Thuận duyên mà đến tùy duyên mà đi, lòng nhẹ thênh đón ngày mai tươi sáng. Kỳ thực, tùy duyên không phải là vậy, chữ “tùy” ở đây không phải là chỉ tùy tiện, mà nó có nguyên tắc nhất định là: thuận theo tự nhiên, không oán hận, không tức giận, không cưỡng cầu. Trong cuộc sống chúng ta thường hay sử dụng 2 chữ “tùy duyên”. Vậy tùy duyên có phải là lúc gặp khó khăn, không thể làm tốt một vài việc gì đó, thì nói thôi mặc kệ để tùy duyên?
Thế nào là duyên? Vạn sự đều có duyên, bất luận là nhân duyên, cơ duyên, thiện duyên, ác duyên, hay các duyên khác, khắp nơi đều có, bất cứ lúc nào cũng có thể xuất hiện, duyên tồn tại là một quá trình, có tụ cũng có tán.
“Tùy duyên” có cả hai phương diện tích cực và không tích cực. Tận tâm tận lực làm một việc, không so đo được mất, dù kết quả thế nào cũng vui vẻ chấp nhận. Dùng thái độ tùy duyên này để đối mặt với thế sự, chính là tích cực, không cưỡng cầu, cũng có thể nắm chắc được cơ duyên.
Còn ngược lại, nếu chúng ta không tận lực, mặc cho số phận, không muốn phát triển, dùng trốn tránh khó khăn thử thách, thì chính là thái độ phụ diện, không phải là tùy duyên mà là lười biếng và tiêu cực.
Tùy duyên không phải tùy tiện, tùy duyên là có nguyên tắc, có lập trường, cũng không phải là buông bỏ. Nếu thuận theo nhân duyên mà không vi phạm chân lý, phải xác nhận hiện thực, hiểu rõ ràng, có cái nhìn thong dong lạc quan đối với tụ tán ly hợp của cuộc sống, đối diện với thành bại được mất của thế sự, mới là tùy duyên đích thực.
Dù đối mặt với bất kể hoàn cảnh nào thì đều có thể bình tĩnh xử lý, không chấp trước vào được mất ly biệt. Tùy duyên không phải là thông cáo với thế nhân vạn vật rằng chớ có theo đuổi, cũng không phải là tùy tiện hành sự, cẩu thả dây dưa, mà là thuận theo nhân duyên hoàn cảnh trước mắt để đối đãi, nắm bắt những cơ hội đến với mình.
Trong cuộc sống có những lúc chúng ta cứ lanh quanh suy nghĩ về những việc đã xảy ra rồi, ngủ quên trên chiến thắng hay chết chìm trong đau khổ. Nhưng lại không biết rằng niềm vui nỗi buồn cũng chính là duyên. Dù nó là thiện duyên hay ác duyên thì cứ để nó nhẹ nhàng trôi qua. Đó chính là vạn sự tùy duyên.
Minh bạch được đạo lý này, thì khi sự thành, cũng chỉ là mỉm cười mừng vui, không quá kích động hưng phấn, không trở nên ngạo mạn; sự bất thành thì thản nhiên tiếp nhận, không hối tiếc buồn rầu, chán nản.
Có câu chuyện rằng: Tại ngôi chùa nọ có vị tiểu hòa thượng vì thấy trong sân chùa quá đơn điệu. Anh ta muốn gieo hạt giống hoa trong vườn. Không ngờ khi đang reo hạt thì gặp gió to. Gió thổi đi rất nhiều hạt làm tiểu hòa thượng vô cùng thất vọng. Sư phụ cậu nhìn thấy bộ dạng này. Sư phụ nói một cách không mấy lưu tâm: “Hầu hết những hạt bị thổi bay đều là hạt lép, có gieo xuống đất cũng không nảy được mầm. Hãy để tùy tự nhiên”.
Thấy tiểu hòa thượng lo lắng, sư phụ lại nói với anh ta một cách điềm nhiên: “Không cần lo lắng dâu, hạt bị trôi tới đâu sẽ nảy mầm ở đó. Tùy duyên thôi”.
Không lâu sau, quả nhiên có nhiều mầm cây xanh vươn khỏi mặt đất. Những hạt giống không bị nước cuốn trôi ở góc vườn cũng đã nhú lên khỏi mặt đất như lời sư phụ nói. Kỳ thực, những vấn đề tiểu hòa thượng gặp phải trong quá trình gieo hạt. Câu chuyện cũng giống như chúng ta khi ở trong hoàn cảnh khốn khó của cuộc đời.
Ta suy nghĩ tính toán bằng mọi cách, buồn bã vướng mắc về nó, không bằng hãy làm tốt công việc hiện tại của mình. Chúng ta thấy những chuyện xảy ra trước mắt là tốt nhưng nó lại không nhất định là tốt, cũng có những chuyện chúng ta thấy nó là chuyện xấu nhưng không nhất định thật sự xấu.
Mọi sự trên đời đến đến, đi đi là lẽ thường tình cổ nhân có câu: Trong phúc có họa, trong họa có phúc. Câu chuyện “Tái Ông mất ngựa” trong ‘Sách Hoài nam tử’ thể hiện rõ sự lạc quan sống, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng được không mừng, mất không tiếc.
Ở gần biên ải, có một ông lão nuôi ngựa, một hôm con ngựa quý của ông đi về phương Bắc nhưng không trở về. Hàng xóm xung quanh đến hỏi thăm định chia buồn cùng lão, nhưng ông rất bình tĩnh vẻ mặt không một chút buồn nói: “Mất ngựa biết đâu lại là điềm may”.
Mấy ngày sau con ngựa đột nhiên quay về, hơn nữa còn dẫn theo mấy con tuấn mã nữa, ai nấy đều kinh ngạc. Mọi người đến nhà chúc mừng ông lão: Đúng là trong họa có phúc, chúc mừng ông, không những không mất ngựa mà còn lời thêm được mấy con.
Con ngựa của ông lão không những trở về mà còn dẫn thêm vài con tuấn mã theo Ai nấy đều tưởng rằng ông lão sẽ rất vui mừng, nhưng không ngờ ông chỉ đáp nhẹ một câu: “Được thêm ngựa biết đâu lại là hoạ”.
Hàng xóm thật tình không hiểu nhưng cũng không hỏi gì thêm mà quay về nhà. Con trai ông thấy ngựa đẹp nên muốn tập cưỡi, cuối cùng không cẩn thận mà bị té gãy chân. Mọi người nghe tin vội vàng đến động viên thăm nom. Cũng như mấy lần trước, ông lão không hề để tâm chỉ nói một câu hết sức bình thường: “Biết đâu như thế lại là phúc!”
Sau đó triều đình có lệnh trai tráng trong làng đều phải đi tòng quân đánh giặc, ai kháng chỉ thì bị xử tội. Con trai ông lão vì bị gãy chân mà được miễn, lúc này những người có con trai đi đánh trận mới thấy gia đình ông lão thật may mắn.
Tóm lại, bất kể mọi chuyện trên thế gian đều có phúc họa đang xen, vậy nên cứ thuận theo tự nhiên mà sống không nên chấp trước vào được mất. Lúc mưu sự, thuận theo nhân duyên, tận lực mà làm, nỗ lực hết khả năng, không cố chấp vào kết quả, thành bại là duyên, đôi khi niềm vui là có được trong quá trình chứ không phải từ kết quả.
Không để thành bại được mất làm ta quá phấn kích cũng như phải lo âu vì vậy hãy để mọi thứ tùy kỳ tự nhiên. Bởi lẽ, khi bạn học cách bình thản với mọi chuyện xảy ra, bình tâm tĩnh khí. Bạn sẽ phát hiện “hữu ám hoa minh hựu nhất thôn”.
Biên tập: Quang Minh