Ảnh" Lenst

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Trước mặt không nói lời ngông cuồng, sau lưng không nói lời hàm hồ, nói chuyện không nói lời cười nhạo

By Đăng Dũng

December 20, 2021

Lời nói không ra đâu với đâu, chi bằng đừng nói; lời nói không có tâm, chi bằng im lặng. Bất luận là công việc hay làm người, kẻ ngốc dùng mồm nói chuyện, người thông minh dùng đầu nói chuyện, kẻ trí tuệ dùng tâm nói chuyện.

Trước mặt không nói lời ngông cuồng

Người xưa nói: “Núi cao còn có núi cao hơn”, đừng tự thỏa mãn chính mình với những hiểu biết của bản thân. Tất cả mới chỉ như “giọt nước” ở trong “đại dương” rộng lớn. Hãy học cách lắng nghe, học cách tiếp thu, và đôi khi, học cách nuốt vào những lời phê bình, những nhận xét nghiêm khắc để lấy đó làm động lực cho chính mình cố gắng hơn và giỏi giang hơn.

Chúng ta đều biết rằng trên thế giới này không thiếu người ưu tú hơn, nỗ lực hơn chúng ta. Bởi vậy, nói chuyện đừng quá ngông cuồng, làm người đừng quá ngạo mạn.

Người thiếu hiểu biết mới ngạo mạn, mới cảm thấy mình là thiên hạ vô địch; người hiểu biết nhiều là người khiêm tốn, họ hiểu rất rõ đạo lý “người tài còn có người giỏi hơn, trời rộng còn có trời cao hơn”.

Trước mặt người khác không nói lời ngông cuồng, âm thầm tích lũy thực lực, âm thầm bao dung những điều xảy ra ngoài ý muốn, bớt tỏ ra ta đây lại, chừa cho mình một con đường lật thân.

Đại tài không kiêu ngạo, lập công không huênh hoang, khiêm tốn làm người, năng nổ làm việc, đây mới là cái gốc làm người.

Sau lưng không nói lời hàm hồ

Platon, nhà triết học cổ đại Hy Lạp có một câu nói nổi tiếng rằng: “Kẻ trí tuệ nói chuyện là bởi họ có lời muốn nói; kẻ xuẩn ngốc nói chuyện là bởi vì họ muốn nói”.

Tâm tư suốt ngày đặt vào người khác, vậy thì làm sao mà quản lý được sự tốt đẹp của bản thân? Miệng lưỡi chỉ biết nghe này ngóng nọ rồi nói hàm hồ, vậy thì làm sao có thể “chu toàn” được cái tiếng của mình.

Câu chuyện của người khác, không liên quan tới bạn, không cần phải bàn này tán nọ; thị phi của người khác, cũng không tới lượt bạn quản, càng không có tư cách đi bình đó luận kia.

Lời hàm hồ, lời xấu xa, không chủ động gợi chuyện, không bị động hùa theo, giữ thanh danh cho người khác cũng là đang bảo vệ “tiếng thơm” của mình.

Nói chuyện không nói lời cười nhạo

Có một câu chuyện như sau: Tiểu thiếp của Triệu Thắng, tướng quốc nước Triệu thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, trong lúc đang ngồi trên lầu, trông thấy một người què đang mày mò múc từng xô nước lên, thấy vậy lớn tiếng cười hỏi: “Đại ca, có lấy được nước không vậy? Có cần ta giúp không?”

Người què cảm thấy bị xúc phạm, trong lòng ấm ức, tìm Triệu Thắng phản ánh lại chuyện này, tức giận yêu cầu Triệu Thắng lấy mạng tiểu thiếp kia.

Thấy Triệu Thắng do dự, người què bèn nói:

“Mọi người đều cho rằng Bình Nguyên quân tôn trọng sĩ tử coi nhẹ nữ sắc, vì vậy mà sĩ tử không quản nghìn dặm tới đầu quân cho Ngài. Người ta nói “Sĩ khả sát nhi bất khả nhục” (sĩ có thể chết chứ không thể chịu nhục), mong Ngài làm chủ cho tôi. Nếu không thì người bên ngoài sẽ nghĩ rằng Ngài trọng sắc khinh sĩ rồi rời bỏ Ngài mà thôi”.

Triệu Thắng bị thuyết phục, chỉ đành giết chết người tiểu thiếp không biết giữ mồm giữ miệng kia.

Người tiểu thiếp trước khi chết, oan ức nói, “Thiếp chỉ là vô ý nói ra những lời thiếu tôn trọng người khác, vậy mà lại phải chết….”

Công bằng mà nói, tội của người tiểu thiếp không đáng chết, nhưng cô ấy lấy khiếm khuyết của người khác ra làm trò đùa, vậy là vô đạo đức.

Nói lời tử tế giống như ngọn lửa ấm áp, ngược lại lời nói tổn thương lại sắc bén như ngọn giáo.

Một câu nói bông đùa, có lẽ trong xã hội ngày nay sẽ không mang họa sát thân, nhưng làm xấu đi một mối quan hệ, gây tổn thương cho người khác là điều không thể tránh khỏi.

Thực ra, bên cạnh chúng ta, có rất nhiều người giống như người tiểu thiếp kia, họ thường đặt biệt danh cho khuyết điểm của người khác, họ có thói quen lấy vết sẹo của người khác ra làm trò tiêu khiển, họ xem những câu nói gây tổn thương người khác là bông đùa, hài hước mà không hiểu được rằng: con rồng có hiền tới đâu mà bị động tới cái vảy ngược thì nó cũng sẽ chẳng thể để yên.

Trêu đùa có chừng mực có thể kéo gần một mối quan hệ, trêu đùa quá đáng là vô duyên. Bất luận là cố ý hay vô ý, bất luận quan hệ có thân thiết tới đâu, lời trêu đùa không phù hợp có lẽ sẽ không khiến người khác hận bạn nhưng nhất định sẽ khiến họ không còn hứng thú muốn nhiệt tình với bạn nữa.

Từ Thanh  Theo Cafebiz