Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên

By Đăng Dũng

August 12, 2021

Cổ nhân có câu “người tích thiện, ắt có phúc dư, người hành ác, ắt có họa thừa”. Người xưa nhìn nhận rằng, mọi sướng khổ trong đời người, phúc báo hay nghiệp lực đều có quan hệ trực đến việc tu tâm dưỡng đức trong quá khứ mà tạo nên.

Trong đời người, mọi thành công đạt được, hay những khổ đau phải chịu nhận đều phản ánh quá trình tu dưỡng của mỗi người. Không có điều gì là xảy đến một cách ngẫu nhiên, mọi sự đều được an bài dựa trên phúc phận và tâm tính con người!.

Cổ nhân có câu “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại Thiên”. Phúc phận của một người không phải là phấn đấu trong một đời là có được, cũng không phải là bôn ba vất vả có được, mà là hành thiện tích đức mà có được, còn ngược lại nếu làm chuyện xấu, thì sẽ tổn đức tạo nghiệp, khi đến một lúc nào đó sẽ gặp phải báo ứng.

Câu chuyện ‘’Sự tích dưa hấu’’ trong cuốn “Lĩnh Nam chích quái Liệt truyện” là minh chứng rõ ràng nhất về sự tu tâm dưỡng tính, tích đức hành thiện của con người có thể mang đến phúc báo về sau, chứ phúc phận không phải là do ai ban phát.

Chuyện kể rằng: Vào đời Hùng Vương có viên quan tên là Mai An Tiêm, vốn là người ngoại quốc. Vua mua từ thương thuyền về làm nô bộc từ khi lên 7,8 tuổi. Khi lớn lên, diện mạo đoan chính, nhớ thuộc sự vật, vua ban cho tên là Mai Yển, hiệu An Tiêm, lại ban cho một người thiếp. Tiêm sinh hạ được một trai một gái. Vua rất tin yêu, giao cho công việc, dần dần trở nên giàu có, ai nấy đều khiếp sợ, kẻ quyền cao chức trọng đều muốn đến làm thân, của cải rất nhiều.

Mai An Tiêm thường nói rằng: “Đó đều do kiếp trước ta tu mà có, không có phải do ơn chủ đâu”. Vua nghe nói cả giận, phán: “Làm bề tôi mà kiêu căng ngạo mạn, không biết ơn chủ! Nay ta đưa ngươi ra một nơi không có người ở giữa bể, xem nhà ngươi còn có của cải kiếp trước nữa hay không?”. 

Bèn đày Mai Yển ra ngoài cửa bể huyện Thán Sơn, bốn bề toàn là cát và nước không có vết chân người qua lại, ban cho một số lương thực đủ ăn bốn năm tháng để cho ăn hết thì chết. Vợ Tiêm than khóc “Tôi chết ở đây rồi, không thể sống được”.

Tiêm cười mà bảo: “Trời sinh ta tất sẽ nuôi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng”.

Bỗng thấy một con chim màu trắng từ hướng Tây bay lại, đậu ở đầu núi, kêu lên 3, 4 tiếng, nhả xuống 6, 7 hạt dưa rơi xuống cát, hạt nở thành dây, mọc lên um tùm rồi kết thành trái rất nhiều. 

An Tiêm mừng rỡ nói rằng: “Đây không phải là vật dị thường mà là trời cho để nuôi ta đó”. Bèn bổ ra mà ăn, thấy mùi vị thơm ngon, tinh thần sảng khoái, mới đem ra trồng, ăn không hết, đem đổi lấy gạo nuôi vợ con. 

Tiêm không biết gọi là trái cây gì, nhưng vì chim ngậm hạt từ hướng Tây bay tới nên gọi là trái dưa hấu (Tây Qua). Bọn phường chài, phường buôn ăn đều cho là ngon, đều đến mua bán đổi chác. Những người ở thôn xóm xa gần đều mua hạt về làm giống, theo mùa trồng trọt khắp nơi.

Sau vua nghĩ tới Tiêm, cho người đến xem còn sống hay đã chết. Người đó về tâu lại với vua, vua thở dài mà than rằng: “Hắn nói là do ở kiếp trước, điều đó quả thực không ngoa”. Bèn xuống chiếu gọi về, cho giữ chức cũ, lại cấp cho nô tỳ. 

Bãi cát Tiêm ở gọi là bãi An Tiêm, chỗ An Tiêm ở gọi là làng Mai, nay thuộc huyện Nga Sơn. Xưa, người ta tôn An Tiêm là cha mẹ của dưa hấu, nay còn tôn làm ông tổ về dưa hấu.

Qua câu chuyện “Sự tích dưa hấu”, chúng ta có thể thấy được những thành quả mà Mai An Tiêm đạt được vốn dĩ không phải ngẫu nhiên mà có, lại càng không phải là do tranh giành mà đạt; vậy những thành quả ấy từ đâu mà có? Đó chính là kết quả của quá trình tu tâm dưỡng tính, tu luyện tâm tính con người; bởi tu luyện có thể đắc phúc báo về sau! 

Trong cuộc sống hết thảy những thứ chúng ta đạt được đều là trong quá khứ tích được đức mà thành tựu. Đời người dù giàu hay nghèo, chỉ cần không quá truy cầu thì bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc.

Cuộc đời của con người đã được định đoạt từ khi sinh ra, phú quý là do phúc phận mà người ta tích được. Trong cuộc sống chúng ta sẽ phát hiện có rất nhiều người như thế này, có người làm gì cũng ra tiền, nhưng có người làm gì cũng không thuận.

Cổ nhân có câu “Phú quý do trời định”, người xưa rất tin vào số mệnh, họ thường nó. Điều gì trong số mệnh đã được định là có thì nó sẽ đến, còn điều gì không được định sẵn, thì đừng cưỡng cầu, bởi cưỡng cầu mà làm điều xấu thì sẽ bị báo ứng. 

Và hơn thế, ta còn hiểu thêm về một đạo lý làm người: con người hãy biết sống thuận theo tự nhiên! Mai An Tiêm cũng đã nói: “ Trời sinh ta tất sẽ nuôi ta, sống chết bởi trời, ta đâu lo lắng” – ý nghĩa là mọi sự đều đã được an bài, chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, cái gì của mình thì sẽ là của mình, không phải của mình thì cưỡng cầu cũng vô dụng. 

Cảnh giới cao nhất của nhân sinh chính là không cầu mà được. Phàm là việc gì cũng không nên cố ý cưỡng cầu, thuận theo tự nhiên, tùy ngộ mà an, vận khí tốt và hạnh phúc sẽ thuận theo đó mà đến.

Con người ta vốn là nên hướng đến cái thiện, rời xa cái ác, đó cũng là đạo Trời. Một người nếu có thể hiểu được số phận, họ sẽ thản nhiên đối mặt với những an bài của số phận, không vì những được mất và lợi ích mà sinh ra phiền não, mà bất chấp lương tri. 

Chân Kiến biên tập

Nguồn: nghethuathongan.com