Nguồn ảnh: ST

Dạy Con Thông Thái

Vì sao nói: Yêu chiều con quá mức chính là hại con?

By Lan Hòa

October 09, 2021

Để đại bàng con học bay, đại bàng mẹ đã đưa nó đến vách đá, rồi thả ra, để đại bàng con rơi xuống vực sâu. Để tồn tại, con đại bàng con chỉ có thể vỗ cánh trong tuyệt vọng, và cuối cùng bay lên cao chỉ một giây trước khi rơi xuống đáy vách đá. 

Đối với con người cũng vậy, một đứa trẻ sống trong hũ mật, nếu không thể tự đối mặt với thử thách thì sau này tung cánh, cũng khó có thể bay xa. Mỗi bậc cha mẹ sinh con ra đều luôn muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con cái của mình, giáo dục con trẻ là một quá trình lâu dài, không phải ngày một ngày hai. Để nuôi dạy tốt một đứa trẻ, cha mẹ cần có phương pháp giáo dục khoa học, cùng với “trái tim nóng, cái đầu lạnh”.

Hiện nay có rất nhiều đứa trẻ là con một trong gia đình, bởi vậy khi đứa trẻ muốn gì, người lớn trong nhà đều đáp ứng vô điều kiện, khi người lớn không đáp ứng nhu cầu thỏa mãn mong muốn của chúng, chúng sẽ lập tức tỏ ra khó chịu. Câu cửa miệng của rất nhiều bậc cha mẹ hiện nay là:

“Con yêu, tất cả của ngon vật lạ trong nhà đều là của con”

“Bảo bối, vì con, bố mẹ có thể hy sinh tất cả!”

“Con chỉ có trách nhiệm học hành cho tốt, tất cả những thứ khác, cứ để mẹ”.

Họ nghĩ rằng điều này là tốt cho con cái của họ, nhưng họ không biết rằng nếu cứ làm như vậy, con cái họ sẽ ngày càng dưỡng thành thói quen “muốn gì được nấy“. Dần dần, chúng thường không có sự tôn trọng và lễ phép với cha mẹ bằng lời nói, và thậm chí là cố tình làm ngược lại những gì cha mẹ yêu cầu.

Vì được cưng chiều quá mức nên trẻ có xu hướng trở nên cứng đầu và luôn coi mình là nhất. Đôi lúc, cha mẹ nói đông, chúng lại nói tây, thể hiện rõ sự ương bướng, không tránh khỏi việc khiến cha mẹ cảm thấy buồn và tức giận.

Và tất nhiên, cưng chiều con quá mức là một phương pháp hoàn toàn sai lầm, cần phải dùng trái tim yêu thương và sự lý trí để dạy chúng trưởng thành.

Qúa yêu thương một ai đó là hại họ

Người xưa thường nói: “Quá yêu thương một ai đó là hại họ”, câu nói này có người liễu giải được, có người sẽ phản cảm, cho rằng đang nói quá lên. Nhưng thử nghĩ kĩ một chút, câu này quả thực là có đạo lý.

Trong “Duyệt vy thảo đường bút ký” phần 24 quyển thứ 7 có ghi chép lại một câu chuyện như sau:

Xưa có hai người anh em, người anh là Trương Nhị Dậu, người em là Trương Tam Thần. Người anh trai qua đời để lại một đứa con, Tam Thần nuôi nấng đứa cháu vô cùng yêu thương nó, lớn lên còn mua ruộng đất và lấy vợ cho nó. Vì lo vun vén cho nó mà Tam Thần dường như đã tiêu tốn hết tài sản tích góp của mình, quả là dốc hết tâm tận hết lực vì nó.

Lại không nghĩ rằng, đứa cháu này do được người chú yêu thương quá mức, nên đã trở nên vênh váo đắc ý, phóng đãng dâm dục, chỗ nào cũng trêu hoa ghẹo nguyệt, vì thế mà mắc phải bệnh lạ, vô phương chữa trị mà qua đời.

Điều này làm tinh thần của Trương Tam Thần chịu kích động mạnh, trong lòng có chút mất mát, trống trải. Hàng xóm đều khen ngợi Trương Tam Thần đã không làm cho anh trai và cháu của ông phải thất vọng. Một hôm, Trương Tam Thần mắc bệnh, trong cơn hôn mê, ông lẩm bẩm trong miệng rằng: “Thật là gặp phải việc kì lạ, anh trai Trương Nhị Dậu của ta đến trước điện Diêm Vương, tố cáo ta làm hại con của anh ấy. Thật là oan uổng cho ta rồi!”

Vài ngày sau, bệnh của Trương Tam Thần dần dần khỏi, tinh thần cũng đã tỉnh táo trở lại. Ông nói với người nhà:

“Thật là lỗi của ta mà, anh trai Nhị Dậu của ta ở điện Diêm Vương quở trách ta rằng: Con trai ta không phải hạng người không thể dạy dỗ, nhưng đệ nuôi nó mà không dạy, buông lung để nó làm bừa. Nuôi kiểu ấy, nó càng ngày càng to gan, đến nỗi tuỳ tâm phóng túng dâm dục, mắc bệnh mà chết. Ta không trách đệ, thì còn trách ai đây? Ta ở trước Diêm Vương, không nói nên lời. Giờ hối hận cũng đã muộn!”. Trương Tam Thần vô cùng đau khổ, sau đó qua đời.

Không ưu ái, nuông chiều phóng túng chính là hiền đức

Kỷ Quân (Kỷ Hiểu Lam) viết tiếp: Vào năm Kỷ Mão, khi ta nhậm chức quan trông coi việc thi cử, tuyển chọn được một vị tiến sĩ tên là Vương Chấp Tín. Anh này xin ta khắc bia mộ cho mẹ kế của mình, nói rằng: “Mẹ của tôi có hai người con là tôi và em trai tôi, còn mẹ kế thì có một người con. Tình cảm mẹ kế dành cho ba anh em chúng tôi đều như nhau. Đồ ăn, đồ mặc hàng ngày của ba chúng tôi cũng không khác biệt gì.

Những lúc làm điều sai trái bị mẹ trách mắng, đánh đòn ba đứa cũng không khác nhau. Kỷ Quân cảm thán nói:

“Hiền tai, sổ ngữ tận chi hĩ!” Nghĩa là: Người mẹ kế này đối xử với cả ba người con như nhau, không phân biệt thân sơ, cũng không ưu ái, nuông chiều phóng túng những đứa con riêng của chồng, đây chính là hiền đức.

Con người Trương Tam Thần rất nhân hậu, bài học của Trương Tam Thần cũng thật vô cùng sâu sắc, để chúng ta từ câu chuyện thực tế đầy nghiêm khắc này mà rút ra kinh nghiệm có ích cho việc dạy bảo con cái một cách thích đáng, hiệu quả.

Dưới đây xin trích một vài lời dạy con cháu hữu ích của người xưa, kính tặng độc giả:

Có câu đối xưa: Dục cao môn đệ tu vi thiện/ Yếu hảo nhi tôn tất độc thư: Nghĩa là: Muốn nhà cao cửa rộng cần làm điều thiện/ Muốn cho con cháu nên người ắt phải đọc sách.

Cha mẹ giàu mà nuông chiều con cái quá mức, con muốn gì được nấy, nếu cứ chiều theo thì tai hoạ chính là từ sự yêu chiều này. (Trương Hoành Mưu thời nhà Thanh)

Bậc hiền tài chí sĩ khuyên con cháu làm việc cần có chí hướng chứ không thoái thác; khuyên điều chính nghĩa chứ không khuyên điều giả dối; thể hiện sự tiết kiệm chứ không xa xỉ; để lại lời dạy (Lời cảnh tỉnh đối nhân xử thế tặng cho con cháu), chứ không để lại tiền tài. (Vương Phù thời nhà Hán)

Bỏ công sức của mình, ăn cơm của mình, sự nghiệp của mình tự mình làm. Dựa dẫm vào ông Trời, dựa dẫm vào người khác, dựa dẫm vào tổ tông: thì không phải là hảo hán. Lời trăn trối với con trước lúc lâm chung của Trịnh Bản Kiều thời nhà Thanh.

 

Nguồn: ChanhKien.org

Lan Hòa biên tập