Nguồn: SOH

Văn Hóa

Vì sao cổ nhân nói: “Lấy được người vợ hiền đức là cái phúc của gia tộc”

By Lan Hòa

July 01, 2021

Người xưa có câu: “Lấy vợ coi trọng hiền đức”, bậc thánh nhân và những người có phẩm hạnh đạo đức cao thượng đều coi trọng người vợ có đạo đức, tư dưỡng, biết hạnh thiện, kính Trời, hiểu mệnh, không chấp trước vào danh lợi, coi trọng thủ tiết và đạo vợ chồng. Với họ, chỉ những người có phẩm hạnh đạo đức tốt, hiền thục, có trí tuệ mới có thể tề gia, nuôi dạy con trở thành người tốt.

“Hiền thê, lương mẫu” là cụm từ để chỉ một người phụ nữ là vợ hiền, là người mẹ tốt của các con.

Vào thời cổ đại, để nhận định một người phụ nữ có phải là “hiền thê, lương mẫu” hay không, người ta sẽ căn cứ vào tiêu chuẩn đó là “tương phu, giáo tử”, tức là “giúp chồng, dạy con”. “Giúp chồng, dạy con” là tiêu chuẩn đánh giá đạo đức của người phụ nữ thời xưa, và cũng là lời khen ngợi đối với người vợ, người mẹ.

“Tương phu” còn mang ý nghĩa là phụ tá, trợ giúp. Để nhấn mạnh sự quan trọng của người vợ trong gia đình, người xưa có câu: “Trong nhà có người vợ hiền lương giống như quốc gia có một vị tể tướng tài đức”.

“Vợ hiền đức thì chồng ít họa” thực sự là một loại mỹ đức truyền thống của người phụ nữ, mối quan hệ giữa vợ và chồng là tương phụ tương thành với nhau, là quan hệ âm dương, âm dương thì phải hài hòa, mọi chuyện từ trong ra ngoài mới có thể thuận lợi được. Xưa nay, những ví dụ về người vợ như vậy nhiều không kể xiết.

Vào thời nhà Tống, có một người đàn ông tên là Vương Mộc Thúc, gia cảnh rất nghèo khó, lấy vợ tên là Hà Thị. Hà Thị là người phụ nữ cần kiệm, đức hạnh, biết chăm lo cho gia đình. Vì có người vợ đảm đang, dịu dàng và hiền đức trợ giúp, nên gia đình Vương Mộc Thúc càng ngày càng hưng thịnh và giàu có.

Có một hôm, Hà Thị nói với Vương Mộc Thúc: “Chàng là một người có tiền đồ, chàng hãy cố gắng học hành chăm chỉ, mai này ra ứng cử làm quan. Gia đình chúng ta đã tích góp dành dụm cũng không ít. Thiếp thấy rằng các em trong gia đình vẫn còn bần hàn, nghèo khó, mình mang chút của cải dành dụm này chia cho các em mỗi người một chút, được không?”

Nghe xong những lời đó, Vương Mộc Thúc cảm thấy hết sức vui mừng: “Đây chính là điều ta muốn nói với nàng bấu lâu nay, nhưng vì e ngại mà không dám mở lời”.

Sáng sớm hôm sau, Hà Thị liền đem tiền của tích góp được chia hết cho các em, đến ngay cả cái trâm cài đầu và đôi bông tai của mình Hà Thị cũng không giữ lại.

Không lâu sau Vương Mộc Thúc quả nhiên đi thi và đỗ đạt được một chức quan nhỏ. Hà Thị rời nhà theo chồng đến nhận chức. Người trong địa phương không ngừng khen tụng Hà Thị là người con gái hiền đức hiếu thuận.

Phong thủy học cho rằng, phụ nữ là nước, mà nước là tài vận. Phụ nữ hiền đức chính là phúc phận của gia đình, thành bài của người đàn ông suy cho cùng luôn có sự vun vén, phúc đức của người vợ luôn sát cánh chung vai, là hậu phương vững chắc.

 

Lan Hòa biên tập