Làm Cha Mẹ

Từ Thức trở về

By Đăng Dũng

April 09, 2021

Từ Thức một mình đi vào núi Hoành Sơn tìm kiếm pháp môn tu tiên, nhưng đi rất nhiều nơi mà không tìm được. Không tìm thấy đường đến thượng giới, vợ Giáng Hương ở đó cũng đã tuyệt tình. Từ Thức lúc này mới cảm nhận được sự tang thương từ trong tâm, cô độc tịch mịch không biết bản thân sẽ như thế nào cho những ngày tháng tiếp theo đây.

Sau khi đã suy nghĩ kỳ càng, Từ Thức quyết định trở lại nhân gian đổi tên thành Lý Chân, biểu thị mình muốn tìm một chân lý Đại Đạo để tu luyện, nhưng tìm danh sư ở nơi đâu? Có thể phải đi khắp chân trời góc bể, vậy nên trước hết đến gần kinh thành dạy học để tích trữ chút tiền và chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày.

Từ Thức vốn trước kia đã có tài thơ ca và đàn cổ cầm, sau lại được ở thượng giới một năm, rồi lại trải qua sự cô độc tại nhân gian nên văn thơ cũng trở nên sâu sắc, từng lời từng của Từ Thức nói ra học sinh nghe mãi không biết chán. Tiếng hay đồn xa, chỉ dạy học một năm mà Từ Thức phải liên tục mở rộng thêm lớp dạy học. Học trò đến rất đông, Từ Thức phải từ chối bớt người vì không đủ lớp học.

Sang năm thứ hai, học trò của Từ Thức lúc này rất nhiều người tham gia thi hương, thi hội, thi đình đều đỗ với kết quả cao. Điều này làm cho danh tiếng của thầy đồ Lý Chân vang xa đến tai các quan trong triều, nhiều vị quan đã gửi con cháu mình đến học, các con cháu của quan về ca ngợi thầy đồ Lý Chân không ngớt, cũng không mấy chốc đến tai nhà vua.

Nhà vua cử người đến mời thầy đồ Lý Chân đến dạy học cho các hoàng tử và công chúa. Từ Thức đã chán cảnh vua tôi trong triều, nên từ chối không nhận. Trong tâm Từ Thức đã dự định dạy học 3 năm, dự đủ chi phí rồi khăn gói lên đường có thể sang núi Côn Lôn, Núi võ đang, hoặc Tây Tạng để tìm sư học đạo. Nếu nhận lời của vua thì sẽ không thể đi được, vậy nên từ chối thẳng nhà vua.

Nhà vua không được hài lòng lắm, định cho quân lính bắt thầy đồ Lý Chân vào cung, cũng may là trong triều có nhiều quan có con cháu đang được thầy đồ Lý Chân dạy học, nếu để bị bắt vào cung thì cũng ảnh hưởng đến con cháu họ. Thế là họ ra sức khuyên can nhà vua, vì thế Từ Thức không bị ảnh hưởng gì.

Các hoàng tử và công chúa nghe tiếng đồn nên cũng cải trang thành thường dân và đến xin học. Từ Thức thấy rằng 3 năm đã sắp đến, không nên nhận thêm trò nữa, nhưng họ có thái độ rất thành khẩn nên cho họ vào lớp cuối cùng. Một hôm nhân lúc cao hứng, Từ Thức tấu lên một khúc nhạc lay động tâm can, toát lên từ nội tâm của Từ Thức. Khi dừng lại, xung quanh có rất nhiều học trò đứng nghe, đặc biệt là các hoàng tử và công chúa trong cung đã được học cầm kỳ thi họa.

– Xin thầy dạy cho chúng con bản nhạc vừa nãy.

Một hoàng tử quỳ xuống cung kính, anh cũng chưa bao giờ bị lay động như thế. Một bản nhạc như thoát tục lại sâu lắng đến tận tâm hồn con người. Không ngờ chỉ nghe danh thầy Lý Chân dạy giỏi văn hay, chứ chưa bao giờ nghe ai nói thầy cũng đánh đàn hay như thế.

– Con muốn học đàn? vừa hay là lúc ta muốn từ bỏ, vậy ta sẽ truyền lại toàn bộ cho trò và cả cây đàn này nữa.

Từ Thức dự kiến 3 năm, nhưng do học trò học chưa hết khóa học, lại còn chữ tín mình nhận dạy nữa. Vậy nên 7 năm sau, vào một đêm thanh tĩnh Từ Thức lặng lẽ rời khỏi kinh thành, bắt đầu chuyến đi dự định của mình. Nghe nói nơi nào từng có bậc chân nhân tu hành đắc đạo thì Từ Thức đều tới. Sau này không ai còn biết Từ Thức đi đâu nữa. Trong dân gian có truyền rằng Từ Thức sau cùng cũng tìm được đại đạo tu hành, lúc đi vân du đã truyền lại bài ca dao cho trẻ hát:

Trần gian như mộng phù vân

Cõi mê lớn ấy hồng trần bao năm

Tình người chỉ đến trăm năm

Danh lợi thoáng chốc xa xăm với mình

Rừng sâu có một ngôi đình

Tu hành nơi đó hòa mình thiên nhiên

Sinh mệnh quý nhất tiên thiên

Thiện tâm thuần phác thánh hiền đều mong

Gửi cho những người ngóng trông

Đại đạo Đại Pháp đã hồng truyền ra

Gửi cho tất cả gần xa

Nhớ trân quý lấy kẻo mà lỡ duyên.

 

 

Tác giả Tâm Như