Trong cuộc sống, trưởng thành là khi làm bất cứ việc gì bạn cũng suy nghĩ cho người khác, mình làm như vậy có ảnh hưởng đến người khác không, gây thiệt hại người khác hay không, và nếu nghĩ được như vậy không chỉ bạn đã trưởng thành, mà lúc này bạn sẽ thấy bản thân mình thật cao cả, sống có ý nghĩa.
Cổ nhân có câu “nhân vô thập toàn”, mỗi người khi sinh ra là khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, cũng không phải ai sinh ra lớn lên cũng hoàn hảo tất cả, có người được cái này nhưng lại mất cái kia, có người được cái kia nhưng lại mất đi cái này, và có thể bạn cảm thấy mình không có ý nghĩa nhưng với người khác bạn chính là niềm tin, là động lực của họ.
Thường khi bạn nhìn thấy một người giàu có, làm quan to, đi xe sang…. bạn sẽ nghĩ người đó chắc sẽ là người hạnh phúc, tuy nhiên trên thực tế chưa hẳn là như bạn nghĩ, có thể họ giàu có về vật chất nhưng nếu họ không biết hài lòng, không biết đủ thì họ suốt ngày vẫn ăn không ngon, ngủ không yên vì phải lo tìm cách chiếm lợi cho mình, đến suốt đời vẫn không buông được những thứ ấy.
Chính vì có những người thường hay đi so sánh với người khác nên lúc nào cũng cảm thấy bản thân mình nhỏ bé, không biết quý trọng và hài lòng với những gì mình đang có, không biết trân quý những người xung quanh mình, từ đó suốt đời sống trong cảnh đau khổ, và muốn kết thúc đi cuộc đời của mình.
Có một câu chuyện như thế này: Thuở xưa, có một người đàn ông không làm được điều gì to tát cả, không có tiền và chán nản. Một đêm, ông ta cuối cùng không đủ can đảm để sống tiếp và quyết định đi đến một vực thẳm sửa soạn nhảy xuống.
Trước khi kết thúc cuộc đời, ông ta khóc rất lớn và hồi tưởng tất cả những khổ nạn trong suốt cuộc đời của ông ta. Trên một tảng đá cạnh cái vực có một cây nhỏ. Sau khi nghe người đàn ông khóc lóc, kể lể, cái cây cũng khóc vô cùng thảm thiết.
Khi người đàn ông thấy cái cây cũng khóc, ông ta hỏi: “Cây cũng khóc hả. Có phải cây cũng chịu đựng nhiều đau khổ như tôi không?”
Cái cây nói: “Tôi là một cái cây đau khổ nhất trên thế gian. Nhìn tôi đi, sống trên cái tảng đá, chỉ toàn là đá, không có đất để sinh sản và không có nước để uống. Tôi không đủ ăn suốt đời.
Hoàn cảnh đau khổ này làm các cành cây của tôi khô đét và không nảy nở được, vì thế trông tôi rất thảm não từ lúc mới sinh ra. Gốc của tôi rất cạn làm cho tôi không đứng vững trước gió, và không thể chịu nổi cơn lạnh trong mùa đông. Trông tôi rất yếu so với các cây khác, nhưng thật ra đời sống của tôi còn cực hơn là chết”.
Người đàn ông không thể chịu được nữa vì quá thương hại cho cái cây bèn nói: “Nếu như vậy thì tại sao bạn không kéo thân ra mà chết chung cho rồi”.
Cái cây nói: “Chết thì dễ lắm, tuy nhiên, không có bao nhiêu cây mọc trên vực này cả, tôi không thể chết được”.
Người đàn ông không hiểu nổi. Cây nói tiếp: “Bạn có thấy có tổ chim trên thân tôi không”. Hai con chim vành khuyên làm cái tổ này và chúng đã sống và sinh sôi nảy nở trên thân tôi. Nếu tôi chết đi, thì hai con chim này sống ở đâu?”
Người đàn ông dường như hiểu được điều gì đó sau khi nghe những lời này, và thối lùi lại cách ra xa vực thẳm. Lúc này, ông mới nghĩ về vợ và hai đứa con của mình, nếu ông chết đi thì họ sẽ sống ra sao, có thể ông không làm được gì to tát nhưng dù sao ông cũng giống như một cái cây để người khác làm tổ.
Thật ra, mỗi chúng ta không chỉ sống riêng cho mình ta. Không cần biết bạn là một con người thấp kém đến đâu, nhưng bạn vẫn luôn là một cái cây to lớn cho mọi người khác, có thể bạn cảm thấy mình sống không có ý nghĩa nhưng với người khác thì bạn là chỗ dựa tinh thần duy nhất của họ.
Trong cuộc đời, sẽ có những khoảng thời gian chúng ta cảm thấy bất lực, khi mất đi sức khỏe, công việc, dường như mất đi tất cả mọi thứ,… và có thể điều bạn nghĩ đến lúc này là kết thúc đi sinh mệnh để giải thoát nỗi thống khổ, nhưng bạn có biết rằng đây chỉ là suy nghĩ vị tư, chỉ nghĩ được cho bản thân mình.
Có bao giờ chúng ta thử nghĩ, nếu một người con mất đi, thì gia đình, bố mẹ của anh ta sẽ sống ra sao; nếu người vợ, người con mất đi người cha thì họ sẽ sống dựa vào ai đây; nếu người chồng, con cái mất đi người mẹ thì tổ ấm ấy có vẹn toàn không?. Hơn nữa, trong phật giáo cũng giảng rằng, tự ý lấy đi sinh mệnh của mình cũng chính là mang tội sát sinh, tội nghiệp rất lớn.
Cho nên trong cuộc sống này, trước khi làm bất cứ việc gì bạn cũng nên suy nghĩ cho người khác một chút, ví dụ mình làm như vậy có ảnh hưởng đến người khác không, có làm cho người khác thiệt hại hay không, hãy nghĩ đến những người thân của mình, và nếu bạn nghĩ được như vậy chắc chắn lúc ấy bạn đã trưởng thành thật sự.
Nguồn câu chuyện: Chanhkien.org
Chân Kiến biên tập