Khi chúng ta muốn theo đuổi đam mê, thành công hay đơn giản chỉ là sống tốt sẽ gặp phải nhiều rủi ro, gian nan, và thử thách. Nhưng những vấp ngã đó không phải là thất bại, mà chính là bài học để bạn trưởng thành hơn trong cuộc sống.
Có nhiều lúc chúng ta tự hỏi như thế nào mới gọi là trưởng thành? Làm sao để nhanh chóng trưởng thành? Phải chăng cứ ở cái tuổi vượt ngưỡng 18 là ta đã trưởng thành? Không hẳn vậy.
Bởi lẽ đó chỉ là sự phát triển của thể xác. Còn người thầy nào tốt hơn để chỉ cho ta cách trưởng thành ngoài chính cuộc sống này. Chỉ có khi vấp ngã chúng ta mới tự biết cách đứng lên và rút kinh nghiệm cho chính mình.
Trong cuộc sống mỗi chúng ta có ai chưa từng thất bại. Những thất bại dù nhỏ hay lớn đều có một tác động rất lớn đến mỗi con người. Có người đã không thể tự đứng lên sau vấp ngã, nhưng cũng có người nhờ có vấp ngã mà thành công, trưởng thành hơn.
Có một câu chuyện như thế này: Hôm trước khi con chuẩn bị tốt nghiệp đại học, người bố dắt con trai đến trước một bức tường và nói với con: “Giờ cho con chạy đà 10 mét, con có dám nhảy qua không?”. Cậu con trai liếc nhìn vào bức tường và trả lời: “Không có vấn đề gì với một bức tường thấp như vậy”.
Kết quả là cậu con trai thực sự đã nhảy qua. Nhưng cậu không ngờ rằng bên kia bức tường lại có một cái mương sâu, nên sau khi nhảy qua, cậu đã ngã xuống mương, phải một lúc sau cậu mới chậm rãi đi ra.
Cậu con trai giận dữ nói: “Bố ơi, sao bố lại nói dối con?”. Người bố nhẹ nhàng nói: “Con ơi, bố không nói dối con mà chỉ muốn nói với con rằng sau khi bước vào xã hội, tuổi trẻ năng động, con sẽ không tránh khỏi những lần vấp ngã như vậy, và có vấp ngã đó con mới trưởng thành hơn”.
Người cha tiếp tục dắt cậu con trai đi dọc theo bức tường được một đoạn thì dừng lại và nói với con: “Bây giờ cho con chạy đà 10 mét, con có dám nhảy qua không?”. Cậu con trai nói: “Không, con bị thương rồi, chân vẫn còn đau, nếu nhảy con sẽ lại rơi xuống mương”.
Người cha cười nói: “Lần trước thiếu thận trọng, lần này thiếu dũng khí. Trong cuộc sống muốn thành công không thể tránh khỏi vấp ngã, và khi con không còn coi vấp ngã là thất bại nữa thì thành công mới thực sự đến với con”.
Đúng vậy. Vấp ngã là quy luật cuộc sống mà hầu như ai cũng hiểu, nhưng không phải ai cũng biết cách vượt qua. Có người không bao giờ trưởng thành được bởi lẽ họ luôn được sống trong sự che chở, bao bọc của gia đình, không bao giờ phải đối mặt với khó khăn, thử thách.
Chính vì vậy khi gặp thất bại họ sợ hãi, lùi bước, bi quan. Họ đâu biết rằng bản thân mình không có ý chí đã tự nhận lấy sự thất bại đáng xấu hổ nhất. Ý chí dù hời hợt đã là không tốt nhưng phó mặc số phận cho cuộc đời, không chịu nỗ lực còn đáng phê phán hơn.
Một số bạn trẻ ngày nay lao vào những cuộc chơi “đỏ đen”, sử dụng thuốc lắc, ma tuý,…để thể hiện mình là người lớn, có đẳng cấp. Liệu tương lai của bạn sẽ ra sao, sẽ đi đâu về đâu?. Đó hẳn là câu hỏi khiến nhiều người trăn trở khi chính những thanh niên ấy lại là một phần tương lai của đất nước.
Vấp ngã, thất bại sẽ là người giáo viên tốt nhất dạy ta những bài học cần thiết trong cuộc sống. Một khi bạn thực sự để tâm vào bài học sau mỗi lần vấp ngã này, bạn có thể học được rất nhiều điều quý giá từ chính trải nghiệm của mình.
Cuộc sống là do bạn lựa chọn. Thành công là do bạn đúc kết được từ những vấp ngã, thất bại,… Bạn sẽ đi qua những con đường, bước qua những bậc thang mà chả có giáo trình nào dạy, chỉ có tự ngã, bị xô ngã, hoặc suýt ngã, mới nhận ra, đằng sau chính nó là những bài học, những thành công đầu đời của bản thân.
Tục ngữ có câu: “Thất bại là mẹ thành công”. Một mũi tên muốn lao đến đích trước khi về phía trước thì nó phải kéo về phía sau lấy sức tiến lên. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, những lúc ta vấp ngã sai lầm thất bại là lúc chuẩn bị tinh thần động lực về phía trước.
Người tài giỏi cũng có lần vấp ngã nhưng quan trọng là họ biết đứng dậy từ sai lầm của mình, biết thận trọng hơn trong công việc để không phải vấp ngã nữa.
Nguồn: Dusheng
Huy Hiếu