Người xưa có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”, trong gia đình cha mẹ nhân hậu, con cái hiếu thảo, anh em yêu thương nhau, mẹ chồng con dâu hòa nhã, vợ chồng tương kính lẫn nhau thì gia đình mới hạnh phúc mỹ mãn, ngày càng đi lên, mới nhận được sự tôn kính và ngưỡng mộ của những người xung quanh.
Trong “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của Kỳ Hiểu Lam có câu chuyện kể rằng, ở vùng Sơn Đông có một phú ông, chủ của một gia đình giàu có. Một ngày nọ, kho lương thực trong nhà bị cháy một cách vô duyên vô cớ, phú ông tưởng rằng đó là tai nạn do bất cẩn. Nhưng sau đó không lâu lại liên tiếp xảy ra những sự cố bất thường, điều này khiến cho cả nhà vô cùng bất an. Một ngày nọ, trong phòng khách có tiếng đập vỡ lớn, và tất cả đồ cổ bằng ngọc được trưng bày đều bị vỡ hết.
Phú ông giận dữ, nghiêm nghị nói: “Dưới thanh thiên bạch nhật, tên yêu quái nào dám đến đây tác oai tác quái, có gan thì hãy xuất hiện ra đây”.
Chợt nghe thấy một giọng nói vang vảng vọng lại: “Nhà ngươi săn bắn, giết chết bao nhiêu con cháu của ta, ta hận ngươi đến tận xương tủy. Ta đã chờ thời cơ báo thù nhà ngươi tám năm. Tổ tiên ngươi tích đức hành thiện, trọng nghĩa nặng tình, phúc khí vô tận, Thổ thần, Táo thần và Môn thần không cho ta báo thù ngươi, ta cũng không còn cách nào khác.
Nay huynh đệ trong nhà ngươi ra lục đục tranh đấu lẫn nhau, vợ lẻ trong nhà tranh chấp nội bộ, mọi người trong nhà chia bè kết phái, mọi người coi nhau như kẻ địch. Gia tộc xuất hiện những điềm xui và chiêu mời tà khí.
Các vị Thần không còn đến thưởng thức đồ cúng tế của nhà ngươi nữa, yêu quái cũng nhìn chằm chằm vào gia đình ngươi. Do đó ta mới có thể nhân cơ hội này mà báo thù. Ngươi vẫn đầu óc mê muội không biết chuyện gì đang xảy ra ư?”, hồ ly nói với giọng bất bình, phẫn nộ.
Sau đó ông triệu tập huynh đệ, vợ lẻ và con cháu ra và nói: “Tai họa không còn xa, nhưng may vẫn chưa ập đến. Nếu mọi người có thể bỏ qua những lỗi lẫm trong quá khứ, tránh xa kẻ tiểu nhân, không chia bè kết phái, cải chính những hành vi sai lệch trong quá khứ, thì mới có cơ hội được cứu rỗi. Mọi chuyện xảy ra đều do ta. Nếu mọi người nghe theo lời của ta, thì sau này sẽ có phúc khí cho con cháu, nhận được bảo hộ của tổ tiên, còn nếu không nghe theo lời của ta, ta sẽ xuất gia vào núi tu hành.”
Nói xong, ông nước mắt đầm đìa rồi tự trách cứ bản thân. Mọi người trong nhà đều cảm động, nghĩ về những chuyện xảy ra trong quá khứ mà khóc lóc thảm thiết ăn năn. Họ lập tức trục xuất những nô tì đang gây bất hòa, họ thẳng thắn bộc bạch và sửa cải chính những lỗi lầm trước đây. Sau đó, ông đến nhà thờ cúng tế tổ tiên, trước bàn thờ tổ tiên cắt máu thề rằng: “Từ nay trở đi sẽ không tái phạm những sai lầm trong quá khứ nữa, nếu không sẽ nhận báo ứng”.
Lúc sau, liền nghe thấy tiếng dậm chân của hồ ly vọng lại, nói: “Ta muốn báo thù nhưng ta lại tiết lộ ra, là lỗi của ta, cũng là mệnh của các ngươi không thể tuyệt được”, nói xong hồ ly thở dài rồi bỏ đi. Đây là câu chuyện xảy ra trong tám, chín năm thời vua Càn Long.
Trong câu chuyện, phú ông có sở trường săn bắn nên đã phạm giới sát sinh, từ đó thất đức. Bởi vì tổ tiên của ông tích đức hành thiện, ân nghĩa sâu dày, phúc khí vô kể, nên Thổ thần, Táo thần và Thần môn không cho hồ ly có cơ hội báo thù. Nhưng sau này anh em, vợ con của ông tranh đấu tương oán, chia bè kết phái, coi nhau như kẻ thù, gia đình bất hòa nên gia tộc xảy ra những tai ương bất thường, chiêu mời tà khí.
Người xưa thường nói: “Tổ tiên tích Đức, làm người phải tích Đức, thủ Đức”. Câu nói này thật có đạo lý. Tổ tiên trọng đức hành thiện, tích Đức cho thế hệ sau, con cháu thế hệ sau sẽ hưởng hạnh phúc, tích nhiều đức có thể thăng quan phát tài, phúc đức an khang. Nếu người thế hệ đời trước làm điều xấu, không trọng đức thì con cháu đời sau sẽ gặp họa, bị báo ứng, nghèo khổ bần tiện, đau ốm đoản mệnh.
Tục ngữ có câu: “Gia hòa vạn sự hưng”, trong gia đình cha mẹ nhân hậu con cái hiếu thảo, anh em yêu thương nhau, mẹ chồng con dâu hòa nhã, vợ chồng tương kính lẫn nhau thì gia đình mới hạnh phúc mỹ mãn, ngày càng đi lên, sẽ được mọi người tôn kính và ngưỡng mộ. Những kẻ tiểu nhân có tâm địa xấu xa, bất chính, mang lòng đố kị muốn gây chia rẻ, khi đối mặt với một gia đình hòa thuận như vậy, họ cũng sẽ biết tiết chế bản thân, đoạn tuyệt ý niệm làm điều xấu.