Nguồn: Alobuowang

Cảm Ngộ Nhân Sinh

“Từ bi” có tác dụng phi thường to lớn: 4 cách nuôi dưỡng và 5 ích lợi to lớn của tâm từ bi

By Lan Hòa

October 06, 2021

Lòng từ bi là không ích kỷ, so đo, tính toán, luôn nghĩ cho người khác một cách vô điều kiện, là thể hiện của sự thiện lương, bình hòa trong nội tâm.

Nuôi dưỡng một trái tim từ bi là cốt lõi của tất cả chính tín tồn tại trên thế giới. Mấy chục năm gần đây, những người thực hành phương pháp thiền định và tu luyện ngày càng gia tăng. Nhiều chứng minh chỉ ra rằng, những người có chính tín, sở hữu một tấm lòng từ bi và trái tim nhân hậu đều có ảnh hưởng tốt đối với sức khỏe thể chất lẫn tinh thần.

Một bài báo đăng trên tạp chí Kinh doanh Harvard năm 2005 có đoạn: “Từ bi là chiến lược quản lý tốt hơn sự cứng rắn”.

Trong chương trình đặc biệt “Thời gian phát sóng TED” của Đài Phát thanh công cộng Hoa Kỳ năm 2014, các chuyên gia EQ cũng nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tâm từ bi:

“Từ bi giúp tình cảm vợ chồng sâu đậm hơn, công việc có hiệu quả tốt hơn. Những người luôn nỗ lực lấy “từ bi” làm kim chỉ nam chỉ đạo hành động, hôn nhân của họ bền chặt hơn, cảm thấy hạnh phúc và tự tin hơn, tâm trạng luôn bảo trì ở trạng thái tốt, có lối sống lành mạnh, có khả năng vươn lên từ nghịch cảnh”.

Thiền định có tác dụng to lớn đối với sức khỏe, nuôi dưỡng lòng từ bi (Ảnh: Minh Huệ Net)

Thông qua phương pháp thiền định, thay đổi quan điểm và thái độ cuộc sống sang hướng tích cực, luôn sẵn sàng chủ động giúp đỡ người khác, bạn sẽ cảm thấy bản thân trở nên vui vẻ hơn, chất lượng cuộc sống từ đó cũng sẽ được nâng cao và cải thiện một cách đáng kể.

Từ bi là bản năng tự nhiên của con người

Từ bi, thiện lương là bản năng tự nhiên của con người, con người khi mới sinh ra là lương thiện, mang trong mình tấm lòng từ bi. Lòng từ bi có thể mang lại những hành động bày tỏ tình yêu thương, từ bi có sức mạnh cảm hóa to lớn, gắn kết mọi người lại với nhau hơn.

Bức ảnh ca sĩ Margot MacDonald, người thực hành Chân, Thiện, Nhẫn đang ca hát. (Jeff Nenaralla/Epoch Times).

Theo Từ điển tiếng Anh Oxford, một trong những định nghĩa của lòng từ bi chính là: “Từ bi là sự cảm thông, lo lắng và quan tâm đến nỗi đau khổ, bất hạnh của người khác”. Vậy, mức độ cao hơn của lòng từ bi là gì? Chính là đặt vị trí của bản thân mình vào vị trí của người khác và suy nghĩ cho họ, có thể đồng cảm, quan tâm, lo lắng”.

Vậy trái ngược với lòng từ bi là gì? Là sự ích kỷ, lạnh nhạt, tàn nhẫn và chỉ trích gay gắt.

4 cách nuôi dưỡng lòng từ bi

– Thiền định giúp nuôi dưỡng một trái tim từ bi, khoan dung, nhân ái.

– Xây dựng những mối quan hệ chất lượng, đáng tin cậy: Biết suy nghĩ cho người khác nhiều hơn, đối xử tốt và chân thành với mọi người xung quanh, không đố kị, so đo, tranh đấu với người khác, luôn có suy nghĩ tốt đẹp về người khác…

– Biết cách lắng nghe và thấu hiểu, học cách cảm ơn, trân trọng những điều tốt đẹp trong cuộc sống, bao dung với những điểm chưa hoàn thiện của người khác.

– Tình nguyện giúp đỡ những người gặp hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ, bạn sẽ cảm thấy bản thân được chào đón nhiều hơn, cuộc sống từ đó sẽ có giá trị, ý nghĩa hơn.

5 lợi ích to lớn của lòng từ bi

– Giúp cho sự tương tác giữa người với người trở nên tốt hơn: Có những mối quan hệ tốt đẹp, công việc suôn sẻ hơn, giúp cuộc sống hôn nhân bền chặt hơn, cuộc sống hạnh phúc hơn…

– Ít giận dữ, trách cứ và xảy ra xung đột. Một người không có tấm lòng từ bi sẽ làm “xói mòn” lòng tin của người khác đối với bản thân họ, khiến mọi người xung quanh “đóng” lòng, không thể mở lòng với họ.

– Tính khí bất thường, thích gây xung đột và chỉ trích người khác sẽ làm tăng tiết cortisol, có hại cho cơ thể. Lòng từ bi thì có thể làm giảm sự lo lắng và bớt căng thẳng hơn, làm giảm nguy cơ bị trầm cảm.

– Lòng từ bi khiến cho mọi người có thể duy trì lối sống tích cực và lành mạnh, từ đó có thể cải thiện sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.

– Lòng từ bi có thể nâng cao hiệu quả công việc. Nghiên cứu chỉ ra rằng, khi cấp dưới phạm lỗi, người quản lý thường xuyên chỉ trích, tức giận sẽ khiến hiệu xuất công việc của toàn công ty kém hơn. Ngược lại, khi cấp dưới có sai sót, người quản lý bày tỏ sự cảm thông, sự quan tâm và động viên đối với nhân viên, có thể khiến hiệu xuất công việc tăng lên một cách rõ rệt.

“Từ bi” là một bản tính cao quý, tốt đẹp của con người. Nuôi dưỡng một tấm lòng từ bi, một trái tim biết trắc ẩn, yêu thương mọi người, cũng chính là lúc bạn xây dựng cho chính mình một cuộc đời “đáng sống”, có ý nghĩa. Vì lẽ đó, sống trên đời, chúng ta cần nuôi dưỡng cho bản thân một tấm lòng “từ bi”.

 

Nguồn: Alobuowang

Lan Hòa biên tập