Sức Khỏe

Tục ngữ: “Tinh túc bất tư dâm, khí túc bất tư thực, thần túc bất tư miên” ý tứ là gì?

By Đăng Dũng

November 12, 2021

Khi chúng ta nhìn thấy một ông già tóc bạc, bước đi như bay, tinh thần tuyệt vời, tinh khí đầy đủ, chúng tôi sẽ nói rằng ông ấy “tinh khí thần” mười phần đầy đủ, cho thấy sức khỏe thể chất của ông lão. Tuy nhiên có một số người trẻ tuổi, nhìn lại uể oải, không có một chút tinh thần, một phần lớn nguyên nhân này đều là bởi vì cuộc sống không điều độ, dựa mình tuổi trẻ, mà không yêu quý thân thể của mình, tích lũy từng ngày, tạo thành hiện tượng tinh khí thần không đủ.

Trương Tam Phong khi đã trăm tuổi mà vẫn sáng tạo ra được Thái Cực Quyền mà chúng ta quen thuộc. Trong phim truyền hình có thể thấy, ông ấy là một ông lão tính cách vui vẻ, hài hước, tuy rằng đã hơn một trăm tuổi, nhưng thân thể so với người trẻ tuổi còn tốt hơn, mặc dù trong đó có chút khoa trương, nhưng điều này chứng tỏ Trương Tam Phong “tinh khí thần” rất đủ. Về “tinh, khí, thần”, cổ nhân đã có một câu tục ngữ, đó là “tinh túc bất tư dâm, khí túc bất tư thực, thần túc bất tư miên”, ý tứ là gì?

Tinh túc bất tư dâm- Tinh đủ không nghĩ chuyện dâm tà

Tinh chỉ tinh lực của một người, nếu như một người tinh lực đầy đủ mà nói, hắn sẽ không có nhiều tâm tư về chuyện nam nữ, điều này cũng chứng tỏ thân thể đạt tới một loại trạng thái cân bằng. Nhìn xung quanh chúng ta sẽ thấy rằng những người tràn đầy tinh lực thường thành công trong sự nghiệp của họ, họ sẽ tập trung vào công việc và sự nghiệp, họ biết nặng nhẹ. Ngược lại, những người không làm gì, cả ngày nghiện rượu và đánh mất chính mình. Không tìm được phương hướng nhân sinh, tinh thần lại cực kỳ trống rỗng, lúc này lại không chịu nổi sự hấp dẫn của sắc đẹp, cuối cùng chịu thiệt thòi lớn, tinh thần càng ngày càng suy sụp, thân thể cũng bị hao mòn, phá hủy cân bằng âm dương của thân thể.

Khí túc bất tư thực- Khí đủ không nghĩ đến chuyện ăn

Có rất nhiều cách để con người thể hiện cảm xúc của mình, khi hạnh phúc chúng ta sẽ cười, và khi tâm tình buồn bực, chúng ta sẽ tỏ ra khó chịu. Hẳn mọi người đều có loại cảm giác này, đó là sau khi tức giận thì cảm giác no bụng, cái gì cũng nuốt không trôi, chúng ta cũng thường nghe “tức khí”, đó chính là đạo lý này. Khí vận đan điền, ý nói đan điền khí. Trong tiểu thuyết võ hiệp, những cao nhân bế quan tu luyện, thời gian rất dài sẽ không ăn, đây chính là bởi vì tinh khí thần trong cơ thể sung túc phát huy tác dụng, do đó là họ không có cảm giác thèm ăn, cũng không cảm giác được đói. Bởi vì khí trong cơ thể con người đóng một vai trò rất lớn, nó có thể thúc đẩy thân thể bên trong đạt được một tuần hoàn nhất định, do đó bảo vệ các cơ quan khác nhau trong cơ thể con người.

Thần túc bất tư miên- Thần đủ không nghĩ đến việc ngủ

“Tinh, khí, thần” không thể thiếu cái nào. Sau khi nói về “tinh khí”, chúng ta nên nói về “thần”, thần ở đây chỉ là trạng thái tinh thần, ý tứ của những lời này cũng rất dễ hiểu, chính là tinh thần mười phần đầy đủ mà nói, sẽ không cảm thấy buồn ngủ. Chúng ta thấy một số người thường ngủ gật, cả ngày không có tinh thần, những người như vậy là biểu hiện của sự thiếu tinh thần. Chỉ khi có một trạng thái tinh thần tốt mới có thể làm tốt công việc. Mỗi ngày đều mơ màng, không muốn thức dậy, làm thế nào có thể có năng lượng làm những việc khác.

Đặc biệt là cuộc sống bận rộn ngày nay, áp lực của những người trẻ tuổi cũng rất lớn, cuộc sống về đêm cũng rất phong phú, các chương trình giải trí cũng rất nhiều, tất cả các khía cạnh khiến rất nhiều người trẻ tuổi hình thành một số thói quen xấu, không biết yêu thương cơ thể, tiêu thụ rất nhiều “thần” của chính mình, lãng phí vào những điều không cần thiết, chắc chắn sẽ tạo ra tinh thần không đủ, cơ thể sẽ buồn ngủ, lãng phí nhiều thời gian vào giấc ngủ, đó chính là lãng phí cuộc sống.

Người xưa đã đúc kết câu tục ngữ này, chủ yếu chính là nói “tinh, khí, thần”, ba thứ này bổ sung cho nhau, không thể thiếu cái nào, kỳ thật đây cũng là nói cho chúng ta biết, bình thường phải chú ý bảo vệ thân thể, dưỡng tốt tinh khí thần của chúng ta, mới có thể bảo đảm có được một thân thể khỏe mạnh.

Thảo Nguyên biên dịch

Nguồn: Aboluawang