Nguồn: Nguyện Ước

Văn Hóa Thần Truyền

Văn hóa Thần truyền: Vì sao cổ nhân thường nói hôn nhân là do Trời định?

By Lan Hòa

June 21, 2021

Trong văn hóa truyền thống: “Hôn nhân là do Trời định”, vợ chồng đến với nhau là duyên phận đã được an bài từ trước, vợ chồng với nhau cần “tương kính như tân”, tôn trọng và yêu thương lẫn nhau. “Tôn trọng” trước, “yêu thương” sau. Bởi tôn trọng là được xem tuân theo mệnh lệnh của Trời, như thế hôn nhân giữa hai người mới có thể lâu dài, mới có thể sống cùng nhau đến đầu bạc răng long.

Hôn nhân là do Trời định

Trong Hồi Mâu, nhà thơ hiện đại Tịch Mộ Dung viết: “500 lần ngoái đầu nhìn lại kiếp trước mới đổi lấy được một lần gặp thoáng qua ở kiếp này“.

Trong biển người mênh mông, bao nhiêu người hiện diện, nhìn thấy nhau, đi qua nhau. Hỏi có mấy người có thể gặp nhau, mến nhau, hiểu nhau, yêu nhau và cuối cùng có duyên kết nghĩa phu thê trọn đời?

Có câu: “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, vô duyên đối diện bất tương phùng”, ý tứ rằng, có duyên ngàn dặm xa vẫn gặp được, không duyên đối mặt vẫn cách lòng. “Duyên” chính là cách gọi tắt của từ nhân duyên, duyên phận. Mọi việc diễn ra đều do sự tồn tại của nhân duyên.

Hôn nhân có hạnh phúc hay không là do sự vun đắp của cả hai vợ chồng

Một cuộc hôn nhân có được hạnh phúc hay không, đều quyết định ở việc những người trong cuộc có trân trọng nó hay không, có thể cùng nhau vun đắp cho tổ ấm của mình hay không?

Hôn nhân là vì kiếp trước có duyên, trong mệnh có định sẵn, được Trời ban tặng, kết hợp với nghiệp duyên mà có thể đến được với nhau. Để cuộc hôn nhân được tốt đẹp, cần phải dựa vào sự vun đắp, xây dựng của chính bản thân hai người.

Vợ chồng cần thuận theo quy luật tự nhiên, tương sinh tương khắc, tương phụ tương thành, mới có thể hạnh phúc mỹ mãn, trăm năm hòa hợp. Vợ làm đúng vai trò của người vợ, chồng làm tròn trách nhiệm của người chồng. Cả hai cần biết và tôn trọng vị trí của nhau trong gia đình cũng như trong các mối quan hệ. Làm như vậy cuộc sống sẽ bình yên, hạnh phúc.

Tại sao từ xa xưa có cách nói “Nhân duyên là do trời định”

Đứng tại góc độ chữ Hán mà phân tích, “姻緣” âm Hán Việt nghĩa là Nhân duyên bao gồm hai chữ “姻” Nhân và “緣”Duyên hợp thành. Chữ “姻” Nhân bên trái là chữ 女 Nữ, bên phải là chữ 因 Nhân. Chữ 因 Nhân bên ngoài là chữ 口 Khẩu, bên trong là chữ 大 Đại. Đại chính là hình tượng người giang hai cánh tay. Nghĩa đen của chữ 因 Nhân chính là phạm vi hoạt động của một người. Như vậy mọi thứ là do tâm của họ quyết định, tâm bao la bao nhiêu, thế giới rộng lớn bấy nhiêu. Điều này có liên quan tới nhân tâm xuất khởi động niệm suy nghĩ.

Chữ 因 Nhân thêm chữ 女 Nữ chính là chữ “姻” Nhân. Chữ “緣”Duyên bao gồm chữ 絲 Ti nghĩa là Tơ tằm, bên phải là chữ 彖 âm Hán Việt là Thoán, Thoán chính là con tằm. Con tằm tự nhả tơ quấn quanh mình. Vì vậy “緣”Duyên này từ đâu mà có? Chính là bản thân mình tạo ra. Chữ “彖” Thoán trong Chu Dịch là “Thoán từ” (Nghĩa là lời quẻ, lời thoán) có nghĩa là lời tiên tri, cũng chính là Thiên ý, có liên quan chặt chẽ với vận mệnh. Qua đây không khó để hiểu rốt cuộc Nhân duyên là do điều gì quyết định.

3 loại nhân duyên vợ chồng

Tục ngữ có câu: “Phu thê là do duyên”, bao gồm có thiện duyên có ác duyên. Vô duyên sẽ không đến được với nhau.

Trong Tăng Quảng Hiền văn đời Minh lại viết: Nhất nhật phu thê, bách thế nhân duyên. Bách thế tu lai đồng thuyền độ, thiên thế tu lai cộng chẩm miên, ý nghĩa tức là Một ngày vợ chồng, nhân duyên muôn đời. Tu trăm năm mới đi chung thuyền, tu nghìn năm mới chung chăn gối.

Duyên đến từ việc người này có ân với người kia

Con người trong những lần gặp nhau; nếu người này có ân với người kia, khiến họ cảm động khôn nguôi và nguyện ý báo ân trả nợ, thì vào kiếp sau một người sẽ là nam còn người kia là nữ. Bởi nguyện ước thiện lành trong quá khứ mà kết thành vợ chồng.

Ví dụ, khi bạn rơi xuống nước, lúc đó không ai nguyện ý cứu bạn, nhưng lại có một người dũng cảm quên mình vì bạn, mặc kệ có cứu sống hay không, bạn vẫn ghi lòng tạc dạ ân nghĩa này.

Vì đền ơn cứu mạng, bạn vào kiếp sau sẵn lòng làm thân trâu ngựa báo đáp. Loại tình huống này chính là duyên vợ chồng vì báo ân mà kết thành.

Duyên mà người này thiếu nợ người kia

Nếu như duyên vợ chồng kết thành từ việc người này thiếu nợ người kia, thì chúng ta có hai loại nợ nần được tính đến. Một là khoản nợ tiền tài; hai là khoản nợ tình cảm; cũng có những khoản nợ khác, nhưng hai loại trên vẫn là chính yếu.

Ví như nếu kiếp trước bạn là đàn ông, bị một người con gái phụ bạc, lừa gạt tình cảm, cảm thấy không cam lòng. Như vậy kiếp sau bạn sẽ còn gặp lại cô ấy. Khi cô gái này gặp được bạn, cô sẽ nắm chặt bạn, không bao giờ để bạn chạy trốn nữa. Đây chính là vợ chồng vì khoản nợ tình cảm mà kết thành.

Nhân duyên thiếu nợ lẫn nhau

Loại duyên thiếu nợ lẫn nhau này, tức là nợ qua nợ lại nhưng là nợ tiền tài và tình cảm là phần nhiều. Nói cách khác, nếu đôi bên khi tìm hiểu, đã nợ nhau các khoản tiền tài và tình cảm như trên; họ kiếp này gặp lại kết thành vợ chồng, vừa vặn dễ dàng giúp nhau trả nợ.

Lúc này cũng có thể nói, vợ chồng kết thành chính là vì cân bằng nhân quả. Chính vì có nhân quả nên “quan hệ” giữa con người với nhau liên tục được cân bằng, không tồn tại bất công.

Nền tảng của hôn nhân là trách nhiệm và đạo đức chứ không phải tình cảm

Từ xa xưa, nền tảng của hôn nhân là trách nhiệm và đạo đức, có thể chống lại những cám dỗ bên ngoài và ổn định hòa khí gia đình. Trách nhiệm của một người vợ là cùng chồng dạy con, dùng sự hiền thục, thiện lương và đức hạnh của mình để giữ gìn gia đình. Người chồng là trụ cột của gia đình, cần dùng sự chính trực,sự bền bỉ của mình làm bầu trời che chở và bảo vệ cho cả gia đình. Vì vậy, các cuộc hôn nhân thời cổ đại, hầu hết là qua mai mối, hai người không gặp mặt. Tuy nhiên sau khi kết hôn, hầu hết họ đều tôn trọng và yêu thương nhau, cùng nhau chung sống tới cuối đời.

Từ thời cổ đại, phản bội trong hôn nhân bị coi là làm ngược ý trời, đại nghịch bất đạo

Không chỉ vậy, người xưa còn rất coi trọng cuộc hôn nhân đầu tiên. Vợ chồng thủy chung, không phản bội nhau, cũng là Thuận Thiên mà hành. Hôn nhân giữa vợ và chồng là do nhân duyên tiền kiếp tạo ra, cũng là mệnh lệnh do Thiên thượng an bài. Con người phải trân trọng nhân duyên từ tiền kiếp; càng cần tôn trọng và tuân theo Thiên ý, không được phản bội, cãi lại. Nếu vợ chồng phản bội, lừa dối nhau sẽ bị coi là đại nghịch, “đại nghịch bất đạo”. Lý do là:

Thứ nhất: Làm trái nhân duyên đã tích lũy từ kiếp trước của chính mình, đây là phản bội số mệnh;

Thứ hai: Chống lại ý chỉ của Thiên Thượng, chính là là phản bội Thần đạo;

Thứ ba: Làm trái lương tâm của mình, chính là đi ngược lại với đạo lý làm người;

Thứ tư: Phá hoại quy luật âm dương, chính là làm trái với tự nhiên;

Thứ năm: Phản bội tình cảm nam nữ, chính là phản bội niềm tin;

Thứ sáu: Phá hoại sự thống nhất hài hòa cương nhu của âm dương; chính là đi ngược lại quy luật của Thiên địa;

Thứ bảy: Đi ngược với sự vận hành của mặt trời, mặt trăng. Vợ chồng phản bội nhau cũng giống như sự phản bội của mặt trời và mặt trăng. Đây chính là làm trái Thiên đạo;

Phản bội trong hôn nhân sẽ dẫn tới vận mệnh sa sút

Từ đó trở đi, bạn sẽ trở thành người Thiên địa bất khoan dung; nhật nguyệt không soi sáng, âm dương không điều hòa, thì vận mệnh tự nhiên sa sút, tính tình thay đổi. Tuy nhiên, con người thời hiện đại lại coi việc lấy chồng thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm và thậm chí là nhiều lần là chuyện bình thường; chưa kể những người đi tìm tình nhân bên ngoài. Đó đều là không bình thường, là phản Thiên, địa, nhân. Chúng đều là những suy nghĩ và hành vi biến dị.

Quay về truyền thống, coi trọng hôn nhân vợ chồng mới là cái gốc để tạo nên xã hội tốt đẹp

Chỉ có tìm về đạo đức, quay về truyền thống, tin tưởng vào Nhân duyên thiên định. Giữa vợ chồng biết coi trọng “Nhân nghĩa” quý nhau ở chữ “Tình”, mới có thể từ văn hóa truyền thống tìm về bản ngã vốn có của bản thân.

 

Nguồn: Nguyện Ước

Chân Nhiên biên tập