Có người đặt câu hỏi về tượng cá gỗ vì sao xuất hiện trong chùa mà không phải linh vật khác? Nguồn gốc và ý nghĩa của tượng cá gỗ xuất phát từ một câu chuyện nhân quả luân hồi trong Đại Thừa Phật Giáo.
Câu chuyện được ghi lại trong cuốn sách Chỉ Quy Khúc của nhà sư Huyền Trang hay còn gọi là Đường Tăng. Trên đường trở về từ chuyến hành hương đến Ấn Độ, Đường Tăng khi đi qua nước Thục (tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) đã gặp một phú ông đã mất vợ cả. Trong lúc phú ông này đang đi săn, vợ kế ở nhà đã ném đứa con 3 tuổi của ông xuống sông, rồi nói dối rằng đứa trẻ bị rơi xuống nước. Để cầu phúc cho vong linh đứa trẻ nơi chín suối, ông liền cho người nấu một bữa chay mời các nhà sư.
Tuy nhiên, nhà sư Huyền Trang khăng khăng đòi ăn cá. Phú ông bèn mua một con cá lớn. Kỳ lạ thay, khi phú ông cho mổ bụng cá, thì đứa con của ông chui ra và vẫn còn sống sót. Huyền Trang nói với ông: “Đây là nghiệp lực luân báo. Bởi vì đứa trẻ đã tuân theo lời dạy không sát sinh trong kiếp trước, nên nó vẫn sống sót dù bị cá nuốt”.
Phú ông bèn hỏi Huyền Trang làm cách nào để báo ơn cho con cá.
Huyền Trang trả lời: “Con cá đã hy sinh để cứu đứa trẻ, nên hãy tạc hình của nó trên mảnh gỗ và treo trong chùa, dùng làm mõ báo hiệu giờ ăn. Như vậy, đại ơn này có thể đã được đền đáp”. Đây là một trong những truyền thuyết về nguồn gốc của cá gỗ trong Đại Thừa Phật giáo.
Một câu chuyện khác cũng nói về ý nghĩa thực sự của cá gỗ, được tìm thấy trong Bách Trượng Thanh Quy, quy luật tu của Thiền sư Hoài Hải: Các nhà sư Phật giáo phải gõ mõ cá gỗ trong lúc tụng kinh, lý do là cá không bao giờ nhắm mắt, từ đó răn dạy các nhà sư bao giờ cũng phải tỉnh táo để duy trì đạo đức, tu học chăm chỉ.
Như vậy, những chú cá gỗ còn là một công cụ quan trọng, được sử dụng như một lời nhắc nhở các nhà sư luôn luôn siêng năng trong việc tu luyện.
Biên tập Thông Lộ Theo nguồn tinhhoa.net