“Đạo Đức Kinh” của Lão Tử có thể nói là một cuốn kinh thư vô cùng quan trọng và nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa.
Mặc dù chỉ có vỏn vẹn vài nghìn chữ, nhưng tư duy và nội hàm trong đó lại khai sáng cho vô số thế hệ sau, trở thành một nét đặc sắc lớn trong dòng chảy dài của lịch sử dân tộc Trung Hoa.
Lão Tử: “Có một vật hỗn độn mà thành trước cả trời đất. Nó yên lặng, vô hình, đứng một mình mà không thay đổi vĩnh cửu, vân hành khắp vũ trụ không ngừng, có thể coi nó là mẹ của vạn vật trong thiên hạ. Ta không biết tên nó là gì, tạm đặt tên cho nó là Đạo”
Trong cuốn kinh thư có 8 đại tư duy, nếu như có thể lĩnh hội được hết thảy, sẽ có lợi ích lớn đối với ý nghĩa nhân sinh của mỗi người.
1. Tư duy thống nhất đối lập
Khổng Tử cho rằng: Cao – thấp, xấu – đẹp, trước – sau, họa – phúc, những mặt trái ngược này đều là bổ trợ cho nhau mà thành, thống nhất đối lập với nhau, thậm chí có những huống còn có thể chuyển hóa cho nhau, cũng giống như chúng ta thường nói: “họa là chỗ dựa của phúc, phúc là nơi ẩn náu của họa”.
Đây là nhân sinh quan rất quan trọng của Trung Quốc thời cổ đại, khiến con người có thể hiểu sâu hơn về mối quan hệ giữa các sự vật với nhau.
2. Tư duy nghịch hướng
Tư duy nghịch hướng là lối suy nghĩ ngược lại với những sự vật hoặc quan điểm đã trở thành khái niệm theo thói quen vốn có từ trước, để cho tư duy của chúng ta phát triển theo hướng ngược lại, và từ hướng ngược lại của vấn đề đi sâu vào tìm tòi nghiên cứu, thiết lập tư tưởng mới.
Thời Xuân Thu, Nho gia ra sức đề xướng nhân ái, lễ nghĩa và trung hiếu, cho rằng chỉ có xem trọng những điều này mới có thể cải thiện xã hội, mới có thể dung hòa mối quan hệ giữa người với người.
Nhưng Lão Tử lại có kiến giải khác, ông cho rằng: “Đại Đạo phế, hữu nhân nghĩa, trí huệ xuất, hữu đại ngụy, lục thân bất hòa, hữu hiếu từ, quốc gia phân loại, hữu trung thần. Vì vậy mất đạo rồi mới có đức, mất đức rồi mới có nhân, nhân mất rồi mới có nghĩa, mất nghĩa rồi mới có lễ”.
Nghĩa tức là: Khi đạo nghĩa của con người bị loại bỏ, điều này sẽ trở thành cơ sở để sự nhân nghĩa xuất hiện; trí thông minh và sự khôn khéo của con người xuất hiện từ nhu cầu phân biệt sự ngụy tạo và giả dối; chỉ khi gia đình tranh chấp bất hòa thì mới có thể phân biệt được lòng hiếu thảo; khi đất nước rơi vào cảnh rối loạn thì dễ dàng nhận biết được trung thần.
Trong mắt của Lão Tử, sự xuất hiện của nhân nghĩa, hiếu từ, trung nghĩa chính là kết quả khi Đại Đạo dần dần bị con người lãng quên.
3. Tư duy không tranh
Lão Tử nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên”
Tư duy không tranh là tư tưởng không tranh giành với bất cứ ai về bất cứ điều gì, mà để mọi thứ diễn ra một cách tự nhiên.
“Chỉ cần không tranh giành với người khác, trong thiên hạ không ai có thể tranh giành với mình”.
Ý nghĩa của câu trên giống với câu “số phận định sẵn là có thì cuối cùng sẽ có, số phận định sẵn không có thì không nên cưỡng cầu” mà chúng ta vẫn thường nói. Đã là của mình thì không cần tranh giành, không phải của mình thì có tranh giành cũng không được.
Vì vậy người thực sự có trí tuệ sẽ thể hiện sự yếu kém và che giấu thế mạnh của mình, chấp nhận nhượng bộ trong thời khắc quan trọng nhất. Đây cũng chính là lùi, thủ, nhược, nhu mà Lão Tử thường nhắc nhở mọi người. Duy chỉ không tranh giành thì mới có thể bảo toàn được bản thân, mới có thể đứng vững trên mảnh đất bất bại.
4. Tư duy ‘lợi tha‘
Tư duy lợi tha là luôn suy nghĩ cho người khác trong mọi hoàn cảnh, luôn có tinh thần và ý thức làm những việc tốt cho người khác, luôn suy nghĩ về lợi ích cho người khác trước tiên.
Lão Tử nói: “Nước có thể nuôi dưỡng vạn vật”.
Lão Tử cực kỳ sùng bái nước, lý do là bởi vì nước có hàm chứa tinh thần lợi tha bên trong. Trên thế gian này, cái gì mới thực sự là vô địch? Nho giáo cho rằng nhân nghĩa vô địch, Lão Tử thì cho rằng tư duy vì người khác trước rồi vì mình sau mới là vô địch.
Bởi vì một người trước khi làm chuyện gì cũng có thể suy nghĩ cho người khác, thì chắc chắn là một người có tấm lòng rộng lượng, như vậy mới có thể từng bước nâng cao cảnh giới của bản thân. Ngược lại, nếu như một người chỉ biết thỏa mãn tham vọng riêng của bản thân, vậy thì khi đánh giá vấn đề gì, hoặc làm việc gì cũng đều sẽ nghĩ đến tham vọng của mình đầu tiên, vậy người đó mãi mãi chỉ là ếch ngồi đáy giếng mà thôi.
5. Chiến thắng bản thân
“Tri nhân giả trí, tự tri giả minh. Thắng nhân giả hữu lực, tự thắng giả cường. Tri túc giả phú, cường hành giả hữu chí”.
Câu này nghĩa là: Có thể hiểu, nhận biết người khác thì được gọi là thông minh, tự hiểu rõ bản thân mình mới là có trí tuệ. Có thể chiến thắng người khác là người có năng lực, có thể khắc phục nhược điểm của chính mình mới được xem là kẻ mạnh. Người biết thỏa mãn mới là người giàu có, người cố gắng kiên trì không bỏ cuộc chính là người có chí.
Lão Tử cho rằng, có thể hiể được người khác gọi là thông minh, nhưng thực sự hiểu rõ chính mình mới là có trí tuệ. Cũng vậy, một người có thể chiến thắng người khác, chỉ có thể chứng minh được người này có chút năng lực, nhưng còn những người không bao giờ tranh giành với người khác, mà ngược lại không ngừng chiến thắng bản thân mình, những người như vậy mới thực sự là cao nhân.
6. Quý nhu thủ thư
Lão Tử cũng cực kỳ tôn sùng sự ‘nhu nhược’. Ông cho rằng: Con người khi còn sống [nên] là biểu hiện nhu hòa, khi chết mới cương cường. Mạng sống của cây cỏ cũng yếu ớt, khi chết mới khô cứng. Vì vậy cương cường là một loại trạng thái biểu hiện của cái chết, nhu hòa là một loại biểu hiện của sự sống. Cho nên khi sinh tồn mà tỏ ra mạnh mẽ chắc chắn sẽ bị tiêu diệt, cây cao lớn thì sẽ bị chặt gãy. Lớn mạnh luôn ở dưới, mềm yếu luôn nằm ở trên.
Khi con người còn sống, cơ thể vô cùng mềm mại, nhưng sau khi chết đi rồi, cơ thể sẽ trở nên khô cứng. Mà những thứ mềm mại luôn biết biến hóa, thích ứng với hoàn cảnh. Giống như loại cây có tính dẻo dai, khi gặp gió, nó có thể đung đưa theo chiều gió, nhưng một cái cây chết khô, vì quá cứng và rắn, nên khi gặp gió có thể sẽ bị thổi gãy cây gãy cành.
7. Xem trọng “vô”
Lão Tử chỉ ra rằng, ba mươi nan hoa chung một trục, bên trong trống rỗng, mới có tác dụng của xe. Nhào nặn đất để làm dụng cụ đựng đồ, bên trong trống rỗng, mới có tác dụng chứa đựng. Đục cửa để xây nhà, bên trong trống rỗng, mới có công dụng của căn nhà. Vì vậy, có (hữu) mang lại lợi ích, không (vô) phát huy tác dụng.
Vì vậy Lão Tử cũng nhắc nhở người đời rằng, bất luận là làm người hay làm việc, nhất định phải nhìn thấy giá trị của “vô” (cái không có, sự trống rỗng). Những vật dụng như chén dĩa, cốc tách… chính vì bên trong trống rỗng không có gì, cho nên mới có thể đựng được đồ; con người xây nhà cửa, cũng vì bên trong có không gian trống rỗng, cho nên con người mới vào ở được. Đối với đại đa số con người mà nói, chúng ta rất dễ bị thu hút bởi những sự vật, sự việc ngay trước mắt mà quên đi giá trị của “vô” (giá trị của cái không có, giá trị của sự trống không).
8. Thủ chính xuất kỳ
Thủ chính nghĩa là tuân thủ những gì thuộc về chính nghĩa, đúng đắn, xuất kỳ nghĩa sử dụng những kỹ năng khéo léo để giành chiến thắng.
Lão Tử nói: “Dĩ chính trị quốc, dĩ kỳ dụng binh, dĩ vô sự thủ thiên hạ”. Ý muốn nói rằng, cai trị đất nước phải dùng “chính”, dẫn binh đánh trận phải dùng đến “kỳ”, muốn thống trị được người trong thiên hạ phải thông qua “vô sự”.
“Chính” đại diện cho những thứ mang tính nguyên tắc, “kỳ” đại diện cho sự biến đổi linh hoạt. Trong cuộc sống hàng ngày, nếu chúng ta biết tư duy “thủ chính xuất kỳ” – đầu tiên phải tuân thủ nguyên tắc, nhưng có lúc cũng phải biết xoay chuyển theo tình thế, như vậy khi đối mặt với khó khăn, chúng ta mới có thể đột phá tất cả.
Nguồn: Secretchina
Chân Nhiên biên tập