở nên nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ,… Cha mẹ nên dạy trẻ cách đặt mục tiêu thực tế và cách đạt được chúng. Bạn nên cho phép con bạn đặt ra các mục tiêu cả mục tiêu ngắn hạn và dài hạn để chúng có thể tận hưởng vinh dự và niềm vui khi đạt được chúng. Khi đạt được mục tiêu của mình, cơ thể sẽ tiết ra chất dopamine – chất kiểm soát cảm giác hạnh phúc, có thể làm tăng động lực và sự hài lòng cho trẻ.

2. Dạy cách kiểm soát cảm xúc của bản thân

Thanh thiếu niên có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về tình cảm ở trường, các vấn đề với bạn bè đồng trang lứa và các vấn đề trong cuộc sống gia đình. Cha mẹ có thể giúp con cái học cách đương đầu với những việc đó một cách lành mạnh. Ví dụ, cần phát triển tính kiên nhẫn cho trẻ thông qua thể dục, âm nhạc, nghệ thuật, vv… Học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân mang lại cho trẻ sự tự tin để đối phó với những tình huống khó khăn.

3. Dạy con làm việc nhà

Con cái bạn sẽ có thể sẽ phải ở cùng bạn bè khi chúng trở thành sinh viên, hoặc chúng có thể có gia đình riêng khi kết hôn. Vì vậy mà tập cho trẻ thói quen dọn dẹp ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng.  Việc chuẩn bị đồ đạc, dự trù kinh phí mua sắm, lên kế hoạch cho những chuyến dã ngoại, du lịch,… là những kỹ năng cần thiết cho trẻ. Nếu không có những kỹ năng này trước, con bạn sẽ rất khó để hòa hợp với bạn cùng phòng và những người thân yêu của mình trong tương lai.

4. Quản lý tiền tiêu vặt

Bạn cần suy nghĩ kỹ về số tiền tiêu vặt mà bạn sẽ cho con. Việc giúp trẻ hình thành thói quen tiết kiệm và tiết kiệm tiền ngay từ khi còn nhỏ rất quan trọng. Khi chúng trở thành một thành viên của xã hội, chúng cần phải biết tiết kiệm tiền của riêng mình và bắt đầu lập kế hoạch lương hưu cho riêng mình. Không bao giờ là quá sớm để tiết kiệm. Nếu con bạn có thể tiết kiệm tiền, thì hãy cho chúng được sử dụng tự do số tiền đó vào một ngày nào đó khi cần.

Bên cạnh đó hãy để con bạn được học cách lập kế hoạch kiếm tiền khi còn nhỏ và nuôi dưỡng ý tưởng rằng không bao giờ là quá sớm để tiết kiệm tiền.

5. Tạo thói quen ăn uống thích hợp

Thời gian gần đây, nhiều trẻ em phát cuồng vì các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, hay chìm đắm vào game, lười vận động và thường ăn quá nhiều đồ ăn vặt.

Các bậc cha mẹ nên đưa trẻ đi khám chuyên khoa dinh dưỡng sớm, lập kế hoạch dinh dưỡng phù hợp với thể trạng của trẻ. Cho con tham gia các lớp học vận động, phát triển thói quen ăn uống lành mạnh giúp con bạn có năng lượng tham gia các tiết học.

6. Giúp con biết tự chịu trách nhiệm về rắc rối do chúng gây ra

Một sai lầm phổ biến mà các bậc cha mẹ hay mắc phải là luôn can thiệp vào những vấn đề rắc rối mà con mình gây ra. Nếu trẻ còn nhỏ, bạn có thể can thiệp. Nhưng khi đứa trẻ dần lớn lên, cha mẹ cũng cần dần buông tay để trẻ học cách tự chịu trách nhiệm.

Đặc biệt là các vấn đề do chính chúng gây ra như các cuộc đánh nhau, cãi nhau với bạn bè hay các vấn đề với giáo viên, … Cha mẹ cũng nên dạy con cái cách giao tiếp và để chúng học cách tự giải quyết những xung đột về tình cảm. Đây cũng là một bước quan trọng trong quá trình phát triển cách quản lý cảm xúc ở trẻ.

7. Dạy trẻ cách quan tâm tới người khác

Trẻ em không phải chỉ học cách chăm sóc tốt bản thân mà còn cần học cách quan tâm đến thế giới xung quanh mình. Ngay từ khi còn nhỏ hãy cho trẻ tham gia các hoạt động tình nguyện, từ thiện,… Để con bạn học cách giúp đỡ và yêu thương mọi người. Điều này có ảnh hưởng rất tích cực đến việc hình thành nhân cách của trẻ.

8. Giúp con tự tin

Trường học có thể dạy trẻ những kỹ năng đời thường, nhưng đó không phải là những kỹ năng thực tế. Vì vậy cha mẹ hãy dạy trẻ tự tin vào bản thân và khuyến khích trẻ suy nghĩ độc lập bằng cách hãy để trẻ tự đưa ra những quyết định. Đôi khi chúng có thể đưa ra những quyết định không hoàn hảo nhưng nhờ đó chúng sẽ rút ra được bài học từ sai lầm đó và cẩn trọng hơn trong lần ra quyết định tiếp theo.

9. Để con hiểu tình hình tài chính của gia đình

Hãy cho con bạn biết về tình hình chi phí của gia đình bạn, chẳng hạn như tiền điện nước và chi phí sinh hoạt hàng ngày,… Nếu bạn dạy cho con cách quản lý tài chính trong thời thơ ấu, trẻ có thể học cách quản lý tiền tiêu vặt và tiền lương sau này của mình tốt hơn.

Để trẻ có thể quản lý tốt bản thân, cần nhiều năm nỗ lực và luyện tập từng chút từng chút một. Ngày hôm nay chúng còn là những đứa trẻ nhưng dần dần chúng sẽ phải lớn lên và trở thành những người lớn. Cha mẹ nào cũng muốn tạo điều kiện tốt nhất cho con, ai cũng muốn con mình lớn lên khoẻ mạnh, sống vui vẻ và hạnh phúc. 

Ai cũng đau lòng mỗi khi thấy con vấp ngã, nhưng hãy để cho chúng được tự đứng dậy và ngày một trưởng thành hơn. Vì chúng ta không thể cứ mãi luôn ở đó để nâng đỡ cho suốt cuộc đời chúng.  Vậy nên hãy học cách đứng phía sau để chúng tự bước đi. Hãy luôn là nơi để chúng có thể trở về khi cảm thấy mệt mỏi, cần một chút vỗ về an ủi để sau đó sẽ lại vững vàng mà bước tiếp giữa cuộc đời này. Để những ký ức tuổi thơ luôn là đẹp nhất và không bao giờ phai trong mỗi con người.

Nguồn: epochtimes.jp

Mộc Hương biên tập