Trong hầu hết các triều đại cổ đại, chỉ có hoàng đế mới có thể sử dụng rồng đại diện cho chính mình, long bào là trang phục mà chỉ riêng mình Hoàng đế mới được mặc, ngoài Hoàng đế nếu ai mặc áo long bào thì có thể mắc tội phạm thượng, chu di cửu tộc.
Song, họa tiết trên quan phục mà Bao đại nhân mặc trên người lại có hình một con rồng oai phong, uy nghiêm, điều này rốt cuộc có “phạm thượng”?
Bao Chửng là vị quan ngay thẳng và thương dân nổi tiếng trong lịch sử. Ông thường giúp nhân dân trừng trị những tên quan tham nhũng, bắt nạt dân lành, được nhân dân kính trọng, ngay cả Hoàng đế cũng vô cùng ngưỡng mộ ông.
Người đời sau còn thờ phụng ông như một vị Thánh. Theo truyền thuyết dân gian, Bao Chửng chính là Tinh Quân chuyển thế, cứu giúp dân lành, đòi lại chính nghĩa. Vì hình tượng đại diện cho chính nghĩa nên người đời ca ngợi ông là “Bao Thanh Thiên”.
Trong các bộ phim truyền hình về Bao Chửng mà các bạn đã từng xem, cho dù khi xử án hay vào những ngày bình thường, Bao Chửng đều mặc “long bào”, uy phong đĩnh đạc.
Câu hỏi được đặt ra ở đây chính là, Bao Chửng không phải chân mệnh Thiên tử, cũng chẳng phải Vương công quý tộc, vậy tại sao ông lại được mặc long bào?
Vào thời cổ đại, long bào là trang phục mà chỉ riêng mình Hoàng đế mới được mặc. Bắt đầu từ thời Khổng Tử đã chủ trương coi trọng, đề cao lễ chế, từ thời vua Hán Vũ Đế đã định ra tội tiếm việt (tức là khi quân phạm thượng, làm việc vượt quá bổn phận và quyền hạn của bản thân), việc ăn mặc không phù hợp, không đúng lễ nghi đã có thể phạm trọng tội.
Trên thực tế, quan phục thời nhà Tống được chia thành long bào và mãng bào, hai loại phục sức này cũng rất dễ phân biệt.
Thứ nhất, phân biệt bằng móng: Có 4 móng là mãng bào, 5 móng là long bào.
Họa tiết rồng trên long bào của Hoàng đế mặc là thăng long tức là hình đầu rồng hướng lên trên, còn mãng bào mà Bao Chửng mặc là giáng long, tức đầu rồng hướng xuống dưới.
Tiếp đến có thể phân biệt vào màu sắc.
Màu sắc chủ đạo trên trang phục Hoàng đế mặc là màu vàng, còn các loại trang phục khác thì không được phép dùng màu vàng.
Chúng ta cũng có thể thấy, trang phục mà Bao Chửng mặc đa phần đều là màu đen, còn Hoàng đế mặc trang phục màu vàng. Nếu Bao Chửng mặc màu vàng giống với Hoàng đế thì chẳng phải thiên hạ đã loạn rồi hay sao. Thực ra ở một mức độ nào đó Bao chửng mặc mãng bào cũng là sự tin tưởng và coi trọng của Hoàng đế đối với ông.
Đôi khi Hoàng đế vui vẻ sẽ ban thưởng cho các vị công thần, thậm chí có khi còn dùng long bào của bản thân làm phần thưởng ban tặng, song những chuyện như vậy quả thực là vô cùng hiếm có.
Cho dù các vị quan viên được ban thưởng long bào cũng không dám mặc nó lên người, mà chỉ có thể đem cất giữ thật cẩn thận và chiêm ngưỡng trong nhà, nếu dám mặc long bào ra ngoài, sẽ bị định tội mưu phản.
Vì thế, kết luận lại lần nữa, trang phục Bao Chửng mặc trông giống long bào nhưng lại không phải long bào, mà là mãng bào. Cho dù có cho thêm mười lá gan nữa, có lẽ Bao Chửng cũng chẳng dám mặc long bào bước đi ngoài.
Thiên Hà biên tập
Nguồn: sunnews