Ảnh: theo NTD.com

Cuộc Sống 4 Phương

Tìm hiểu vì sao Venice là ‘Thành phố nổi’? và lãng mạng nhất nước ý

By Đăng Dũng

July 13, 2021

Venice, Ý, được biết đến với nhiều biệt danh như “Thành phố tình yêu”, “Thành phố kênh đào”,… Một trong số biệt danh đó là “Thành phố nổi”. Nguyên nhân là hầu hết các tòa nhà ở đây không được xây dựng trực tiếp trên các đảo mặc dù Venice có 118 hòn đảo nhỏ. Thay vào đó, chúng được xây dựng trên móng được tạo thành bởi các cọc gỗ đóng xuống bùn.

Nằm ở phía Đông Bắc của Italia, có thể hình dung Venice giống như một mạng nhện khổng lồ được tạo thành bởi 118 đảo và 175 kênh đào, các đảo nối với nhau bởi 444 cây cầu. Nằm ở điểm gặp nhau của các tuyến thương mại đường biển giữa một phần Tây Âu rộng lớn và vùng còn lại của thế giới, Venice trong quá khứ từng là một đế quốc hàng hải và một khu vực chuẩn bị cho các cuộc Thập tự chinh, cũng như là một trung tâm thương mại quan trọng của châu Âu thời kỳ Phục hưng.

Cái tên Venice (hay Venezia theo tiếng địa phương) bắt nguồn từ người Veneti cổ sống vào khoảng thế kỷ 10 TCN. Theo tiếng Latin, Venice có nghĩa là tình yêu. Vì vậy, nó được mệnh danh là thành phố tình yêu. Ngoài ra, Venice còn được biết đến với những “biệt danh” khác như thành phố nổi, thành phố của mặt nạ, thành phố của những cây cầu, thành phố kênh rạch…

Câu chuyện về Venice bắt đầu vào thế kỷ thứ 5 sau Công nguyên. Sau khi đế chế La Mã ở phương Tây sụp đổ, những người man rợ từ phía bắc đã đánh phá các lãnh thổ cũ của Rome. Để thoát khỏi những cuộc đột kích này, người dân Venice trên đất liền đã trốn thoát đến vùng đầm lầy gần đó và tìm nơi ẩn náu trên các đảo cát Torcello, Jesolo và Malamocco.

Những người định cư đầu tiên vẫn xây dựng nhà của họ trên các hòn đảo. Khi Venice trở nên đông đúc hơn, họ cần nhiều không gian hơn. Vì vậy, họ phải xây dựng ở nơi không có đất, trực tiếp trên mặt nước. Để xây dựng các tòa nhà của họ trên một nền móng vững chắc, đầu tiên người Venice đặt cọc gỗ xuống đất cát. Sau đó, các bục gỗ được xây dựng trên đỉnh của các cọc này. Cuối cùng, các tòa nhà đã được xây dựng trên các bục gỗ. Một cuốn sách thế kỷ 17 giải thích chi tiết về quy trình xây dựng ở Venice. Theo cuốn sách này, khi nhà thờ Santa Maria Della Salute được xây dựng, họ đã đóng 1.106.657 cọc gỗ, mỗi cọc dài 4 mét xuống dưới nước. Quá trình này mất hai năm và hai tháng để hoàn thành. Ngoài ra, gỗ phải được lấy từ các khu rừng ở Slovenia, Croatia và Montenegro, và được vận chuyển đến Venice bằng các tàu chở hàng.

Việc sử dụng gỗ làm cấu trúc hỗ trợ có vẻ như là một bất ngờ, vì gỗ tương đối kém bền hơn đá hoặc kim loại. Bí mật ở đây là vì gỗ ở trong bùn, gỗ không có tiếp xúc với oxy và các vi sinh vật thực hiện quá trình phân hủy không thể hoạt động. Thay vào đó, các khoáng chất từ dòng nước biển xung quanh làm cho gỗ cứng lại như đá. Khi tháp chuông ở quảng trường Saint Marks sụp đổ vào năm 1902, các cọc gỗ bên dưới hầu như vẫn còn nguyên vẹn sau một ngàn năm.

Cho đến hôm nay, đầm phá đã bảo vệ Venice khỏi vô số kẻ xâm lược nước ngoài đe dọa sự sống còn của nó. Ví dụ như cuộc xâm chiếm của Pepin, con trai của Charlemagne, thất bại vì đội quân của ông ta đã không thể tiếp cận được những hòn đảo. Venice đã từng trở thành một cường quốc hàng hải ở Địa Trung Hải. Vào năm 1204, Venice đã liên minh với Thập tự quân và đã thành công trong việc chiếm được thủ đô Byzantine, Constantinople. Tuy nhiên, Venice bắt đầu suy tàn vào thế kỷ 15, và cuối cùng bị Napoleon chiếm giữ vào năm 1797 khi ông ta xâm lược nước Ý.

Ngày nay, một số người nói Venice nên được gọi là thành phố ‘chìm’ chứ không phải là thành phố nổi. Venice bắt đầu chìm xuống ngay khi nó được xây dựng. Sức nặng của thành phố đã đẩy các cọc gỗ lún xuống đất và bùn sâu hơn. Hiện tượng này, cùng với sự di chuyển tự nhiên của thủy triều cao (được gọi là atta alta) gây ra lũ lụt định kỳ trong thành phố, tạo ra cảm giác chìm. Trong hơn 100 năm qua, thành phố đã chìm sâu 9 inch (22,86 cm). Một số chuyên gia cảnh báo rằng sự nóng lên toàn cầu sẽ khiến mực nước biển dâng cao và cuối cùng bao phủ bờ biển Adriatic và thành phố Venice vào năm 2100.

Đường Vân tổng hợp