Tục ngữ có câu: “Tam tuế khán đại, thất tuế khán lão”, ý muốn nói rằng nhìn trẻ lúc lên 3 có thể biết tâm tính của chúng khi trưởng thành, nhìn trẻ lúc lên 7 sẽ biết cả đời của chúng. Nói như vậy có chút hơi quá, nhưng không phải không có đạo lý.
Hiện nay rất nhiều cha mẹ thường chỉ chú ý đến việc làm thế nào cho con cái trở nên xuất sắc, mà thường lơ là việc dạy dỗ con cái trở thành một người con ngoan ngoãn, hiếu thuận. Trên thực tế, một đứa trẻ từ nhỏ nếu được hưởng nền giáo dục tốt từ cha mẹ, thì tương lai của chúng sau này nhất định sẽ tốt đẹp. Một đứa trẻ hiếu thuận hay không, có quan hệ mật thiết với ngôn hành của cha mẹ, ngôn hành của cha mẹ không đúng chuẩn mực cũng sẽ ảnh hưởng không tốt đối với hành vi cũng như tương lai sau này của đứa trẻ.
Nếu phát hiện trẻ thường có 4 hành vi dưới đây, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ kịp thay đổi kịp thời.
Luôn làm trái ý của cha mẹ, cố ý khiến cha mẹ nổi giận
Hiện nay có rất nhiều đứa trẻ là con một trong gia đình, bởi vậy khi đứa trẻ muốn gì, người lớn trong nhà đều đáp ứng vô điều kiện, khi người lớn không đáp ứng nhu cầu thỏa mãn mong muốn của chúng, chúng sẽ lập tức tỏ ra khó chịu. Câu cửa miệng của rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay là:
“Con yêu, tất cả của ngon vật lạ trong nhà đều là của con!
Bảo bối, vì con, bố mẹ có thể hy sinh tất cả!
Con chỉ có trách nhiệm học hành cho tốt, tất cả những thứ khác, cứ để mẹ“.
Họ nghĩ rằng điều này là tốt cho con cái của họ, nhưng họ không biết rằng nếu cứ làm như vậy, con cái họ sẽ ngày càng dưỡng thành thói quen “muốn gì được nấy“. Dần dần, chúng thường không có sự tôn trọng và lễ phép với cha mẹ bằng lời nói, và thậm chí là cố tình làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu.
Vì được cưng chiều quá mức nên trẻ có xu hướng trở nên cứng đầu và luôn coi mình là nhất. Đôi lúc, cha mẹ nói đông, chúng lại nói tây, thể hiện rõ sự ương bướng, không tránh khỏi việc khiến cha mẹ cảm thấy buồn và tức giận.
Tất nhiên, một đứa trẻ ngoan không nhất thiết là phải nghe lời người lớn răm rắp. Khi xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ cũng nên tự nhìn lại mình, liệu bản thân có chỗ nào không đúng hay không. Nếu trường hợp trẻ bướng bỉnh, ăn vạ vô cớ thì cha mẹ nên bình tĩnh, nhẹ nhàng hỏi chuyện trẻ. Hỏi trẻ xem, tại sao trẻ không vui, tại sao trẻ muốn khư khư làm theo ý mình, nhẫn nại để dạy dỗ chúng.
Và tất nhiên, cưng chiều con quá mức là một phương pháp dạy dỗ con hoàn toàn sai lầm, cần phải dùng trái tim yêu thương và sự lý trí để dạy chúng trưởng thành.
Đứa trẻ không biết cảm ơn
Chúng ta thường nhìn thấy hình ảnh: Sau bữa ăn, con cái để bát đũa đó và chạy đi xem tivi hoặc đi chơi, trong khi bố mẹ bận rộn thu dọn bát đĩa, có những món ngon bố mẹ luôn nhường cho con nếm trước, khi con ốm cha mẹ sẽ chăm sóc tỉ mỉ, còn cha mẹ không khỏe thì con cái ít khi hỏi thăm, hoặc thậm chí là làm ngơ.
Khi trẻ còn nhỏ sẽ luôn được cha mẹ yêu chiều, việc gì cũng làm thay cho con, trẻ cứ việc sống trong những ngày tháng với cuộc sống được cha mẹ “cơm đưa tận miệng, áo đưa tận tay”.
Đến khi trẻ trưởng thành, cha mẹ già đi, là lúc cần dựa vào con cái, thì mới phát hiện ra, con cái đã trưởng thành rồi mà vẫn cứ đòi hỏi cha mẹ chăm sóc, vẫn cứ thoải mái hưởng thụ sự phục vụ của cha mẹ, một chút cũng không biết cần phải chăm sóc, hiếu thuận với cha mẹ, một chút cũng không tỏ lòng cảm ơn đối với cha mẹ.
Khi cha mẹ già yếu, cũng không hề quan tâm, chăm sóc cha mẹ, chỉ biết lo cho cuộc sống của mình. Đây là những đứa con mà khi còn nhỏ, đã coi sự phục vụ của cha mẹ là điều đương nhiên, một từ ‘cảm ơn’ cũng ko biết nói.
Bởi vậy, làm cha mẹ, chúng ta nên giáo dục con cái lòng biết ơn. Chúng ta có thể dạy trẻ những thói quen tốt ngay từ nhỏ:
1. Đừng chiều chuộng trẻ quá nhiều, hãy hình thành thói quen tự lập cho trẻ.
2. Không để cho trẻ ăn một mình.
3. Không được cho trẻ hình thành thói quen “thích gì có đó”, dạy cho trẻ hiểu rằng, để đạt được điều gì đó cũng không dễ dàng, cần phải bỏ công sức.
4. Bạn có thể thường xuyên kể cho con cái nghe về những khó khăn trong công việc của mình, để trẻ ý thức được, kiếm tiền thật không dễ dàng.
5. Cha mẹ cũng làm tấm gương cho con, hãy trở thành một người có lòng cảm ân.
Ích kỷ, luôn chiếm giữ đồ cho mình
Nhiều đứa trẻ cứ nghĩ mình là “tiểu công chúa”, “tiểu hoàng tử”, luôn coi mình là trung tâm của gia đình. Do đó, bất kể thứ gì trong nhà, miễn là chúng thích, sẽ đều là của riêng chúng, không cho bất cứ ai đụng vào, và cũng không sẵn lòng chia sẻ với ai.
Ngày nay xu thế mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh một con rất nhiều, vậy nên cha mẹ rất chiều chuộng con, con trẻ trở nên ích kỷ, ngang ngược, không biết chia sẻ với người khác. Có thức ăn ngon, đồ chơi đẹp chỉ biết để bản thân mình hưởng dụng, không hề nghĩ đến chia sẻ với người khác; hoặc nếu cảm thấy không vừa lòng, liền tức giận ngang ngược.
Hay đổ lỗi cho người khác, không chịu trách nhiệm
Khổng Tử từng nói: “Nhân phi thánh hiền, thục năng vô quá”. Ý rằng con người đâu phải bậc Thánh hiền, ai mà không có lầm lỗi. Chúng ta, có ai mà không phạm phải lỗi lầm, vấn đề quan trọng là cần biết đó là sai trái để sửa chữa.
Nhưng có một số trẻ sau khi phạm lỗi, nhất định không chịu thừa nhận lỗi của mình, cũng không chịu sửa chữa thay đổi và cũng không muốn nghe người khác nói về nó, hoặc có những bậc cha mẹ quá mức bảo hộ con mình, không chịu dạy dỗ con trẻ.
Như vậy, qua thời gian dài, trẻ nhỏ sẽ dưỡng thành thói quen vô tâm, không có trách nhiệm với những việc mình làm. Ngay cả một chút lỗi lầm nhỏ cũng không dám thừa nhận, hơn nữa cũng không nghĩ tới cảm giác của người khác.
Bốn loại hành vi trên sẽ dần dần hình thành và ngấm ngầm trong tính cách của trẻ theo năm tháng, nếu cha mẹ không chỉ dạy trẻ kịp thời thì sẽ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ. Vậy nên, ngay từ khi còn nhỏ, cha mẹ phải có cách giáo dục đúng đắn và kịp thời phát hiện những hành vi không đúng đắn của con.
Mong rằng mỗi đứa trẻ của chúng ta lớn lên đều có thể trở thành một người có phẩm chất tốt, trách nhiệm cao. Và cũng mong rằng, mỗi bậc cha mẹ sẽ trở thành ông bố bà mẹ thông thái, yêu thương con bằng trái tim, giáo dục con bằng lý trí.
Nguồn: Secretchina
Lan Hòa biên tập