Nguồn ảnh: ST

Văn Hóa

Tuyệt chiêu “kén rể, chọn dâu” cực chuẩn của người xưa, hậu thế học được sẽ thu được thọ ích

By Lan Hòa

October 21, 2021

Cổ nhân có câu: “Đàn ông sợ chọn nhầm nghề, phụ nữ sợ gả nhầm chồng”. Đàn ông hễ chọn nhầm nghề thì dẫu tài hoa thì sự nghiệp cũng bị ngăn trở. Phụ nữ hễ lấy nhầm chồng thì dẫu đức hạnh cũng coi như lỡ dở cả một đời. Bởi thế các bậc cha mẹ thời xưa rất coi trọng chuyện hôn nhân. Trong lịch sử cũng có ghi lại vài “câu chuyện kinh điển” về việc kén rể, chọn dâu.

Kén rể trọng đức hành thiện

Một câu chuyện kén rể nổi tiếng gọi là “Đông sàng khoái tế”, nghĩa là chàng rể vui vẻ ở giường phía Đông. Thái úy Si Giám nhà Tấn có một ái nữ tên là Si Tuyền, đến tuổi kén rể. Si Thái Úy nghe nói con em trong nhà tể tướng Vương Đạo rất đông, hơn nữa ai nấy đều tài mạo song toàn, bèn muốn kén rể từ nhà họ Vương.

Được Vương Thừa tướng tán đồng, Si Thái úy cử một môn sinh cầm thư tới nhà Vương Tể tướng tìm hiểu. Vương Tể tướng nói: “Người nhà tôi rất đông, đều đang đợi ở bên kia, ông mau qua mà lựa, chọn ai cũng được”.

Người nhà họ Vương sớm đã nghe tin Si Thái úy sẽ cử người tới kén rể, ai nấy đều ăn mặc trịnh trọng, dốc sức thể hiện phong độ ngời ngời, lễ nghĩa đầy mình, nhằm để lại ấn tượng tốt trước mặt vị môn sinh nhà Si Thái úy.

Vị môn sinh cẩn thận khảo sát người nhà họ Vương một lượt, rồi về phủ bẩm báo với Thái úy rằng: “Người nhà họ Vương ai nấy đều có tài, có tướng mạo, rất đáng nể. Họ nghe nói phủ họ Si kén rể, đều thi nhau thể hiện tài năng. Chỉ có một vị công tử họ Vương nằm ngửa phơi bụng trên giường phía Đông, như thể không có chuyện gì xảy ra.”

Si Thái úy nghe vậy bèn cười lớn: “Đây mới là con rể quý mà ta muốn tìm!” Si Thái úy âm thầm đi nghe ngóng về vị công tử họ Vương này, quả nhiên anh ta tính tình cương trực, tài mạo song toàn, nên Thái úy rất yên tâm hứa hôn cho ái nữ của mình.

“Chàng rể vui vẻ ở giường phía Đông” (Đông sàng khoái tế) này chính là Vương Hi Chi danh tiếng lẫy lừng sau này. Vương Hi Chi và phu nhân Si Tuyền tâm đầu ý hợp, hai người đều yêu thích thư pháp. Ông được người đời sau gọi là “Thư Thánh”, là danh nhân thư pháp nổi tiếng Trung Hoa, còn phu nhân Si Tuyền cũng có biệt danh là “Nữ trung bút tiên”, đúng là duyên cầm sắt với “Thư Thánh”. Bảy người con trai và một người con gái của Vương Hi Chi cũng đều do phu nhân Si Tuyền sinh ra.

Trong cuốn Tân Cựu Đường Thư cũng ghi lại một câu chuyện kén rể trọng đức như vậy.

Vào năm Cảnh Vân thời vua Đường Duệ Tông, Vi Sân làm quan Thứ sử tại Nhuận Châu. Ông có một ái nữ tài mạo song toàn, muốn tìm cho con gái mình một chàng rể vừa ý, nhưng mãi vẫn không gặp được người như vậy.

Một hôm Vi Sân lên lầu đưa mắt nhìn ra xa, đột nhiên phát hiện một người đang chôn thứ gì đó phía sau hoa viên nhà mình. Ông bèn vội vàng hỏi các quan viên khác, thì được biết đó là Bùi Khoan, quan tham mưu việc quân, tư duy sắc bén, nhanh nhạy, đa tài đa nghệ.

Vi Sân cho người gọi Bùi Khoan tới, yêu cầu anh ta giải thích việc mình đã làm.

Bùi Khoan không hề sợ hãi đáp rằng: “Tôi xưa nay không hề tiếp nhận những lễ vật không minh bạch, làm ô uế thanh danh của mình. Vừa rồi có người mang tới cho tôi 2 miếng thịt hươu, để đó rồi đi mất, tôi đuổi không kịp. Chẳng có cách nào khác, tôi không thể tự lừa gạt bản thân, đành phải chôn thịt hươu đi.”

Vi Sân cảm thấy vô cùng kinh ngạc bởi đức hạnh giữ mình trong sạch của Bùi Khoan, hết lời khen ngợi, cảm khái mãi không thôi. Vài ngày sau, Vi Sân đề bạt Bùi Khoan làm quan Án sát, lại hứa gả con gái cho ông.

Vi Sân hồ hởi kể với phu nhân chuyện Bùi Khoan, rồi nói: “Quả đúng là đi mòn giày sắt tìm không thấy, đắc được lại chẳng hề tốn hơi sức nào.” Phu nhân ông nghe xong, cũng cảm thấy yên lòng vì ái nữ đã tìm được một người đạo đức cao thượng.

Ngày làm lễ đính ước, Vi Sân mời họ hàng thân thích tới giới thiệu. Mọi người ai nấy đều cho rằng chàng rể quý mà Vi Sân cất công tìm kiếm chắc chắn phải có tướng mạo ngời ngời, khí phách bất phàm. Nhưng khi nhìn thấy Bùi Khoan, ai nấy đều ngẩn người. Hóa ra Bùi Khoan vừa cao vừa gầy, tướng mạo không mấy khả ái, bấy giờ đang mặc một chiếc áo màu xanh lá cây. Bởi thế, có người giễu cợt đặt cho Bùi Khoan biệt danh là “Bích khổng tước”, nghĩa là trông Bùi Khoan như con chim công đực, chỉ có bộ lông sặc sỡ, tức chiếc áo xanh là đáng xem mà thôi.

Vi Sân nghe thấy lời chế giễu đó thì không động tâm, cũng không xấu hổ. Sau này ông lại cử hành hôn sự cho hai con.

Bùi Khoan không phụ sự kỳ vọng của Vi Sân, một đời làm quan, thanh liêm trọn kiếp. Sử sách ghi lại về ông như sau: “Cai quản bằng sự liêm chính cần kiệm, những người kề cận đều yêu mến ông.”

Các bậc hiền nhân khi kén rể, gửi gắm ái nữ ngàn vàng, đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ của chàng rể tương lai hơn là tướng mạo bên ngoài. Những người đàn ông như vậy cũng vì có đức hạnh nên tự nhiên tìm được người phối ngẫu tâm đầu ý hợp.

Lấy vợ lấy đức chẳng lấy sắc

Xưa nay cổ nhân rất coi trọng vai trò của người phụ nữ trong gia đình. Có câu nói: “Trong nhà có người vợ hiền, giống như quốc gia có vị tể tướng tài đức”.

Từ thời xa xưa đến nay có câu nói: “Đằng sau sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ”. Quả thực, có rất nhiều người chồng đạt được những thành công nhất định trong cuộc đời đều là có sự trợ giúp của người vợ hiền. Cổ nhân cũng cho rằng, chỉ có người phụ nữ thực sự có giáo dưỡng, có trí tuệ mới có thể phụ giúp chồng làm thành việc lớn và dạy dỗ con cái thành người hiền tài.

Cổ ngữ có câu: “Lấy vợ coi trọng hiền đức”. Bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng người vợ có đạo đức, biết hành thiện, kính trời, hiểu mệnh, không chấp trước vào danh lợi mà nghiêm túc tuân thủ lễ pháp kết hôn, coi trọng đạo vợ chồng. Họ cho rằng, chỉ người phụ nữ có phẩm hạnh đạo đức, hiền thục, trí tuệ mới có thể tề gia, dạy bảo con trở thành người tốt.

Thời xưa, các bậc quân vương, hiền thần khi lựa chọn vợ đều đề cao phẩm hạnh đạo đức, tu dưỡng trí tuệ hơn là nhan sắc bề ngoài rất nhiều. Có một câu chuyện về một vị quốc vương trẻ tuổi vì để có thể tìm được một người vợ hiền nên đã tổ chức một cuộc thi tuyển.

Đến ngày thi, có rất nhiều các thiên kim tiểu thư vô cùng xinh đẹp là con của bậc đại thần, và người giàu có đến tham dự. Ngoài ra còn có một cô gái, là con một gia đình nông dân cũng đến dự thi.

Vị quốc vương đưa ra câu hỏi đầu tiên là: “Khoảng cách giữa nơi mà mặt trời mọc và nơi mà mặt trời lặn là bao xa?”.

Với câu hỏi khó này đã khiến các thiên kim tiểu thư bối rối vô cùng. Và không ai trong số họ tìm ra được khoảng cách ấy.

Khi mọi người còn ngơ ngác thắc mắc về câu trả lời thì cô gái nông thôn trả lời rằng: “Thưa quốc vương! Khoảng cách ấy đúng bằng một ngày!”.

Quốc vương nghe xong vui mừng nói: “Trả lời thật hay! Trả lời hay lắm!”.

Tiếp đó quốc vương ra câu hỏi thứ hai: “Khoảng cách giữa trời và đất là bao xa?”.

Tiểu thư của một vị đại thần liền trả lời ngay rằng: “Thưa quốc vương! Thần thiếp nghe nói có câu rằng: “Cửu vạn lý trường thiên”. Nên thần thiếp nghĩ, khoảng cách giữa trời và đất là 9 vạn dặm!”.

Tiểu thư một gia đình giàu có cũng trả lời: “Thưa quốc vương! Đường tăng từng đi qua mười vạn tám ngàn dặm để lấy kinh, nên thần thiếp nghĩ đây chính là khoảng cách giữa trời và đất!”.

Cô gái nông thôn lại bình tĩnh trả lời: “Thưa quốc vương! Dân nữ nghĩ rằng khoảng cách giữa trời và đất đúng bằng khoảng cách giữa mở mắt và nhắm mắt!”.

Những thiên kim tiểu thư kia nghe thấy câu trả lời thì trong lòng cảm thấy vô cùng lo lắng và hồi hộp chờ đáp án từ quốc vương.

Nhưng lại một lần nữa quốc vương ghi nhận đáp án của cô gái nông thôn, lúc này cơ hội với các thiên kim tiểu thư ngày càng ít dần.

Sau đó quốc vương đưa ra câu hỏi cuối cùng : “Khoảng cách giữa lời nói thật và lời nói dối là bao xa?”.

Nghe xong câu hỏi này thì các tiểu thư kia ai nấy đều thất thần, hỏi lại nhau rằng: “Giữa nói thật và nói dối còn có đơn vị khoảng cách sao?”.

Trong lúc các cô nương còn bối rối thì cô gái nông thôn kia lại không một chút do dự mà nói rằng: “Thưa quốc vương! Khoảng cách ấy đúng bằng khoảng cách giữa hai lỗ tai! Khi dùng một tai nghe lời nói từ một bên thì thường thường sẽ nghe được lời nói không thật. Dùng hai tai lắng nghe ý kiến bất đồng mới có thể nghe được lời nói thật!”.

Vị quốc vương nghe xong thì vô cùng mừng rỡ, liên tục khen ngợi, định tuyên bố chọn cô gái nông thôn làm Hoàng hậu. Nhưng Thái hậu lại khinh thường thân phận cô gái nông thôn ấy và làm khó cô bằng ba việc.

Bà yêu cầu cô gái tìm một đóa hoa đẹp nhất trong thiên hạ, một con chim quý nhất trong thiên hạ và một quả trứng gà có xương đến cho bà. Nếu không thì hôn ước sẽ bị hủy bỏ. Không ngờ, cô gái nông thôn không hề lo lắng mà lập tức đồng ý.

Ba ngày sau, cô gái mang theo một đóa bông, một con chim én và một quả trứng gà đang ấp dở đến cung điện. Quốc vương, Thái hậu, các đại thần trong triều đình và các tiểu thư dự thi đều đến xem kết quả.

Cô gái nông thôn lễ phép thưa: “Thưa Thái hậu! Người ta nói rằng, hoa mẫu đơn là vua của các loài hoa. Hoa mẫu đơn tuy đẹp nhưng lại không bằng đóa bông. Bông có thể dệt thành vải, nhuộm thành muôn màu muôn sắc và hình dạng khác nhau, cho nên đóa bông là đẹp nhất.

Người ta nói, phượng hoàng là vua của các loài chim, mặc dù phượng hoàng quý nhưng lại không bằng chim én. Chim én có thể bắt sâu gây hại cây, bảo vệ cây trồng để cung cấp lương thực cho muôn dân, cho nên, chim én là quý nhất. Gà con trong trứng đã có xương, cho nên khi nó còn ở trong quả trứng mà chưa nở ra thì đó chính là quả trứng có xương”.

Sau khi cô gái giải thích quốc vương liền tuyên bố: “Vị cô nương này chính là hoàng hậu mà ta mong ước nhất!”.

Ngay sau đó cô gái thông minh, trí tuệ ấy đã trở vượt qua rất nhiều thiên kim tiểu thư xinh đẹp trở thành Hoàng hậu của quốc vương.

Trong Đạo gia từng có câu: “Dung nhan đoan trang, mộc mạc mới thể hiện ra giá trị của khí chất. Phục sức nếu quá xa hoa thì sẽ lộ ra sự dung tục”. Có ý là đề cao chuẩn mực đạo đức của người phụ nữ, khích lệ sự cần kiệm, chăm lo việc nhà, chú trọng tu dưỡng nội tâm, làm phong phú trí tuệ của bản thân, không nên tiêu phí quá nhiều thời gian, tiền bạc vào trang sức, quần áo và trang điểm cho vẻ bề ngoài. Người phụ nữ như vậy mới có thể trở thành người phụ nữ thực sự hiền đức.

Người xưa cũng nhìn nhận một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn trọng yếu đó là “Tương phu, giáo tử” tức là “giúp chồng, dạy con”. Thời đại ngày nay đã khác xưa, quan niệm, nhận thức cũng có chỗ khác biệt. Nhưng những câu chuyện cổ xưa về đức hạnh, trách nhiệm của người phụ nữ vẫn khiến người hiện đại chúng ta phải suy ngẫm sâu xa.

Lan Hòa biên tập