Ảnh: nguyenuoc.com

Khám Phá

Vì sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni từng bị mắc bệnh?

By Đăng Dũng

September 27, 2021

Trong cuốn “Hưng khởi hành kinh” từng viết rằng: “Trong cuộc đời, Phật Thích Ca Mâu Ni từng bị đau khớp”. Nhiều người không hiểu vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni đã đủ chúng đức mà vẫn còn bị bệnh?

Phật Thích Ca Mâu Ni không phải là Thượng đế sáng tạo ra vạn vật, ngài cũng có thân thể bằng máu thịt như thân thể con người chúng ta. Đồng thời, ngài cũng phải trải qua sinh, lão, bệnh, tử. Nhưng đương nhiên, ngài có rất nhiều chỗ là không giống chúng ta. Một trong số đó là ngài không có phiền não, không kêu than và đau buồn, không để tâm vào chuyện đời thường như chúng ta.

Ngoài việc trên thân thể có khả năng cảm thụ những vui buồn với bên ngoài ra thì trong tâm của ngài không có một tia lo lắng, tức là ngoại cảnh chỉ có thể tác động đến thân thể chứ không thể tác động đến tâm của ngài. Đối với ngài mà nói, mọi sự trên đời đều là “duyên đến duyên đi”, sao phải vì thế mà phiền não?

Bệnh đau khớp của Đức Phật

Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể cho mọi người nghe câu chuyện về kiếp trước của mình để giải thích rõ nguyên nhân căn bệnh này. Đây là một trong 10 đại nạn mà ngài gặp phải trong cuộc đời. Rất nhiều người không hiểu vì sao Phật Thích Ca Mâu Ni đức độ lại có thể bị bệnh. Phật Thích Ca Mâu Ni đã giải thích rằng, đây là do nghiệp lực kiếp trước còn sót lại, kiếp này phải trả.

Phật Thích Ca Mâu Ni đã kể lại rằng: “Truyền thuyết ghi lại sự tích chữa bệnh của một danh y nổi tiếng. Xưa kia, đã rất lâu rồi, ở trong thành của nước Ấn Độ cổ có một một người là con trai của trưởng lão giàu có đột nhiên bị sốt cao, bệnh tình vô cùng nghiêm trọng. Lúc ấy ở trong thành đó có một vị danh y chẳng những tinh thông đủ loại y thuật mà còn giỏi về chữa trị đủ các loại bệnh khó và kỳ lạ. Con trai vị trưởng lão liền mời gấp danh y kia đến để chữa trị cho mình. Anh ta nói với vị danh y: “Xin ngài hãy chữa trị bệnh cho ta. Nếu như ta có thể khỏi bệnh, ta nhất định sẽ tặng cho ngài thật nhiều vàng bạc châu báu”. Vị danh y dốc lòng dốc sức chữa trị bệnh cho anh ta.

Nhờ sự chăm sóc cẩn thận và sự dốc sức của danh y, một thời gian sau con trai vị trưởng lão đã khỏi hẳn bệnh tình. Nhưng vào lúc anh ta sắp khỏi hẳn bệnh lại vì tham lam mà vong ân phụ nghĩa, không muốn thực hiện lời hứa của mình lúc trước. Một thời gian sau, người con trai của vị trưởng lão giàu có lại bị nhiễm bệnh trở lại. Anh ta lại đưa ra lời hứa “mê hoặc” người khác để nhờ vị danh y kia chữa bệnh cho mình. Nhưng lần này cũng vẫn như lần trước, vừa khỏi bệnh xong, anh ta lại vong ân phụ nghĩa, không thực hiện lời hứa của mình. Cứ như vậy trải qua 3 lượt mắc bệnh, 3 lượt mời vị danh y và hứa những điều “dụ dỗ” người rồi cuối cùng lại chối từ thực hiện lời hứa.

Sau 3 lần như vậy, vị danh y vô cùng phẫn nộ. Ông cảm thấy rằng mình bị con trai của vị trưởng lão coi là đứa ngốc mà đùa giỡn hết lần này đến lần khác và cảm thấy bị khinh thường. Vì thế, vị danh y này bắt đầu âm thầm kế hoạch trả thù của mình. Ông ta cho con trai trưởng lão uống một loại dược liệu không phải trị bệnh sốt cao khiến con trai trưởng lão chết không minh bạch”.

Phật Thích Ca Mâu Ni kể đến đây liền giải thích: “Mọi người có biết vị danh y kia là ai không? Đó chính là ta ở kiếp trước. Còn người con trai của trưởng lão giàu có bị bệnh kia chính là Đề Bà Đạt Đa ở kiếp này”.

Phật Thích Ca Mâu Ni kể tiếp: “Bởi vì ta cho con trai trưởng lão uống độc dược, khiến hắn bị chết oan uổng nên ta đã bị đày xuống địa ngục. Sau khi trải qua rất nhiều khổ sở vì bị trừng phạt suốt những năm tháng dài đằng đẵng, về sau lại chuyển sinh thành súc sinh và chịu khổ trong cõi ngạ quỷ. Cho nên mặc dù kiếp này đã tu hành nhưng vẫn phải chịu đau do nghiệp lực kiếp trước của mình gây ra”.

Ma nạn và bệnh tật của các vị cao tăng

Xem trong sử, ta thấy chư vị cao tăng đều gặp nhiều tai nạn, bệnh nặng. Lục Tổ Huệ Năng khi còn tại thế đã có người muốn sát hại ngài; sau khi ngài viên tịch, còn có người muốn chặt đầu ngài để mang về nhà thờ cúng. Còn Tổ Bồ-đề Đạt-ma khi đến Trung Hoa, ngài bị đầu độc và ám hại sáu lần. Tổ Ấn Độ thứ hai mươi bốn là Tôn Giả Sư Tử thì bị chém đầu.

Trước khi Đại sư Huyền Trang mất, ngài bị trượt chân té ngã, sau đó bị bệnh phải nằm lâu ngày trên giường, ngài nói: “Tất cả những phiền não và ác nghiệp của tôi từ vô thủy đến nay, đều nhờ đức của cơn bệnh nhẹ này mà tiêu trừ hết. Vì vậy tôi rất mừng”.

Luận Sư Giới Hiền, một vị Tăng tài đức nổi danh, lúc tuổi già bị bệnh nặng và bị hành hạ đau đớn đến muốn tự tử. Sau đó ngài mơ thấy ba vị Bồ-tát Văn-thù, Phổ Hiền, Quán Âm khuyên bảo:

“Con trước kia từng là một vị quốc vương gây nhiều khốn khổ cho chúng sanh, cho nên nay phải chịu quả báo này. Nhờ phúc tu nên những tội thay vì phải chịu phạt ở địa ngục được chuyển thành cơn bệnh đau này. Con ráng chịu đựng ba năm nữa, sẽ có Sư Huyền Trang đi thỉnh kinh đến đây thọ học với con. Con hãy thành tâm sám hối, kiên nhẫn chịu đựng đau khổ và tinh tấn xiển dương Kinh Luận, thì nghiệp chướng của con sẽ tự nhiên được tiêu trừ”.

Còn Hòa thượng Hư Vân, thọ đến 120 tuổi. Cuộc đời ngài trải qua mười nạn, bốn mươi tám biến cố. Thậm chí khi ngài đã 112 tuổi, còn bị đệ tử “bán đứng”, bị cướp và bị quân binh Trung Quốc tra tấn rất dã man. Ngài chết đi sống lại nhiều lần sau khi bị đánh đập bằng chùy sắt đến chảy máu và xương gân đều gãy đứt.

Đại sư Hám Sơn Tử Bá, người đã để lại nhục thân bất hoại, đã phải thọ nhận sự tra tấn tàn bạo và chết vì cục bướu trên lưng.

Hòa thượng Quảng Khâm, một vị cao Tăng, cũng bị bệnh và viên tịch vào năm 1986. Vị tăng sĩ tại chùa của Ngài đã kể:

Hòa Thượng nói rằng Ngài sẽ thị hiện bị bệnh lúc mất. Có người nêu thắc mắc với Hòa Thượng Quảng Khâm rằng: “Người đã chứng đắc rất cao trong việc tu hành, nhưng lại chết vì bệnh tật hoặc tai nạn, vậy có phải là định nghiệp của người đó khó thể chuyển đổi?”

Hòa Thượng Quảng Khâm trả lời: “Quý vị có thể nói định nghiệp của họ khó chuyển đổi, nhưng hãy hiểu rằng người đó đang trả nghiệp hoặc chuyển trả báo nặng thành nhẹ…”

Chỉ những người có tu hành mới gặp nhiều khổ nạn, trắc trở. Đúng ra đây chính là công đức tu hành của bản thân họ đã giúp họ tiêu nghiệp nhanh, giải quyết mọi tội báo trong một lần, ngay trong một đời này.

Có thể nói tại vì con người sống trong vô minh, vẫn coi quan điểm Bệnh tật và ma nạn của mình là những khổ đau trong đời người.

Nhưng đối với Đức Phật hay các vị cao tăng đã thật sự buông bỏ tư tưởng của người thưởng lấy khổ làm vui. Vì họ biết rằng đó là cách duy nhất giúp họ đang tiêu nghiệp trên thân thì mới có thể thăng thiên được nên vẫn vui vẻ đối diện với những bệnh tật hoặc ma nạn của bản thân mình.

Hi vọng ngày càng nhiều nhiều người tin hiểu nhân quả, nương theo lời Phật dạy mà thoát khỏi luân hồi khổ đau này.

Nguồn: dkn.news Quang Minh tổng hợp