Đời Sống

Vạn lý tìm chồng

By Đăng Dũng

April 23, 2021

Trong dân gian có lưu truyền rằng, thời vua Tần Thủy Hoàng, có người con gái tên là Hứa Mạnh Khương, chồng của nàng tên là Phạm Thực, người ở miền Quan Trung nước Sở. Mạnh Khương vốn con nhà gia giáo, từ nhỏ đã hấp thụ đạo đức, thư hương theo tinh thần của nho gia.

Mạnh Khương kết hôn được ít lâu thì vua Tần mưu tính xấy một công trình kiến trúc vĩ đại. Sau khi thôn tính xong sáu nước: Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở vua Tần muốn bảo vệ bờ cõi và phòng ngừa cuộc xâm lăng của giặc Hung Nô ở miền Bắc, mới truyền xây Vạn Lý Trường Thành để làm biên giới từ Lũng Tây đến Liêu Đông, dài 3600 cây số. Cứ từng quãng lại có một cửa ải đồ sộ.

Vua Tần huy động đến hàng vạn nam giới từ 18 đến 45 tuổi đi sưu dịch. Chồng nàng Mạnh Khương phải tuân lệnh nhà vua. Cha chồng đã mất để lại mẹ chồng, Mạnh Khương phải thay thế chồng phụng dưỡng mẹ và dưỡng dục con thơ. Nhà thiếu người đàn ông gánh vác nên ngày càng suy sụp, nàng phải giã gạo, quay tơ để mưu sinh. Đối với mẹ chồng, nàng vẫn làm tròn nhiệm vụ của một người dâu thảo.

Phần vì nỗi tuổi già, phần vì thương nhớ con, bà mẹ phát bệnh nặng rồi qua đời. Mạnh Khương phải lo cư tang báo hiếu. Đằng đẵng mấy năm trường trông đợi chồng nhưng bặt vô âm tín. Nghe được tin đồn ở miền bắc, vì tuyết sương lạnh lẽo, vì công việc quá khó nhọc nên có nhiều người ốm chết, Mạnh Khương thương chồng nên nhất định đến tận ải quan, mong tìm chồng để an ủi, giúp đỡ, san xẻ gánh nặng. Nàng gửi con cho người thân rồi ra đi.

Nàng đi học theo đường vạn lý trường thành. Từ miền hồ Động Đình nước Sở lên phía bắc đến kinh đô Hàm Dương. Nàng lại nghe đồn: những người sưu dịch đã lên vùng tây bắc, nên lại đi từ miền sông Hán Thủy đến dãy núi Tần Lĩnh về hướng tây, đoạn theo dòng sông Tất Xuyên mà đi thẳng lên phía bắc. Trải qua bao cảnh nắng mưa, sương gió, giá tuyết, nhưng nàng vẫn không nản lòng. Trên đường đi hỏi han từng người, nhưng nàng vẫn thất vọng, vì chẳng ai biết được tin chồng của nàng.

Cuối cùng, Mạnh Khương đến một bãi sa mạc ở miền đông. Giữa lúc ấy, bỗng mây đen vần vũ phủ nhuộm u ám cả bầu trời. Gió bắc thổi giật giọng từng cơn vô cùng lạnh lẽo. Ngựa từ đâu lại cất tiếng hí vang những giọng thảm thê bi đát. Trước mặt nàng gió thổi lộ ra một đống xương trắng ngổn ngang, ghê rợn.

Đứng trước cảnh tượng, nàng hỏi: “Có lẽ chồng ta đã thác mất rồi mà thác ở đây chăng?” Và, nàng lại, nghĩ thêm: “Có lẽ phần anh linh của chồng báo điềm lạ cho nàng”. Nàng bèn khấn vái vong linh của chồng và cầu Hoàng Thiên phù hộ: nếu chồng nàng thác rồi thì xin cho một biểu hiện để biết. Đoạn, nàng cắn móng tay, nhỏ máu vào những đống xương.

Từ đống xương này cho đến đống xương khác, mãi đến khi nàng nhỏ một giọt máu vào chiếc đầu lâu nọ, thì chiếc đầu lâu lại thấm máu và đỏ rực lên. Nàng hiểu ngay đấy là dấu hiệu Trời cho biết đây là hài cốt của chồng. Nàng liền ôm chầm lấy ngay bộ xương, khóc lóc thê thảm suốt cả ba ngày đêm. Sau đó nàng ngã quỵ xuống tắt thở. Đồng thời một dãy tường mới xây cũng sụp đổ theo.

Thấy việc hiển linh lạ lùng, người ta lập gần nơi này một miếu đá gọi là “Khương Nữ Tử”. Đời sau, tại Cổ Bắc khẩu, tỉnh Hà Bắc và ở Lộ An, tỉnh Sơn Tây, người ta cũng có dựng miếu đặt cùng một tên ấy. Vì sùng mộ nhân đức của nàng, những bá tính xa gần thường đến chiêm bái.

Tới các triều đại sau này, đời nhà Tây Hán, nhà Đông Hán, nhà Ngụy, mộ nàng Mạnh Khương được triều đình lập cho nhiều bia đá. Sang đời nhà Minh, miếu của nàng được trùng tu thành khang trang hơn.

Tuy nhiên, khi tra lại lịch sử thì nhiều nho sỹ thời xưa phát hiện rằng đây là một dị bản lấy vào bối cảnh nhà Tần để phê phán chính sách cưỡng bức dân sưu dịch quá nặng nề của vua Tần. Còn câu chuyện có từ thời nước Tề, một người lính tên Kỷ Lương chết trận, con người vợ trên đường đi tìm chồng đã gặp vua Tề Trang Công. Đến thời nhà Đường người ta gọi người phụ nữ này là Mạnh Khương.

Như vậy, bất kể có bao nhiêu dị bản hay tình tiết khác nhau, nhưng có một tình tiết không thay đổi, đó là có một người phụ nữ đã đi vạn dặm để tìm chồng, nhưng chỉ tìm được hài cốt của chồng. Nếu đặt vào hoàn cảnh thời xưa, đường xá gập ghềnh, phải đi bộ, đường nhiều khi còn là rừng rậm có thú dữ, cũng không biết đích xác chồng nơi đâu, một người phụ nữ chân yếu tay mềm mà cất bước vạn dặm đi tìm chồng. Vậy thì không biết khó khăn cỡ nào?

Trên đường đi ngoài sự nguy hiểm của bên ngoài ra thì sự đói khát mệt mỏi, ốm đau cũng luôn rình rập đến bản thân. Vậy mà vẫn kiên quyết bước đi tìm chồng, phần đức hạnh này người đời sau cảm phục mà dựng miếu tỏ lòng ngưỡng mộ.

 

Biên tập Thông Lộ