Nguồn ảnh: kiennghiepgroup

Khám Phá

Vì sao cổ nhân rất coi trọng thuật nhìn người? Câu chuyện của Tào Tháo và Lý Bạch sẽ lý giải cho bạn

By Đăng Dũng

November 06, 2021

Từ lâu các nhà tâm lý học đã thừa nhận tính khoa học của cái gọi là “nhân tướng học”, “thuật nhìn người”. Đó không phải là những khái niệm mơ hồ, mê tín. Thực ra, chúng đều là những bộ môn khoa học có nguồn gốc từ thời cổ đại còn lưu lại đến ngày nay.

Về cơ bản, có thể định nghĩa “nhân tướng học” như là khả năng cảm nhận, thấu hiểu, bắt nhịp tương tác, hay đọc được cảm xúc và tính cách ẩn sâu bên trong người khác thông qua dáng vẻ bên ngoài bởi cổ nhân có câu: Tướng tại tâm sinh hay tâm sinh tướng tướng sinh mệnh…vv.

Các cao nhân trong quá khứ có khả năng dùng thuật nhìn người không chỉ giúp đánh giá nhân cách và cá tính của một người, mà họ có thể nhìn tướng biết tâm nhìn tâm biết mệnh, nhìn ra số phận của người đó. Không giống như ngày nay, người xưa không chú trọng nhiều đến quần áo, dáng vẻ bề ngoài của một người, thay vào đó, họ quan tâm đến tướng mạo, khí chất bên trong phát ra.

Đoán tướng mạo đầu tiên được chú ý chính là khuôn mặt. Đặc điểm khuôn mặt có thể tiết lộ những thông tin bí mật của một người. Người xưa cho rằng có 5 hình dạng chính của khuôn mặt, tương ứng với Ngũ Hành, ngoài ra còn kết hợp xem địa các trên khuôn mặt.

5 hình dạng chính của khuôn mặt

1. Khuôn mặt dài, thon thuộc hành Mộc. Những người này được cho là khá cô đơn, thích gắn bó với bạn bè hơn người khác. Họ cũng có tham vọng và mong muốn thành công.

2. Khuôn mặt tròn thuộc hành Thủy. Loại khuôn mặt này không chỉ tròn mà còn rất đầy đặn. Họ khá linh hoạt, dễ thích nghi với hoàn cảnh xung quanh và có tấm lòng thông cảm với người khác. Những người này có tham vọng đối với quyền lực và tiền bạc.

3. Khuôn mặt đầy đặn hơi rộng, có dạng vuông thuộc hành Thổ. Họ khá bình tĩnh và ổn định. Họ cũng tham công tiếc việc nhưng không bộc lộ tính cách ra ngoài nhiều.

4. Khuôn mặt hình tam giác, trán hẹp, cằm rộng thuộc hành Hỏa: Những người có khuôn mặt này được cho là thường là nóng nảy, không giữ được bình tĩnh. Họ cũng rất mạnh mẽ và có lòng can đảm.

5. Khuôn mặt hình trái xoan, hơi tròn thuộc hành Kim. Đây là loại khuôn mặt kết hợp giữa sức mạnh, sự vững chắc và tinh thần chiến đấu.

Đồng thời, người xưa cũng phân chia khuôn mặt thành 3 vùng chính:

– Vùng thứ nhất:

Ở trên cùng, được tính từ trán đến lông mày, thể hiện số phận của con người từ 15 đến 30 tuổi.

– Vùng thứ hai: 

Ở giữa, là khu vực từ lông mày đến mũi, thể hiện số phận từ năm 31 tuổi đến 50 tuổi.

– Vùng thứ ba:

Ở dưới, là khu vực từ mũi đến cằm, thể hiện số phận từ sau năm 51 tuổi.

Nếu cả 3 khu vực này có độ rộng bằng nhau thì chứng tỏ người đó có một cuộc sống cân bằng. Nếu phần trên cùng rộng nhất, có nghĩa là người đó có một tuổi thơ hạnh phúc. Nếu vùng dưới rất lớn hay cằm rộng nghĩa là cuộc sống của họ sẽ chỉ tốt đẹp về hậu vận. Khá nhiều người có diện tích vùng giữa lớn nhất, nghĩa là cuộc sống của họ sẽ tốt nhất trong khoảng từ 31 tuổi đến 50 tuổi, tức là ở tuổi trung niên.

Xem tướng mặt mà biết nội tâm, đây không phải là mê tín. Mỗi đường nét, góc cạnh của khuôn mặt đều có thể là cơ sở để đưa ra một số nhận định về tính cách, số phận của một con người. Ngoài các đường nét ra, khí chất là một yếu tố được xem là rất then chốt khi đánh giá một con người. Khí chất được thể hiện qua thần thái, qua con mắt và lời nói.

Một người có thần thái an định, điềm tĩnh, mắt sáng, lời nói gọn ghẽ, súc tích là người có nội tâm vững vàng, sẵn sàng đối diện với khó khăn, vượt qua được gian nan thử thách. Cùng tìm hiểu thêm về thuật nhìn người của người xưa qua những câu chuyện lịch sử dưới đây để hiểu thêm về môn khoa học cổ đại này:

Tào Tháo tiếp sứ

Tào Tháo (155 – 220) là một nhà chính trị, quân sự tài ba của Trung Quốc cổ đại, là người có ảnh hưởng rất lớn thời Tam Quốc. Ông là người đặt nền móng đầu tiên cho việc thiết lập nên vương triều Tào Nguỵ.

Một lần, khi tiếp đón sứ giả Hung Nô, Tào Tháo tự thấy bản thân thấp bé, tướng mạo không có gì nổi bật, đã cho Thôi Diễm đóng thế mình. Còn bản thân Tào Tháo đứng cạnh Thôi Diễm và cầm một thanh kiếm, giả làm lính hầu.

Khi vị sứ giả này về nước, được hỏi về ấn tượng với Thừa tướng của nhà Hán (tức Tào Tháo), vị sứ giả trả lời: “Thừa tướng trông trang nghiêm và lịch sự, nhưng người cầm kiếm đứng cạnh ông ta mới thực sự là anh hùng”.

Bởi thế, bất kể hình thức bề ngoài của một người không được hoàn mỹ, ấn tượng lắm nhưng khí chất toát ra từ họ thì có thể khiến người ngoài cảm nhận rõ. Tào Tháo cố tình hoá trang thành một kẻ hầu nhưng chỉ là giấu đi vẻ bề ngoài, còn khí khái anh hùng của ông thì vẫn toát lên mạnh mẽ.

Hạ Tri Chương đọc thơ Lý Bạch

Năm 742, Lý Bạch lần đầu tiên rời quê hương đến kinh đô Trường An ứng thí. Ở đây, ông có dịp gặp gỡ với Hạ Tri Chương, cũng là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Hai người mới gặp nhau mà tựa đã quen từ lâu, đàm đạo cả ngày không biết chán.

Hạ Tri Chương ngỏ ý muốn đọc thơ, Lý Bạch liền đưa cho ông xem bài “Thục lộ nan” (một trong những tuyệt phẩm của họ Lý). Chỉ vừa mới đọc được vài dòng, Hạ Tri Chương đã hết lời khen ngợi Lý Bạch. Ông cởi đai lưng kim quy trên người xuống để tặng Lý Bạch, nói đùa rằng để đổi lấy một ít rượu và cùng thi nhân họ Lý cạn chén trong vui sướng.

Khí chất hào hoa của Lý Bạch thể hiện ra ở ngay chính những câu thơ của mình. Chẳng thế mà mới vừa chỉ gặp nhau, vừa chỉ đọc đôi hàng, Hạ Tri Chương đã lập tức kết làm huynh đệ, khen ngợi mãi không thôi. Hãy nhớ rằng Hạ Tri Chương khi ấy đã là một nhà thơ nổi tiếng còn Lý Bạch chỉ bất quá là một anh nho sinh còn chưa có tên tuổi gì.

Lòng tốt cảm hoá người

Người có tâm thái an hoà, thiện lương luôn mang đến hạnh phúc cho chính mình và những người xung quanh. Lý Thúc Đồng vốn là một nghệ sĩ, nhạc gia, rất giỏi thơ phú, sống vào cuối thế kỷ 19. Ông cũng là một người xuất gia.

Một lần khi đang giảng bài trên lớp, ông thấy một học sinh không chú ý nghe giảng mà xem sách của bạn, lại thấy một học sinh khác đang khạc nhổ ra sàn. Sau giờ học, Lý Thúc Đồng gọi hai người đó ở lại và nhẹ nhàng nói: “Lần sau, các em đừng nhìn sách của người khác và khạc nhổ ra lớp nữa”. 

Cả hai học sinh đó đều muốn cãi lại nhưng Lý Thúc Đồng đã lịch sự cúi đầu hành lễ. Hành động bất ngờ này khiến cả hai học sinh đều cảm thấy rất xấu hổ. Lòng tốt của ông đã tạo được ảnh hưởng sâu sắc đến người khác.

***

Thuật nhìn người chính là một bộ môn khoa học cổ đại, rất logic, rất biện chứng. Trong nhân tướng học có hàm chứa rất nhiều nội hàm văn hoá, đạo đức.

Người xưa thường nói về khái niệm: “Tướng tại tâm sinh“, có thể hiểu là những yếu tố tâm lý bên trong đều thể hiện ra bề ngoài tướng mạo cả. Các hoàng đế và nhiều bậc trí giả thời cổ đại đều tinh thông thuật nhìn người. Do vậy họ thậm chí xem thuật xem tướng người, nhìn người như một thứ “bảo bối” trong xử thế.

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: ĐKN