Nguồn ảnh: Danviet

Dạy Con Thông Thái

Trí huệ dạy con của Gia Cát Lượng: Bức thư gửi con vỏn vẹn 86 chữ, nhưng để lại hậu thế giá trị muôn đời

By Lan Hòa

March 21, 2022

Gia Cát Lượng, tự là Khổng Minh, là nhà tiên tri vĩ đại của Trung Hoa, là thừa tướng, công thần khai quốc, nhà chính trị, nhà ngoại giao, chỉ huy quân sự tài ba, nhà giáo dục, và cũng là một nhà phát minh kỹ thuật nổi tiếng của nhà Thục Hán thời Tam Quốc.

Gia Cát Lượng còn là một người cha mẫu mực, trước khi qua đời, ông đã viết “Giới tử thư” gửi lại cho con, bức thư đã viết từ hơn 1.800 năm trước nhưng nay vẫn còn nguyên giá trị, toàn văn chỉ vỏn vẹn 86 chữ, câu chữ ngắn gọn, súc tích nhưng hàm chứa trí huệ làm người, trở thành gia huấn nổi tiếng nhất lịch sử Trung Hoa, là một trong những gia huấn tinh giản nhất.

Trí tuệ chân chính có thể vượt thời không, trường tồn với lịch sử“, bức thư là kết hợp giữa tâm huyết và trí huệ của thế hệ cao nhân bậc thầy, có ảnh hưởng sâu sắc đến gia tộc Gia Cát:

Nguyên văn của bức thư 86 chữ như sau:

Phù quân tử chi hạnh, tĩnh dĩ tu thân, kiệm dĩ dưỡng đức/Phi đạm bạc vô dĩ minh chí, phi ninh tĩnh vô dĩ trí viễn/Phu học tu tĩnh dã, tài tu học dã./Phi học vô dĩ quảng tài, phi chí vô dĩ thành học/Đãi mạn tắc bất năng lệ tinh, hiểm táo tắc bất năng trị tính/Niên dữ thời trì, ý dữ tuế khứ, toại thành khô lạc, đa bất tiếp thế/Bi thủ cùng lư, tương phục hà cập”.

Dịch nghĩa:

Phàm là người quân tử, phải học cách tiết kiệm, không ngừng tu tâm dưỡng tính, phải tĩnh tâm mới có thể phân biệt rõ chí hướng, như vậy sẽ không bị ảnh hưởng bởi các tác nhân bên ngoài, mới có thể đạt được mục tiêu, làm nên đại sự.

Người quân tử phải biết chuyên tâm học hành, có học thức mới có thể thành tài được. Nếu không học hành thì không thể thành tài, không có hoài bão, ý chí thì không thể tạo ra thành tựu.

Hưởng lạc quá độ sẽ dần dần đánh mất đi ý chí, mạo hiểm nóng vội không thể tu luyện khí chất. Tuổi tác trôi nhanh theo thời gian, ý chí cũng hao mòn qua từng ngày tháng, dần dần trở nên xơ xác điêu tàn, không màng thế sự, sẽ không làm được việc gì có ích cho xã hội…

Thông qua lá thư của Gia Cát Lượng để lại cho con, chúng ta có thể thấy được 10 bài học lớn mà ông muốn chỉ dạy cho con mình:

Bài học thứ nhất: Sức mạnh của sự tĩnh tâm

“Lấy tĩnh mà dưỡng thân”, “không an tĩnh thì chẳng thể tiến xa”, “học hành phải tĩnh lặng”. Gia Cát Lượng dạy bảo con, chỉ khi tĩnh tâm mới có thể tu thân dưỡng tính, trí huệ thông suốt mới có thể bình tâm suy ngẫm, kiểm điểm bản thân. Nếu tâm không an định sẽ khó mà chuẩn bị tốt cho kế hoạch tương lai. Một không gian yên tĩnh, tâm hồn tĩnh lặng, hiệu quả học tập mới tốt, tư duy sẽ luôn mạch lạc, rõ ràng. Người hiện đại đa số đều bận rộn vì danh, vì lợi, vì tình, hao tổn tinh lực, làm sao có thể khiến thân tâm an định?

Bài học thứ hai: Sức mạnh của việc tiết kiệm

“Lấy cần kiệm dưỡng đức”, Gia Cát Lượng dạy bảo con cần phải học tính tiết kiệm, bồi dưỡng đức hạnh của chính mình.

Quản lý tài sản một cách cẩn thận, sống tùy theo khả năng tài chính của mình, không phung phí, xa hoa, như thế không những có thể giúp bạn thoát khỏi cảnh nợ nần mà còn có thể giúp bạn trải qua cuộc sống giản dị có kỷ luật, giúp bạn không bị trở thành nô lệ của vật chất tiền bạc, không bị cuốn vào vòng xoáy của kim tiền và vật chất.

Bài học thứ ba: Sức mạnh của việc lập kế hoạch

Gia Cát Lượng dạy con rằng, cần phải có kế hoạch sống và làm việc rõ ràng, đừng nên quá tham vọng tiền tài danh lợi mới có thể xác định rõ chí hướng của bản thân, cần phải tĩnh tâm và lý trí quan sát mới có thể lên kế hoạch một cách thật tỉ mỉ, chi tiết cho tương lai sau này.

Khi đối mặt với tương lai, chúng ta cần phải có lý tưởng sống của riêng mình, có như vậy mới có thể vạch định rõ ra sứ mệnh của bản thân.

Bài học thứ tư: Sức mạnh của việc học hành

“Muốn thành tài ắt phải học”, Gia Cát Lượng khuyên dạy con rằng, môi trường yên tĩnh rất hữu ích cho việc học, và tất nhiên cần học với sự tập trung tuyệt đối, hiệu quả mang lại sẽ gia tăng. Gia Cát Lượng không tin vào thuyết thiên tài, ông cho rằng tài năng, thành công là kết quả của quá trình nghiêm túc học hành.

Bài học thứ năm: Sức mạnh của việc tăng giá trị bản thân

Gia Cát Lượng dạy bảo con rằng, muốn lập chí, làm nên đại sự thì trước hết phải tăng giá trị của bản thân, nếu không cố gắng học hành thì không thể nâng cao năng lực của bản thân được.

Trong quá trình học tập, ý chí quyết tâm và nghị lực vượt khó là vô cùng quan trọng. Bởi vì nếu như thiếu ý chí, nỗ lực thì mọi công sức đều vô ích. Nhiều người chỉ là nhất thời hăng hái xông pha, lúc mới bắt đầu thì khí thế hùng hực, nhưng để kiên trì đến bước cuối cùng, đạt đến thành công thì chẳng có bao nhiêu.

Hãy “lập chí” trước khi nâng hạng bản thân, trong quá trình đó hãy nỗ lực hết mình.

Bài học thứ sáu: Sức mạnh của tốc độ

“Thời gian không chờ đợi ai, cơ hội sẽ không chờ một ai, may mắn chỉ mỉm cười với những ai biết nắm bắt cơ hội”.

Gia Cát Lượng dạy bảo con rằng, nếu cứ trì hoãn mọi việc sẽ không thể nắm bắt được những điểm chính một cách nhanh chóng. Bởi vậy, khi cơ hội tốt đến, không nên chần chừ, hãy biết nắm lấy và phát huy hết khả năng của bản thân.

Bài học thứ bảy: Sức mạnh của đạo đức và nhân cách

Gia Cát Lượng khuyên con: Nếu quá hấp tấp vội vàng thì sẽ không thể bồi dưỡng được một tính cách tốt, sống ở đời, không nên quá nóng vội mà cần phải tu dưỡng tính khí.

Có câu: “Tư tưởng ảnh hưởng đến hành vi, hành vi ảnh hưởng đến thói quen, thói quen ảnh hưởng đến tính cách, tính cách ảnh hưởng đến vận mệnh.”

Gia Cát Lượng hiểu rằng vận mệnh mỗi người đều phải có sự cân bằng, ngoài việc “làm phấn chấn tinh thần”, còn cần phải “rèn luyện tính cách tốt”, sở hữu một nhân cách tốt. Bởi, nhân phẩm tốt là tài sản quý báu nhất của mỗi người.

Bài học thứ tám: Sức mạnh của thời gian

Có câu: “Thời gian là vàng là bạc”.

Gia Cát Lượng dạy bảo con rằng thời gian trôi qua rất nhanh và ý chí dần dần cũng sẽ hao mòn theo thời gian, “Thời niên thiếu không cố gắng, tuổi già đầy bi thương”. “Quản lý thời gian” là một quan niệm của người hiện đại, nghĩ kỹ một chút thì không ai có thể quản lý được thời gian, mỗi ngày có hai mươi tư giờ, không nhiều cũng không ít, điều duy nhất bạn có thể quản lý đó là chính bản thân mình, tận dụng từng giây từng phút của cuộc đời.

Đời người trăm năm như chớp mắt, hãy tận dụng thời gian để làm những điều có ý nghĩa.

Bài học thứ chín: Sức mạnh của trí tưởng tượng

Thời gian trôi qua rất nhanh, đến ngày gần đất xa trời mới than thở rằng mình đã lãng phí quá nhiều thời gian thì cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Bởi vậy, phải biết suy nghĩ và chuẩn bị thật tốt cho tương lai, đến lúc gặp bất cứ việc gì cũng không bị mất bình tĩnh. Sức mạnh của trí tưởng tượng không thua kém sức mạnh của tri thức. Hãy tự hỏi bản thân, liệu mình đã từng thực hiện hoài bão của mình bằng cách bắt tay làm từ những việc nhỏ, chăm chỉ làm việc và lên kế hoạch cho cuộc đời mình, chuẩn bị cho những sự kiện trọng đại phía trước hay chưa?

Bài học thứ mười: Sức mạnh của tính cô đọng, súc tích

Có câu: “Đại Đạo chí giản chí dị“.

Bức thư Gia Cát Lượng gửi lại cho con, tuy chỉ dùng vỏn vẹn hơn tám mươi chữ nhưng đã truyền tải một cách súc tích những thông điệp vô cùng cụ thể, ý nghĩa. Cách diễn đạt ngắn gọn súc tích đó bắt nguồn từ những suy nghĩ rõ ràng mạch lạc, đầy tính triết lý, thể hiện thế giới nội tâm sâu sắc, bác đại tinh thâm của vị công thần khai quốc tài hoa, gần 2000 năm trôi qua nhưng vẫn còn giữ nguyên giá trị đối với hậu thế.

 

Nguồn: Secretchina

Lan Hòa biên tập