Lạc tướng vùng đất Mê Linh thuộc dòng dõi vua hùng thời xưa có hai người con gái, Trưng Trắc và Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi. Cả hai đều được dạy dỗ văn võ song toàn, năm 19 tuổi Trưng Trắc kết hôn với Thi Sách là con của vị lạc tướng Chu Diên (quản vùng đất Nam Hà) là người có ý chí quật cường.
Thủa ấy, người Đông Hán chia nước ta thành nhiều quận huyện, đứng đầu mỗi quận là một viên thái thú do người Hán chỉ định, theo chính sách “dùng tục cũ để cai trị” nên mỗi huyện đa số vẫn để các lạc tướng người Việt trông coi. Dưới sự đô hộ nhà Hán, các lạc tướng cũng bị đối xử rất tệ, bị hạch sách, või vĩnh, cấm đoán đủ điều. Người dân còn cực khổ hơn, bị bắt xuống biển mò ngọc trai, lên rừng săn thú dữ, …
Lãnh thổ Mê Linh và Chu Diên liền cõi, hai gia đình lạc tướng là thông gia, khiến thanh thế của họ càng thêm mạnh, uy danh càng thêm lớn. Cả hai bàn nhau chuẩn bị lực lượng, rèn đúc vũ khí, tìm thời cơ khởi nghĩa. Nhưng chưa kịp tới ngày khởi nghĩa thì công việc bại lộ, viên thái thú mới là Tô Định ra lệnh xử chém Thi Sách.
Không nào núng trước tình thế Trưng Trắc cùng em gái Trưng Nhị quyết tâm tiến hành cuộc khởi nghĩa đánh đổ chính quyền đô hộ, rửa nợ nước trả thù nhà, dựng lại cơ nghiệp xưa cho các Vua Hùng. Vào năm 40 (theo Dương lịch), Hai bà Trưng giương cờ khởi nghĩa ở Mê Linh.
Trước đó đã có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ, nay nghe bà Trưng là dòng dõi vua hùng dựng cơ nghiệp. Lập tức nghĩa quân được sự hưởng ứng của các lạc tướng và người dân quận Giao Chỉ, Mê Linh trở thành nơi tụ nghĩa quân của cả nước.
Hai Bà Trưng đánh phá đô uý trị của nhà Hán ở Hạ Lôi (Mê Linh) sau đó kéo quân từ Mê Linh xuống Tây Vu đánh chiếm Cổ Loa. Từ Cổ Loa, quân của Hai Bà vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh chiếm Luy Lâu (Thuận Thành, Hà Bắc) là thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ.
Hoảng sợ trước khí thế của nghĩa quân và sự hưởng ứng của mọi người dân Âu Lạc, quan lại Đông Hán không dám chống cự tháo chạy về nước bỏ lại cả của cải, ấn tín, giấy tờ. Thái thú Tô Định cắt tóc cạo râu, giả làm gái cũng lẻn trốn về nước. Chỉ trong vòng hai tháng, 65 quận huyện đã sạch bóng quân xâm lược.
Mùa hè năm Canh tý Trưng Trắc được tướng sĩ tôn lên làm vua, hiệu là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở quê nhà Mê Linh. Trưng Nhị được phong là Bình khôi Công chúa. Các tướng sĩ khác đều được phong thưởng chức tước, tiền bạc, ruộng đất. Dân cả nước được xá thuế hai năm liền.
Mùa hè năm 42, nhà vua Hán Quang Vũ phong Mã Viện làm phục Ba tướng quân, thống lĩnh quân sĩ sang đánh nước ta. Đến năm 43, quân Mã Viện tiến qua Tây Vu đến Lãng Bạc ở phía đông Cổ Loa. Hai Bà Trưng đã tiến quân từ Mê Linh xuống Lãng Bạc đánh quân xâm lược. Mã Viện là viên tướng già, trải qua nhiều trận mạc đã dặn kinh nghiệm chiến trận, có số quân đông, thiện chiến, có các lực lượng thủy bộ phối hợp, lại rất thành thạo lối sắp xếp quân phù hợp đội hình.
Nhìn chung, tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa hai bên Mã Viện đã dần dần giành thế chủ động. Trong khi đó nghĩa quân Hai Bà Trưng lực lượng vừa xây dựng chưa quá ba năm, còn quá non trẻ cũng chưa được huấn luyện tinh nhuệ và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu, không có khả năng cầm cự lâu dài với quân xâm lược Đông Hán ở Lãng Bạc. Quân của Trưng Vương càng ngày càng yếu thế.
Thấy không thể kéo dài, Trưng Trắc quyết định rút quân khỏi Lãng Bạc, lui về giữ thành Cổ Loa. Tòa thành Cổ Loa kiên cố cũng không giúp Trưng Trắc bảo toàn được lực lượng trước sức sức mạnh vũ khí, quân đông đang tấn công ô ạt của Mã Viện. Nữ Vương phải rút quân về kinh thành Mê Linh, nhưng vẫn không trụ được sự tấn công của Mã Viện, phải tiếp tục rút chạy về Cẩm Khê.
Tại Cẩm Khê và các vùng lân cận, diễn ra trận chiến cuối cùng, kéo dài gần một năm, Nữ Vương thất bại, khi chạy tới vùng cửa sông Hát, thấy rằng tình thế không thể cứu vãn, Hai Bà Trưng không muốn rơi vào tay giặc, liền gieo mình xuống sông Hát tự vẫn. Ba năm sau, nước Việt lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ.
Trong Thiên Nam ngữ lục có ghi lại lời thề của bà Trưng Trắc trước khi xuất trận như sau: “Một xin rửa sạch nước thù; hai xin nối lại nghiệp xưa họ Hùng; ba kẻo oan ức lòng chồng; bốn xin vẹn vẹn sở công lênh này”. Bốn điều nói lên tính chất của cuộc khởi nghĩa này.
Người dân tôn kính người nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc can đảm đứng lên chống lại sự xâm lược của quân giặc, nên đã lập miếu thờ hai Bà ở nhiều nơi, cùng các tướng lĩnh để thờ phụng.
Biên tập Thông Lộ