Ảnh: Internet

Văn Hóa

Văn hóa Thần truyền: Người quân tử thành tựu cái đẹp cho người

By Đăng Dũng

April 10, 2021

 Khổng Tử nói: “Người quân tử thành tựu cái đẹp cho người, không tác thành cái xấu cho người, kẻ tiểu nhân thì ngược lại.” Ý nghĩa là, người quân tử có đạo đức cao thượng, luôn nghĩ điều tốt cho người, thành tựu việc tốt cho người, không tác thành việc xấu cho người, còn kẻ tiểu nhân thì ngược lại. Thành tựu cái đẹp cho người là một loại tu dưỡng, cũng là một loại phẩm đức cao thượng, nó cần có tấm lòng rộng mở và tâm thái làm việc thiện vì người khác.

Người quân tử bên trong tu thân, bên ngoài khiến người thông tỏ lý sự, dốc hết khả năng tạo thuận lợi cho người, giúp người. Giống như tư tưởng Nho gia: “Người ta bị ngập nước thì mình cũng bị ngập nước, người ta đói thì mình cũng đói”; “Điều mình không muốn thì chớ làm cho người”. Tư tưởng Đạo gia trừng phạt cái ác, tuyên dương cái thiện. Phật gia dạy con người hướng thiện, từ bi phổ độ. Tất cả đều bao hàm cảnh giới tư tưởng thành tựu cái tốt đẹp cho người. 

Các bậc Thánh vương minh quân trị thế, khiến quốc thái dân an. Các bậc hiền tướng lương thần tinh trung báo quốc, tiến cử hiền tài, không mưu lợi riêng. Họ đều là những người thực hành và truyền bá đạo đức tế thế và tư tưởng của Nho, Phật, Đạo, kết thiện duyên rộng khắp với người, khiến người ta thăng hoa đạo đức. Nói những lời khuyến thiện khích lệ người, khiến người ta chọn theo thiện, đều là thể hiện của việc thành tựu cái đẹp cho người khác. Từ xưa đến nay đã có rất nhiều những giai thoại lưu truyền đến ngày nay.

Người quân tử thì không việc gì vĩ đại hơn là làm điều thiện cho người. Như Mạnh Tử ca ngợi vua Thuấn rằng: “Thuấn vĩ đại thay, giỏi hòa đồng với người, bỏ ý kiến mình mà theo người, vui làm việc tốt cho người. Tự mình cày cấy, làm gốm, đánh cá, cho đến làm vua, không việc gì là không làm cho người khác. Vì điều tốt đẹp của mọi người, đó là người làm điều thiện cho người, do đó người quân tử không việc gì vĩ đại hơn là làm điều thiện cho người.” Lại như Đường Thái Tông Lý Thế Dân đã khai sáng ra thời “Trinh Quán chi trị”, đã viết lên một trang huy hoàng trong lịch sử.

 Ông tổng kết rằng, nguyên nhân thành công chủ yếu của ông chính là ở dùng người: Thứ nhất, không đố kỵ người có tài năng, thấy tài năng của người khác thì giống như tài năng của mình. Thứ hai, dùng sở trường của người, tránh sở đoản của họ. Thứ ba, kính trọng hiền lương, tha thứ người phạm lỗi lầm. Thứ tư, khen thưởng người chính trực, chưa bao giờ trách phạt, đuổi đi một người nào. Những điều này đều thể hiện ra tấm lòng nhân ái và bao dung của bậc Thánh vương minh quân.

Tiến cử người hiền năng, khiêm tốn vô tư, như Bào Thúc Nha tiến cử Quản Trọng. Khi Tề Hoàn Công chuẩn bị bái Bào Thúc Nha làm tướng quốc thì Bào Thúc Nha lại tạ từ và tiến cử Quản Trọng rằng: “Quản Trọng là nhân tài rường cột quốc gia, thần có nhiều mặt không bằng ông ấy: Dùng khoan hậu, nhân từ, ân huệ để vỗ về người dân thì thần không bằng ông ấy. Trị sửa quốc gia không quên căn bản thì thần không bằng ông ấy. Là người trung thực, thành tín, được bách tính tín nhiệm thì thần không bằng ông ấy. Chế định lễ nghi đủ để khiến thiên hạ học theo, thần không bằng ông ấy.” Thế là Tề Hoàn Công bái Quản Trọng làm tướng quốc. 

Bào Thúc Nha tiến cử hiền tài xuất phát từ sự hiểu biết và kính phục của ông về Quản Trọng, và lòng trung thành với nước Tề. Nước Tề có một hiền thần như Quản Trọng thế này, có lương thần tiến cử hiền tài như Bào Thúc Nha thế này, quả nhiên quốc gia thịnh trị. Sau này mọi người ca ngợi Bào Thúc Nha: “Biết người hiền tài, đó chính là trí tuệ, tiến cử người hiền lương, đó chính là nghĩa cử.”

Giúp người, giúp việc, hướng dẫn người theo cái thiện. Phú Bật đời Tống là quan thanh liêm chính trực, khoan hậu đối đãi với người, làm quan đến chức tể tướng. Thời Nhân Tông, giữa Tống và Liêu nhiều năm chinh phạt, Phú Bật bước ra đi sứ nước Liêu đàm phán, nghĩa chính từ nghiêm, nhân đức mà có uy, khiến nước Liêu dừng việc động binh, khiến người dân Nam Tống trong mấy chục năm trời không thấy chiến sự, thiên hạ đều khen là người thiện.

Khi ông nhậm chức ở Thanh Châu, vừa đúng lúc gặp sáu, bảy mươi vạn nạn dân chạy nạn lũ lụt Hoàng Hà về phía đông đi qua, Phú Bật vời tất cả lại, lo hơn mười vạn phòng cả của công lẫn của tư nhân, dốc sức động viên quan lại và bách tính địa phương đem thóc gạo ra cứu tế người dân bị thiên tai, cộng thêm lương thực dữ trữ của kho quan, nên đã cứu sống được sáu, bảy mươi vạn nạn dân này. 

Thời Anh tông, Phú Bật đảm nhiệm chức tể tướng, Anh Tông đem những vật của phụ hoàng Nhân Tông để lại ban thưởng cho các trọng thần trong triều đình. Sau lại giữ một mình Phú Bật lại, là ngoại lệ, ban thưởng đặc biệt một số vật cho ông. Phú Bật từ chối không nhận, Anh Tông nói: “Những thứ này cũng chẳng đáng giá bao nhiêu, khanh không cần phải từ chối.” Phú Bật khẩn thiết nói: “Vật tuy nhỏ bé, nhưng mấu chốt là ban thưởng ngoại lệ. Đại thần nhận ban thưởng ngoại lệ mà không tạ tuyệt, vạn nhất sau này hoàng thượng làm sự việc ngoại lệ gì đó, thế thì dựa vào cái gì để can gián đây?”

Tống Anh Tông nghe xong cảm nhận sâu sắc sự giáo dục trong đó. Phú Bật cả đời tín phụng Phật Pháp, không chỉ bản thân hàng ngày tụng kinh lễ Phật, tư trì tâm tính, ông còn truyền dạy dân chúng cần phải kính Trời tín Thần, tin nhân quả. Mọi người xung quanh đều nhận được sự giáo hóa của ông, rất nhiều người đều kính Phật hành thiện.

Người thành tựu điều tốt đẹp cho người chính là xuất phát từ sự tôn trọng và yêu thương con người, đối với khuyết điểm của người khác thì dùng thiện ý chỉ ra, trước nguy nan của người khác thì dốc sức tương trợ, lúc thành công thì không kiêu ngạo kể công, mà càng nghĩ nhiều đến sự giúp đỡ và ân huệ mà người khác đã dành cho mình. Có câu cổ ngữ rằng: “Con người quen biết nhau, quý là biết thiên tính nhau, từ đó giúp nhau”. Thiên tính ở đây chính là đức tính tốt đẹp mà Thượng Thiên ban cho con người, vì vậy mọi người vui thích làm việc thiện, vui thích nghĩ cho người, tác thành việc tốt cho người như người ta mong đợi.

Nguồn Minghue

Đường Vân