Cổ ngữ có câu: ‘Thiên hạ bách nhân bách khẩu’: Người trong thiên hạ trăm người trăm miệng, thay vì thay đổi bản thân bởi điều tiếng của người khác, nên chăng hãy thay đổi chính mình theo chân lý và lẽ phải. Nhận ra là mình đúng rồi thì cứ kiên định mà làm thôi.
Trong cuộc sống thay vì mong muốn người khác thay đổi, chúng ta hãy nên tự học cách thay đổi bản thân mình trước tiên. Nếu làm được vậy thì cuộc sống và mọi thứ xung quanh sẽ thay đổi, và mọi điều tốt đẹp sẽ đến với bạn trong tương lai.
Muốn thay đổi thế giới, trước tiên hãy thay đổi bản thân
Một học giả người Anh từng nói: Khi còn trẻ, tôi tràn đầy năng lượng và sự tự tin, lúc đó tôi mơ ước thay đổi thế giới, nhưng khi lớn hơn và trải nghiệm nhiều hơn, tôi nhận ra rằng mình bất lực trong việc thay đổi thế giới, vì vậy tôi thu hẹp phạm vi của mình và quyết định thay đổi đất nước của tôi trước.
Nhưng mục tiêu thay đổi đất nước vẫn còn quá lớn, và tôi thấy rằng mình vẫn chưa có khả năng này. Rồi tôi bước vào cuộc sống trung niên, trong những cơn tuyệt vọng, tôi muốn thu hẹp phạm vi và quyết định thay đổi với những người thân nhất trong gia đình, nhưng rồi kết quả vẫn không theo ý muốn.
Khi tôi già đi, cuối cùng tôi nhận ra một điều: Tôi nên thay đổi bản thân mình trước, để làm gương cho gia đình. Nếu trước tiên tôi có thể là một hình mẫu cho gia đình noi theo, có thể tôi sẽ cải thiện đất nước trong bước tiếp theo, và trong tương lai tôi thậm chí còn có thể thay đổi cả thế giới.
Trong cuộc sống, chúng ta thường không nghĩ đến việc thay đổi bản thân mình, nhưng nghịch lý thay, là chúng ta lại luôn muốn có sự thay đổi từ người khác, thay đổi từ môi trường xung quanh, nơi mình làm việc, hay lớn hơn là sự thay đổi của thế giới.
Nhưng mỗi người là mỗi một tế bào của xã hội, muốn cho xã hội thay đổi, thế giới thay đổi, thì tự bản thân của mỗi người chúng ta phải thay đổi, thì mới góp phần làm thay đổi xã hội, thay đổi thế giới được.
Ngày xưa, có một vị vua cai trị cả một vương quốc rộng lớn. Một ngày nọ, ông quyết định vi hành đến những vùng đất xa xôi nhất của đất nước. Những con đường ông đi qua đều gập ghềnh, sỏi đá. Khi trở về cung điện, nhà vua phàn nàn rằng chân ông rất đau.
Bực mình vì bị những cơn nhức mỏi hành hạ, ông ra lệnh cho tất cả các con đường trong vương quốc phải được bao phủ bằng da súc vật. Đây là một mệnh lệnh rất khó thực hiện và tốn kém cả về sức người, sức của nhưng không ai dám khuyên can nhà vua.
Thế rồi cuối cùng, một người hầu khôn ngoan đã dũng cảm đứng ra can gián. Anh ta nói:
– Tại sao Người không cắt những miếng da bò êm ái phủ quanh đôi chân trần của mình? Như vậy, không những chân Người sẽ không còn bị đau khi đi qua những con đường gập ghềnh sỏi đá nữa mà cả vương quốc cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, của cải!
Nhà vua rất ngạc nhiên trước lời đề nghị lạ lùng của người hầu, nhưng rồi sau đó ông cũng đã đồng ý. Vậy là đôi giày đầu tiên trong lịch sử đã ra đời.
Khi gặp chuyện không như ý, điều bạn nghĩ đến đầu tiên là thay đổi người khác, thay đổi hoàn cảnh hay là thay đổi chính bản thân mình? Kỳ thực, thay đổi người khác rất khó, vì ai cũng có quan niệm cố hữu và tự tôn của bản thân. Thay đổi thế giới này lại càng khó hơn. Điều duy nhất bạn có thể nắm chắc, đó chính là thay đổi bản thân mình.
Những khía cạnh tích cực của sự thay đổi mang lại Trong cuộc sống này, con người thường bị trói buộc trong những mối ràng buộc chằng chịt khiến thân thể chẳng thoải mái, cõi lòng cũng nặng trĩu. Rất nhiều người mang trong tâm mong muốn thay đổi thế giới, cải biến, điều khiển người khác. Khi hoàn cảnh không thuận lợi, mọi chuyện diễn ra chẳng như ý, họ sẽ chỉ tự chuốc lấy nỗi buồn.
Nếu đã không thể thay đổi ngoại cảnh bên ngoài, nhân tâm người khác, chi bằng bạn thay đổi chính nhân tâm của mình. Người xưa nói: “Tướng tại tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển”, ý tứ là tướng mạo, ngoại cảnh bên ngoài là từ trong tâm mà sinh ra, cũng theo tâm mà chuyển biến.
Một chàng trai lêu lổng đi qua khoảnh ruộng gặp một nông phu đang đánh trâu kéo cày, bèn lớn tiếng hỏi: “Bác kéo cày làm gì, dù sao cũng không thể cày xới được toàn bộ cánh đồng lớn này, sao phải nhọc công, gắng sức làm vậy?“.
Bác nông phu tháo nón, mỉm cười nói: “Đúng vậy, tôi không thể cày xới cả cánh đồng lớn nhưng mảnh ruộng nhỏ này của tôi chắc chắn phải được xới đi xới lại đến khi đất tơi xốp. Chàng trai à, dẫu không thay đổi được cả thế giới nhưng lẽ nào cuộc đời trong tay mình cũng để buông xuôi ngày tháng? Hơn nữa nếu ai cũng có thể cày tốt mảnh ruộng của mình chẳng phải là cả cánh đồng lớn kia, tất cả ruộng đất trên thế giới này cũng đều được cày xới hay sao?“.
Vậy thì ngay bây giờ bạn cũng hãy làm như chàng hoàng tử trẻ kia, biết cách thay đổi chính mình và chấp nhận thế giới để cuộc đời mình tươi đẹp, hoàn mỹ hơn.
Vượt qua những rào cản thay đổi bản thân, mỗi người chúng ta phải luôn nhìn cho được các khía cạnh tích cực của sự thay đổi, để vượt lên chính mình, nghĩ thay đổi bản thân mình trước khi nghĩ đến sự thay đổi thế giới. Thay đổi bản thân, chúng ta sẽ có một cuộc sống hạnh phúc, cơ hội thành công đến với ta cũng dễ dàng hơn. Làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đòi hỏi chúng ta cần có sự nỗ lực cũng như quyết tâm để tạo ra những thay đổi.
Thay đổi thói quen, hành động trong các mối quan hệ. Chúng ta không thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng có thể thay đổi cách ứng xử của mình. Trước khi hành động chúng ta cần phải cân nhắc, suy nghĩ, hành động bằng lý trí, đừng dùng thái độ tức giận để giải quyết vấn đề.
Nguyên nhân của mọi vấn đề thường nằm ở bản thân mỗi người, bạn suy nghĩ như thế nào, bạn sẽ nhận được kết quả như thế ấy. Nếu có thất bại cũng đừng đổ lỗi cho hoàn cảnh, mà hãy nhìn nhận là do bản thân chưa cố gắng, chưa kiên trì.
Đừng lúc nào cũng xem mình là một đứa trẻ hãy lớn lên đúng theo độ tuổi của mình. Bởi vì bạn còn chèo lái con thuyền cuộc đời của mình chứ không nên để người khác cầm lái bạn. Khi chúng ta tự quyết định, biết thay đổi cho phù hợp với hoàn cảnh chắc chắn bạn sẽ có một cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc hơn rất nhiều.
Nguồn Secretchina
Huy Hiếu