Cổ nhân có câu “biết người là khôn, biết mình là sáng suốt”.
Trong cuộc sống, thường có những người đánh giá quá cao năng lực của bản thân, nói thì rất hay nhưng làm lại không tới đâu; hoặc là có những người lại quá tự ti, tự giới hạn chính bản thân mình. Quả thực, bất hạnh lớn nhất đời người chính là không biết vị trí của bản thân.
1. Không tự đánh giá quá cao bản thân cũng là một loại cảnh giới
Bernard Shaw nói rằng: “Con người luôn đánh giá quá cao giá trị của những thứ mà họ không có”.
Nghệ thuật gia Andy Warhol từng đề xuất định luật 15 phút: “Trong xã hội tương lai, mỗi người đều có thể nổi tiếng trong vòng 15 phút”. Với sự phát triển của internet và sự ra đời của kỷ nguyên 5G thì dự đoán này đang trở thành sự thật.
Ngày nay, dường như có rất nhiều người đã trở nên nổi tiếng trên mạng xã hội chỉ sau một đêm. Một số người nổi tiếng chỉ nhờ vẻ bên ngoài, hay do có một hành động kỳ quặc nào đó.
Nhưng sự nổi tiếng của họ cũng như hoa phù dung sớm nở tối tàn, một bước lên mây rồi lại trở về ngay với mặt đất.
Người không biết mình sẽ rất dễ bị những lời khen ngợi sáo rỗng mê hoặc; tự đắm chìm trong lâu đài mộng ảo do bản thân xây dựng nên. Người quá coi trọng bản thân là người dễ bị tổn thương nhất; đặt bản thân càng cao thì té càng đau.
Nếu bạn có của cải, người khác chỉ tôn sùng sự giàu có của bạn chứ không phải bạn; nếu bạn có quyền lực, người khác chỉ e sợ quyền lực của bạn chứ không phải bạn; nếu bạn có sắc đẹp, người khác chỉ ngưỡng mộ vẻ đẹp của bạn chứ không phải bạn. Một khi những thứ này không còn nữa thì bạn mới cảm nhận được sự vô thường của thế gian.
2. Đừng đánh giá quá thấp bản thân
Có người rõ ràng là có thể làm rất tốt, nhưng lại sợ người khác nói là tự cao mà rốt cuộc im lặng không nói gì; công ty lựa chọn nhân viên ưu tú, bạn đều là đề cử người khác, chưa bao giờ dám tiến cử chính mình; có người khen ngợi bạn ăn mặc có phong cách, có phẩm vị, bạn lập tức lắc đầu phủ nhận; nói chỉ là mặc tùy tiện vậy thôi.
Người như vậy đã để cho lòng tự ti vây hãm cuộc đời mình; cảm thấy bản thân không tốt nên lúc nào cũng phủ nhận chính mình; luôn cho rằng thực lực không đủ, vì vậy việc gì cũng không dám thử.
Franklin từng nói: “Lý do lớn nhất dẫn đến thất bại của một người là do anh ta thiếu tự tin vào khả năng của bản thân; thậm chí nghĩ rằng mình chắc chắn sẽ thất bại”.
Cách duy nhất là cố gắng thoát khỏi cảm giác tự ti, nhìn nhận lại bản thân và tự tin vào những điều mình có.
Mỗi người đều là duy nhất trên cuộc đời này, tại sao bạn phải coi thường sự tồn tại của bản thân chỉ vì ý kiến của người khác.
Chỉ khi tôn trọng chính mình thì bạn mới có thể nhận được sự tán thưởng của người khác trên sân khấu của cuộc đời. Ngược lại, nếu bạn không dám bước lên sân khấu thì còn biểu diễn gì nữa đây?
3. Sắp đặt vị trí cho đúng, không mê mất phương hướng
Có một câu chuyện ngụ ngôn: Có một con chuột làm tổ trên bảo tháp của một ngôi chùa. Cuộc sống của nó trong bảo tháp thật sự sung sướng. Nó có thể đi lại tự do và tận hưởng những lễ vật phong phú. Mỗi khi thiện nam tín nữ thắp hương vái lạy, chuột ta lại cười trong lòng: “Loài người thật buồn cười, đầu gối mềm như vậy, lại cứ quỳ xuống đất thế kia!”.
Một ngày nọ, có một con mèo hoang đi ngang qua và tóm gọn con chuột dưới lòng bàn chân. Con chuột kiêu ngạo nói: “Ngươi không được ăn thịt ta! Ngươi nên quỳ xuống! Ta đại biểu cho Phật!”.
Con mèo mỉa mai: “Mọi người quỳ xuống về phía ngươi, chỉ vì ngươi chiếm đoạt vị trí đó; chứ không phải là quỳ lạy ngươi”. Sau đó con mèo bắt đầu hưởng thụ bữa ăn của mình.
Làm người cũng vậy, không biết vị trí của mình thì đúng là tai họa. Hiểu rõ bản thân là điều kiện tiên quyết để có thể thành công.
Nhận biết rõ năng lực và giới hạn của bản thân sẽ giúp chúng ta phát huy tối đa năng lực, mới có thể có thái độ sống tích cực hơn. Chúng ta hoàn toàn có thể thông qua tu dưỡng, qua thực tiễn cuộc sống mà nhìn ra những điểm mạnh, sở trường cũng như hạn chế của bản thân, từ đó hoàn thiện bản thân nhiều hơn, đạt được những mục tiêu cao hơn nữa trong cuộc sống.
Nguồn: Secretchina
Chân Nhiên biên tập