Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Tức giận không phải là cách để giải quyết vấn đề

By Đăng Dũng

March 26, 2021

Tục ngữ ngữ có câu “giận quá mất khôn”, giận giữ, bực tức quá mức có thể khiến bạn có những hành động, lời nói thiếu kiểm soát ảnh hưởng đến các mối quan hệ trong cuộc sống và công việc của mình.

Giận dữ không phải luôn là một cách tốt nhất để giải quyết vấn đề, dù cho nó có thể hữu dụng trong thời hạn ngắn. Nếu bạn không kiềm chế, kiểm soát sự giận dữ, thành thói quen nó sẽ gây nên những vấn đề, đôi khi cho bạn và thường xuyên cho những người khác sống xung quanh bạn.

Vậy làm thế nào để không giận quá mất khôn, bạn có thể tham khảo một số cách kiềm chế cơn tức giận của người xưa qua câu chuyện sau đây.

Cuộc sống không phải là để tức giận

Có một vị thiền sư nổi tiếng thích hoa lan, ông trồng được rất nhiều loại quý hiếm, thường ngày ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, còn lại ông dồn hết tâm sức để chăm hoa lan.

Một ngày, vị thiền sư muốn ra ngoài dạo chơi một lát, trước khi đi, ông dặn đệ tử ở nhà phải chăm sóc hoa lan cho tốt. Kết quả có một người đệ tử lúc tưới nước, không cẩn thận bị trượt chân, làm cho chậu hoa lan rớt xuống đất vỡ thành từng mảnh, hoa lan cũng rơi lả tả trên mặt đất.

Người đệ tử lúc ấy sợ hãi nghĩ: “Sư phụ trở về mà nhìn thấy cảnh tượng này, không biết là sẽ tức giận như thế nào?”.

Vị thiền sư sau khi trở về, người đệ tử lập tức quỳ gối trước mặt sư phụ, xin bị trách phạt. Nhưng không ngờ, vị thiền sư chẳng những không tức giận, ngược lại còn nhẹ nhàng an ủi đệ tử, nói: “Ta chăm hoa lan, không phải là để tức giận”.

Cổ nhân từng nói: “Không vì ngoại cảnh mà vui, không vì bản thân mà buồn”. Đối với ngoại cảnh, không để trong lòng, được mất tùy duyên, bảo trì nội tâm an ổn và bình tĩnh. 

Bởi vì vạn vật đều có sinh có diệt, ngay cả đời người, cũng chỉ sống được mấy mươi năm, chớp mắt là đã trôi qua, nhân sinh ngắn ngủi, vậy vì cớ gì lại không sống cho vui vẻ?

Bản sự càng lớn, tính khí càng nhỏ

Một người có bản sự càng lớn, thì thông thường tính khí lại rất nhỏ; bản sự càng nhỏ, tính khí lại càng lớn. Bởi vì lúc mà một người nóng giận, nói cho cùng, đó là do bản thân cảm thấy bất lực và bị những nỗi thống khổ nhấn chìm.

Trong những năm Chính Đức triều đại nhà Minh, Ninh Vương tạo phản, Vương Dương Minh chỉ mất một tháng đã nhanh chóng dẹp yên được phản loạn, tránh được tổn thất cho quốc gia.

Nhưng Vương Dương Minh lại bị những vị quan khác đố kỵ, vu oan ông cấu kết với Ninh Vương, do việc không thành, nên mới bán đứng Ninh Vương để tự bảo vệ mình. 

Bình định phản loạn công lao thật to lớn, nhưng Vương Dương Minh lại không được để ý tới, còn bị người ta hãm hại. Chỉ là đối mặt với tình cảnh như vậy, Vương Dương Minh lại không căm tức chút nào.

Ông sau đó đi tìm Trương Vĩnh, dồn toàn bộ công lao cho ông ta. Sau đó Vương Dương Minh đi vào ở trong chùa. Nhờ có tâm thái bình thản, ông đã nhẹ nhàng hóa giải hết mọi tai họa.

Vương Dương Minh cho rằng, con người phải biết tự kiểm soát chính mình, chỉ động não, không động tâm. Bởi vì động não mới có thể tìm được cách để giải quyết vấn đề, còn nếu động tâm, thì sẽ lập tức bị cảm xúc dẫn dắt, từ đó mà hỏng việc.

Một người càng nóng giận, thì lại càng không tìm thấy điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề, sẽ làm cho sự tình ngày càng tệ hơn. Chỉ có cách khống chế thật vững cái tâm của mình, tỉnh táo phân tích vấn đề, từ đó mà tìm ra được phương cách để giải quyết nó.

Phật gia gọi cơn nóng giận là “Hỏa thiêu công đức lâm”, tức là chỉ cần một cơn thịnh nộ, có thể thiêu rụi hết tất cả phúc lộc và công đức.

Bởi vậy, khi chúng ta gặp phải việc không như ý, hãy tĩnh tâm lại mà nói với chính mình: “Không sao, mọi việc rồi cũng sẽ qua thôi!“. Sống vui vẻ mỗi ngày, mới không uổng phí một kiếp nhân sinh.

“Lùi một bước biển rộng trời cao”, cách tốt nhất để kìm chế cơn tức giận là học cách nhẫn, học cách bình tĩnh. Khi gặp một mâu thuẫn nào đó, bạn chỉ cần bình tĩnh nghĩ một chút xem nếu mình làm vậy có ảnh hưởng đến người khác không, có gây hại cho người khác không như thế tự nhiên sẽ làm được tốt.

Nguồn: Tinhhoa.net

Kiên Chân