Lão Tử có câu: “Lương cổ thâm tàng nhược hư, quân tử thịnh đức dung mạo nhược ngu”, ý nói rằng người mà buôn bán giỏi thường khéo giữ của quý khiến người ngoài tưởng như họ không hề có gì, người quân tử có đức tính dung mạo khiêm cung giống như kẻ “ngu ngơ”. Xem chừng, đó chính là một triết lý nhân sinh sâu sắc lớn của đời người.
Vì sao người đại trí lại giả ngu? Con người hiện đại có lẽ ít ai có thể lý giải nổi, đa số người ta nghĩ rằng có tài năng thì phải bộc lộ hết ra ngoài, chứng minh với xã hội để mưu cầu tiến thân, lập nên công danh để đời. Nhưng cổ nhân thực sự cho rằng cách xử thế “giả ngốc” mới là vẹn toàn nhất.
Trước hết, đó là biểu hiện của sự tu dưỡng, hàm dưỡng và khiêm nhường. Ngoài ra, người ta cho rằng kẻ ỷ vào tài sẽ nguy khốn vì tài, ỷ vào danh thậm chí sẽ mất mạng vào danh. Nguyễn Du chẳng phải đã nói: “Có tài mà cậy chi tài. Chữ tài liền với chữ tai một vần” đó sao?
Khiêm tốn là thể hiện của bậc giác ngộ
“Ngốc nghếch” và khiêm tốn, quả thực là một thái độ sống khôn ngoan trên đời, khôn ngoan thực sự ấy không phải dùng để làm vật “trang trí” nơi cửa miệng, trái lại, “khôn khéo” quá mức lại trở thành con dao sắc bén, cuối cùng tự làm khổ và tổn hại chính mình. Ở đời, không ai thích dao du, kết bạn với những người kiêu ngạo và huênh hoang, cách sống thông tuệ nhất chính là thời thời khắc khắc ước chế sự kiêu căng, tự mãn của bản thân.
Khiêm tốn không phải là thứ có thể cố ý thể hiện ra cho người khác xem, mà là biểu hiện cao độ của tu dưỡng, phẩm đức xuất phát từ nội tâm của mỗi cá nhân. Không kiêu căng ngạo mạn vì kiến thức uyên bác, cũng không kiêu ngạo vì danh vọng, ngược lại càng hiểu biết, càng khiêm tốn, thận trọng thì địa vị càng cao, đối xử với người khác cũng nhã nhặn.
Khiêm tốn không phải là hèn hạ, cũng không phải là nhu nhược, cũng không phải là bất tài, vô dụng. Khiêm tốn là một loại tình cảm, cảnh giới và khí chất. Khiêm tốn cũng là một loại tu dưỡng bản thân. Ở bên người khiêm tốn giống như thưởng thức thiên nhiên tươi đẹp, khiến bạn lưu luyến không muốn rời; như thưởng thức một ly rượu quý, để bạn có dư vị bất tận; như đọc một bài thơ đầy sức sống và rung cảm, khiến bạn có những dòng suy nghĩ bay bổng, thăng hoa.
Có một số người sống “không biết người, biết ta”, ngạo mạn và tự mãn, thật giống như con ếch ngồi đáy giếng. Kì thực, chúng ta chỉ mà một giọt nước nhỏ bé trong đại dương mênh mông, không sánh nổi với vũ trụ bao la to lớn.. Từ dòng chảy của thời gian lịch sử, bất kể chúng ta sở hữu thứ gì, sở hữu bao nhiêu, sở hữu nhiều đến đâu, cũng đều chỉ bất quá là sở hữu trong thời khắc vô cùng nhỏ bé mà thôi. Sống ở đời, nên “biết người, biết ta”, sống khiêm tốn, không tự cao, tự mãn, “giả ngốc” một chút, như thế mới có thể thong dong sống một kiếp an sinh. Bởi vậy, bất luận là khi nào, ở đâu, chính ta nên thời thời khắc khắc bảo trì một trái tim “khiêm tốn”, đó mới chính là trí huệ của kiếp người.
Người thông minh biết biến mình thành kẻ “giả ngu”
Người đời thường tính toán, so đo mọi thứ cho bản thân một cách tỉ mỉ cẩn thận, còn người thực sự thông minh lại không như thế, trong cuộc sống hằng ngày, họ thể hiện sự trung thực chất phác, không toan tính được mất cá nhân, họ không ích kỷ, vị tư mà biết cách “cho đi”, nhưng cuối cùng, thứ họ nhận được lại càng nhiều hơn thế.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, phần đa mọi người làm mọi thứ chỉ vì tiền tài, danh vọng, họ ngày đêm nghĩ cách làm sao kiếm được thật nhiều tiền, để tận hưởng cuộc sống xa hoa hưởng lạc, chỉ vì chút đỉnh lợi ích cá nhân mà không điều xấu nào không làm, thậm chí bán rẻ lương tâm.
Nhưng có những người, trong đó có người làm bác sĩ, không chấp nhận tiền hoa hồng của công ty thuốc, không nhận phong bì của bệnh nhân; lại cũng có người làm giáo viên, họ dạy học sinh một cách tận tâm, không nhận quà của cha mẹ học trò biếu xén; cũng có người làm quan chức, không nhận hối lộ, cũng không tham ô, không bớt xén tiền hợp đồng; có người làm kinh doanh buôn bán, họ giao dịch với khách hàng một cách công bằng, khi đối mặt với khách gây khó dễ, đối thủ cướp đoạt mối làm ăn, họ đã thản nhiên nhường lại; lại cũng có người bị ô tô đâm ngã thì không trách oán người, cũng không đòi bồi thường…
Những người xung quanh có thể nhận xét họ là những người “ngốc” và nhu nhược, nhưng quả thực, họ là những người “thông minh” nhất, bởi họ được sống đúng với bản tính tiên thiên của mình, là bản tính lương thiện, chân thành, nhẫn lại và bao dung, họ không bán rẻ lương tâm của mình bởi những thứ vật chất xa hoa, vô thường. Cái họ được, chính là một kiếp sống nhân sinh ý nghĩa, là thành tựu vĩnh hằng của sinh mệnh.
Nguồn: Dusheng
Lan Hòa biên tập