Nguồn ảnh: thuthuat123.com

Khám Phá

Vì sao nói đến thời mạt Pháp, đắc Chính Pháp còn khó hơn lên trời?

By Đăng Dũng

October 13, 2021

Theo giáo lý Phật gia, một sinh mệnh luôn phải trải qua luân hồi chuyển kiếp, kiếp này có thể làm người, kiếp sau rơi vào đường súc vật, kiếp kế có thể là vật vô tri như tảng đá, ngọn núi, cây cối…Nếu  được làm người trong kiếp này thì sinh mệnh đó thực sự may mắn.  

Không đắc thân người thì không được nghe Pháp, động vật cây cỏ dẫu có tu luyện thành tinh cuối cùng cũng bị Trời diệt. Kiếp này đắc thân người, Được nghe Pháp rồi, nhưng không phải ai cũng nghe Pháp nhập tâm, hành trì tinh tấn

Đắc thân người, mà còn được nghe Phật Pháp thì quả là quá may mắn!

Một thuở nọ, Đức Phật ngự tại tịnh xá Kỳ Hoàn, có 500 thiện tín đến xin Ngài giảng pháp. Ðức Thế Tôn không hề phân biệt giai cấp dòng họ sang hèn. Với ai, Ngài cũng giảng dạy bình đẳng như nhau, giống như nước mưa rơi từ không trung xuống thấm nhuần ngàn cây nội cỏ một cách vô tư.

Nhưng dù Ngài ân cần giảng dạy, mấy người kia ngồi nghe Pháp một cách lơ đãng. Ông thì ngủ gục; ông lấy tay gõ hoài trên mặt đất; người cứ lay mãi một nhánh cây; kẻ ngó mông lung trên trời; chỉ có một người chăm chú nghe. Tôn giả A Nan đứng quạt hầu Phật, ngạc nhiên về cử chỉ của năm ông khách nên khi họ vừa ra về, Ngài liền hỏi Phật:

– Bạch Thế Tôn, thời pháp của Ngài giảng như sấm rền vang không trung, mà chỉ có một người chăm chú nghe, còn mấy người kia đều lơ đãng hết sức.

– Này A Nan, ông chưa biết rõ về năm người ấy?

– Bạch Thế Tôn, không.

– Người đầu tiên đã làm thân rắn 500 đời, thường khoanh tròn nằm ngủ nên đến kiếp này hắn cũng còn giữ cố tật ấy, chẳng có lời nào của ta lọt vào tai hắn.

– Bạch Thế Tôn. Những kiếp ấy xảy ra liên tiếp hay có xen kẽ?

– Khi thì hắn mang thân người, lúc mang thân trời, khi khác làm rắn. Không thể nào kể được những kiếp luân hồi của hắn. Nhưng có 500 kiếp liên tiếp, hắn làm rắn và thường ngủ li bì.

Người dùng tay gõ gõ trên mặt đất, đã 500 đời làm mối kết tổ trong lòng đất nên kiếp này hắn vẫn còn giữ thói quen ấy.

Người cứ lay động nhánh cây, là 500 đời làm khỉ quen leo trèo nên bây giờ hắn không tài nào ngồi yên một chỗ.

Người hay nhìn mông lung trên trời, đã từng làm chiêm tinh 500 đời, nên bây giờ vẫn còn thói quen.

Người chăm chú nghe lời ta, đã từng đọc tụng kinh Vệ Đà 500 đời nên quen chăm chú cần mật như lúc nghe mật chú.

– Nhưng Bạch Thế Tôn, lời Ngài dạy, con thấy thấm tận xương tủy, mà tại sao họ lại lơ là?

– A Nan, bộ ông tưởng giáo lý của ta dễ nghe lắm sao?

– Bạch Thế Tôn! Chẳng lẽ Ngài cho nó khó nghe?

– Ðúng thế.

– Tại sao?

– Này A Nan, những người này trong vòng luân hồi đã trải qua nhiều kiếp chưa từng nghe đến tên Tam Bảo, cho nên bây giờ họ không thể thâm nhập giáo pháp. Ra vào cuộc tử sanh vô tận, họ chỉ quen nghe tiếng nói của súc sanh. Hơn nữa, họ còn tiêu phí gần hết thì giờ trong việc ăn uống, vui chơi, múa hát, và không thể nghe theo lời ta giảng.

Có được thân người rồi mà lại gặp được Phật pháp nữa, đó là điều may mắn lớn nhất của chúng ta. Tuy nhiên Phật pháp rất khó nghe, bởi vì sao? Được làm người đã khó rồi, nhưng được nghe Phật pháp để biết cách tu luyện lại càng khó hơn. Bởi có nhiều người cả đời không biết đến hai chữ Phật pháp là gì, hoặc có nghe Phật pháp nhưng lại không hiểu, nên nói khó nghe. Như chúng ta đã biết, Phật pháp nói lẽ thật, chỉ đúng lẽ thật nhưng ngược lại với lòng tham lam ích kỷ của con người, nên chúng ta khó tiếp nhận, khó nghe là vậy đó.

Đến thời Mạt Pháp, đắc Chính Pháp còn khó hơn lên trời

Theo Kinh Phật, thời đại chúng ta đang sống là thời Mạt Pháp. Thời nay, để được nghe và tu luyện trong Phật Pháp có lẽ còn khó hơn lên trời.

Kinh Pháp Diệt Tận có viết: “Lúc Phật Pháp sắp diệt người nữ phần nhiều tinh tấn, ưa tu những công đức. Trái lại, người nam phần nhiều kém lòng tin tưởng, thường hay giải đãi khinh mạn, không thích nghe Pháp, không tu phước huệ, khi thấy hàng Sa môn thì rẻ rúng chê bai, xem như đất bụi. Lúc ấy, do nghiệp ác của chúng sanh, mưa nắng không điều hòa, ngũ sắc hư hao, tàn tạ, bệnh dịch lưu hành, người chết vô số. Thời bấy giờ, hàng quan liêu phần nhiều khắc nghiệt tham ô, lớp dân chúng lại nhọc nhằn nghèo khổ, ai nấy đều mong cho có giặc loạn. Trong thế gian lúc ấy khó tìm được người lương thiện, còn kẻ ác thì nhiều như cát ở bãi biển, đạo đức suy đồi, chư thiên buồn thương rơi lệ”.

Tuy nhiên, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cũng để lại những lời tiên tri về sự đản sinh của một vị Phật tương lai. Kinh Phật ghi lại: “Long Hoa tam hội nguyện tương phùng, sau năm mươi ức năm, Phật Di Lặc hạ thế, giảng Pháp tam biến, độ hết tất cả chúng sinh hữu duyên”.

Quyển 8 kinh “Huệ Lâm Âm Nghĩa” có nhắc tới sự đản sinh của một đức Phật Như Lai hay một đức Chuyển Luân Thánh Vương. Sự đản sinh của Ngài sẽ đi cùng dấu hiệu nơi thế gian là những bông hoa Ưu Đàm Bà La, một loài thiên hoa nhỏ li ti trắng muốt, thân hoa mỏng như sợi tơ, trong suốt, sắc trắng như tuyết, xung quanh tỏa ra vầng sáng nhàn nhạt, có khả năng mọc trên bất kỳ chất liệu nào như đồng, sắt thép, thủy tinh, keo dán, trái cây, thực vật, hoa tươi hàng năm không phai tàn.

Theo Kinh Phật, Đức Chuyển Luân Thánh Vương là ‘Lý tưởng Vương’, trị vì thế giới bằng cách xoay chuyển Pháp Luân để chính lại Pháp dựa trên chính nghĩa thay vì vũ lực. Dù là người của tôn giáo nào – Phật giáo, Cơ Đốc giáo hay các tôn giáo khác – bất cứ ai có thể lấy từ bi để đối đãi với người khác sẽ có cơ hội được gặp Đức Chuyển Luân Thánh Vương.

Từ những năm 90 đến nay, hoa Ưu Đàm Bà La lần lượt khai nở khắp nơi trên thế giới. Phải chăng vị Phật Di Lặc của tương lai, Đức Chuyển Luân Thánh Vương đã hạ thế độ nhân? Nếu đúng là như vậy, có được thân người ngày hôm nay quả là kỳ duyên thiên cổ. Nếu ai lại có cơ duyên tu luyện trong Đại Pháp của Ngài, cá nhân ấy quả là quá may mắn.

Nguồn:dkn.tv Quang Minh