Nguồn: YesVietNam

Cuộc Sống 4 Phương

Trống Lâm Yên, Chiêng Phước Kiều

By Truong Phong

July 17, 2021

Sự tiện nghi của xã hội hiện đại làm người ta quên mất nhu cầu to lớn về tâm hồn con người mà thanh âm vốn dĩ là liều thuốc quý. Vừa hay, điểm mạnh của nghề truyền thống lại nằm ở khả năng cảm nhận của người nghệ nhân. Máy móc dẫu cho có tối tân thì vẫn không thể thay thế.

“Nhất Trống Lâm Yên, Nhì Chiêng Phước Kiều”, đây là câu nói mà người ta dành cho Làng nghề Làm Trống Lâm Yên và Làng Nghề Đúc Đồng Phước Kiều ở Quảng Nam. Có thể không quá nổi tiếng để khiến ai cũng biết về mình, nhưng Phước Kiều là nơi đã chế tác ra hầu hết bộ Cồng Chiêng để tạo ra Di sản văn hóa phi vật thể Cồng Chiêng Tây Nguyên hay những trống Sấm hay trống Bát Nhã liền thân bằng gỗ nguyên khối trên khắp chốn Bắc Nam vẫn làm người ta trầm trồ chấn động xưa nay thì lắm phần cũng từ làng Lâm Yên mà ra.

Theo dòng Nam tiến

Nhà Bác học Lê Quý Đôn lúc qua đèo Hải Vân đến địa phận xứ Quảng Nam có ghi lại trong Phủ biên tạp lục rằng đây là vùng “thiên hạ đệ nhất trù phú”. Cái Xứ Quảng ngày ấy được xem là Miền Nam của Việt Nam bây giờ bởi sự phong phú của sản vật thiên nhiên và ưu đãi của khí hậu thổ nhưỡng so với những vùng phía Bắc Hải Vân. Theo dòng người di cư đến vùng đất mới, những nghề thủ công từ phương Bắc cũng du nhập vào phía Nam. Nhiều thợ thủ công chọn Quảng Nam làm nơi dừng chân khởi nghiệp.

Nghề Làm trống ở Làng Lâm Yên ( nay thuộc Huyện Đại Lộc – Quảng Nam) được Ông Tổ nghề là cụ Phan Công Thiên mang từ Hải Dương vào tầm 200 năm trước. Tiếp thụ vốn kinh nghiệm quý báu và tay nghề tinh xảo truyền từ phía Bắc, cộng với nhu cầu đa dạng, nguyên liệu phong phú từ phương Nam làng trống Lâm Yên qua hơn 6 đời đã tích lũy riêng cho mình những phẩm chất khác biệt mà vẫn giữ nét đặc trưng của nghề làm trống truyền thống. Trống Lâm Yên là một bộ phận trong nghề trống Việt mà thôi. Nên nó cũng sẽ trải qua hành trình hơn 200 năm nhiều lần lắm.

Làng Đúc đồng Phước Kiều (Điện Bàn – Quảng Nam) cũng vậy, được hình thành từ thế kỷ thứ 16, khi ông Dương Không Lộ từ phủ Tường Khánh, tỉnh Lạng Sơn, trên hàng trình Nam tiến đã dừng chân tại Xứ Quảng Nam làm nghề đúc đồng, sau thời gian khai hoang mở cõi đã lập nên làng Phước Kiều. Giống như Trống Lâm Yên, Phước Kiều cũng tiếp thụ cái tinh hoa nghề đúc kim khí phía Bắc và tận dụng những điều kiện tại phía Nam mà làm phong phú thêm nghề truyền thống của mình.

Bí quyết làng nghề nằm ở khả năng thẩm âm của những nghệ nhân

Ai cũng muốn gìn giữ truyền thống. Người ta cũng nhận ra sự mai một của làng nghề, nhưng cho dù bao nhiêu phương cách hay của cải đầu tư vào đi nữa vẫn chưa cải thiện được tình trạng suy thoái mỗi ngày. Bởi lẽ nếu tiếp cận ở góc độ nguyên vật liệu hay kỹ thuật chế tác, kĩ thuật luyện kim thì hiển nhiên cả làng Trống thủ công hay làng Chiêng truyền thống  sẽ bị đào thải trước công năng và phạm vi ứng dụng rộng rãi của những sản phẩm công nghệ tiên tiến. Độ tinh xảo đem lại từ công nghệ CNC dễ dàng thay thế công nghệ luyện kim và điêu khắc thủ công lạc hậu nếu chúng ta chỉ chú tâm vào giá trị giản đơn và Chiêng Trống mang lại.

Sự tiện nghi của xã hội hiện đại làm người ta quên mất nhu cầu to lớn về tâm hồn con người mà thanh âm vốn dĩ là liều thuốc quý. Vừa hay, điểm mạnh của nghề truyền thống lại nằm ở khả năng cảm nhận của người nghệ nhân. Máy móc dẫu cho có tối tân thì vẫn không thể thay thế. Hiển nhiên chính các nghệ nhân ít ỏi còn lại của làng nghề Lâm Yên hay Phước Kiều cũng sẽ thừa nhận rằng cái khó truyền nhất chính là khả năng thẩm âm này.

Ý nghĩa của tiếng Chiêng hồi Trống

Từ đâu mà có tiếng trống mới khai hội, vì đâu mà những sự kiện tâm linh quan trọng đều bắt đầu bằng việc khởi lên hồi Chinh cổ. Các đệ tử Phật gia cho đến tín đồ tôn giáo khác hầu như cũng dùng Trống Chiêng có lúc thì là Chuông đồng mõ cá như những nhạc khí tối cần thiết.

Trong khuôn khổ bài viết này, người viết không tham vọng đề cập đến góc độ tần số rung động của âm thanh hay các vấn đề về nghi thức hay lễ nhạc mà chỉ bàn ở  góc độ quan niệm phổ biến của những cộng đồng người tôn trọng các giá trị tâm linh. Với họ tiếng trống được tượng trưng cho sự bắt đầu, các giá trị mới mẻ, mang theo năng lượng tốt lành và xua đuổi các thế lực xấu xa. Tiếng Chiêng thì âm vang nhưng nhẹ nhàng hơn, mang theo các thông điệp về tỉnh thức, an hòa.

Dù có khác biệt về địa lí, văn hóa nhưng cả người Kinh lẫn người đồng bào dân tộc thiểu số vẫn giống nhau khi sử dụng Trống Chiêng cho các nghi lễ trong đại thể hiện sự tín ngưỡng vào trời đất thần linh. Ta bắt gặp trống chiêng trong lễ cảm tạ thần linh của người Tây Nguyên vì ban cho mùa màng sung túc, Tiếng Trống Chiêng của cộng đồng người Chăm trong đức tin gửi gắm về những vị thần Sáng tạo, Hủy diệt và Nuôi dưỡng. Các nghi lễ tế trời đất từ đình làng miếu mạo của tư gia tộc họ cho đến trang trọng to lớn như tầm quốc gia đại sự vẫn trưng dụng Trống Chiêng như một phần không thể thiếu. Theo nghĩa đó, tiếng Trống Chiêng trở thành ngôn ngữ giao tiếp với tự nhiên từ bao đời.

Hướng đi nào cho làng nghề truyền thống

Khẳng định một điều rằng độ tinh xảo từ bàn tay người thợ Lâm Yên, Phước Kiều hay bao làng nghề thủ công khác đều không bằng máy móc với những công nghệ mới chính xác gần như tuyệt đối. Duy chỉ có điều mà mãi mãi máy móc không thay thế được người thợ đó là khả năng cảm nhận thanh âm và xa hơn là linh hồn của tiếng Chiêng hồi Trống. Vấn đề đặt ra là thế hệ đi sau bằng cách nào mới tiếp thụ được cái khả năng đặc biệt này của thế hệ nghệ nhân đi trước. Đã có nhiều người trẻ cố gắng giữ lửa làng nghề. Nhưng họ đều thất bại.

Bài học từ những thợ làm rèn kiếm Nhật Bản. Họ không chỉ bảo tồn được nghề rèn truyền thống mà còn đưa nó lên một đỉnh cao mới. Bí quyết của họ là sự hòa mình vào thiên nhiên và lắng nghe thanh âm của tạo hóa. Ông Fujiwara Kanefusa truyền nhân đời thứ 25 trong gia đình thợ rèn kiếm ở thành phố Seki, tỉnh Gifu, Nhật Bản nói với Fact Magazine[1] rằng  “Thanh kiếm là trái tim, là linh hồn của người Nhật Bản. Khi đạt đến một trạng thái hư vô, người ta có thể làm ra thanh kiếm đẹp sắc sảo”.

Ở đây Fujiwara Kanefusa chẳng phải đã trao đi một thông điệp rằng luyện nghề chi bằng luyện người sao.

Nam Vũ biên tập

[1] Tạp chí của tập đoàn Kai Group với sứ mệnh ghi lại lịch sử và tương lai của ngành sản xuất chế tạo