Trung thực là thành thực với người và cả với chính mình, luôn tuân thủ chuẩn mực đạo đức chân thật trong từng lời nói và hành động. Đó là một trong những phẩm chất quan trọng nhất tạo nên giá trị của một con người chân chính.
Luật Trời định rõ thiện và ác nhất định đều có báo ứng. Luật Trời chiếu cố cho những ai chân thành, lương thiện và nhẫn nại. Kết quả là, những người thành tín trung thực dễ thành công nhất, trong khi những ai hám lợi lại thường thất bại. Chúng ta đã bắt gặp nhiều trường hợp như vậy trong cuộc sống thường ngày. Dưới đây là một ví dụ:
Ông Koike là một nhà thầu khoán thành công người Nhật Bản. Ông là người sáng lập và chủ sở hữu một công ty môi giới chứng khoán của Nhật. Sự thành tín và trung thực của ông nổi tiếng khắp mảnh đất này.
Năm 13 tuổi, ông rời nhà ở quê lên thành phố kiếm kế mưu sinh. Ông phụ giúp bán hàng trong một cửa hàng nhỏ, đồng thời cũng là người bán hàng của một công ty máy móc. Khi lên 20 tuổi, ông điều hành một công việc kinh doanh nhỏ do tự mình lập ra.
Ông áp dụng kinh nghiệm bán hàng của mình để phát triển kinh doanh và ký được 33 hợp đồng bán hàng chỉ trong 2 tuần. Ông thậm chí còn nhận được tiền đặt cọc trước từ khách hàng. Tuy nhiên, không lâu sau khi ký những hợp đồng này, ông phát hiện rằng giá sản phẩm mà ông bán cho khách hàng hơi cao hơn giá ở các công ty khác. Ông nghĩ khách hàng của ông sẽ tiếc nuối nếu họ biết mình đã ký hợp đồng với giá cao hơn.
Do đó ông mang theo hợp đồng và tiền cọc khi ghé thăm từng khách hàng một. Ông giải thích về giá cả cho khách hàng và nói với họ rằng ông đồng ý hủy bỏ hợp đồng và trả lại tiền đặt cọc. Các khách hàng của ông cảm động sâu sắc trước sự thành tín và trung thực của ông.
Kết quả là, không ai trong số họ hủy bỏ hợp đồng cả. Thay vào đó, họ còn tin tưởng và kính trọng ông hơn trước. Sự thành tín và trung thực của ông Koike đã giúp ông trở thành một người giàu có. Hiện nay, ông là nhà thầu khoán nổi tiếng và được kính trọng nhất Nhật Bản.
Điều căn bản là thành tín, trung thực và chân thành có thể khiến người ta giàu có và may mắn. Đây là quy luật của Trời.
Tính trung thực giúp con người trở nên đáng tin cậy trong mọi mối quan hệ, giao dịch, đó là sức mạnh lớn nhất giúp thuyết phục người khác. Người trung thực không chấp nhận gian dối trong bất kì việc gì. Trung thực làm nên nhân cách con người. Sống trung thực không phải lúc nào cũng dễ, nó đòi hỏi sự dũng cảm và nghiêm khắc với bản thân.
Walter Anderson cho rằng: “Cuộc sống sẽ thay đổi khi chúng ta biết nắm bắt các cơ hội cho mình, nhưng cơ hội đầu tiên và khó khăn nhất lại là việc chúng ta phải thành thật với chính bản thân mình”. Ngay cả khi phải đối diện với thất bại, thua thiệt, ta vẫn cần phải sống trung thực, có thế, ta mới có thể ngẩng cao đầu mà sống và cảm thấy thanh thản trong lòng.
Abraham Lincoln – Tổng thống thứ 16 của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ (1861 – 1865) đã gởi bức thư sau cho thầy giáo của con mình: “Kính thưa thầy! Con tôi sẽ phải học tất cả những điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng, tất cả mọi người đều chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi một kẻ vô lại ta gặp trên đường phố thì ở đâu đó sẽ có những con người chính trực; cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ có một nhà lãnh đạo tận tâm. Bài học này sẽ mất nhiều thời gian, tôi biết, nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết rằng một đồng đôla kiếm được do công sức lao động của mình bỏ ra còn quý giá hơn nhiều so với 5 đôla nhặt được trên hè phố…”
Hầu hết con người trên thế giới này đều hy vọng đạt được thành công và giành được sự công nhận. Tuy nhiên, hầu như không ai có thể đạt được điều mình muốn, bất kể họ thông minh thế nào. Đó là bởi vì luật Trời kiểm soát số phận mỗi người, cho dù họ giàu hay nghèo, địa vị cao hay thấp.
Sự trung thực là một phẩm chất quan trọng hàng đầu trên hành trình hiện thực hóa ước mơ của mình. Trung thực cũng là phẩm chất hàng đầu của nhà lãnh đạo. Những người thiếu trung thực, nhất thời có thể đạt được những lợi ích nhất định, nhưng không sớm thì muộn sẽ bị phát hiện và sẽ đánh mất lòng tin của người khác.
Nguồn Chanhkien
Gia An biên tập