Khám Phá

Vì sao vị quan này thả 70 tù binh mà lại được hoàng đế trọng thưởng?

By Đăng Dũng

November 23, 2021

Vương Già sống vào thời Nam Bắc triều đến thời Tùy, làm Tham quân Tề Châu. Ban đầu ông cũng chỉ là chức quan nhỏ không có danh tiếng gì. Sau đó, ông được cử đi áp giải nhóm phạm nhân Lý Sâm hơn 70 người đến kinh thành.

Theo luật pháp lúc bấy giờ, phạm nhân bị lưu đày phải đeo gông cùm trên đường. Đi đến địa phận Huỳnh Dương, Vương Già xót thương nỗi thống khổ của phạm nhân, nên nói với họ rằng: “Các anh đã phạm vào hình luật quốc pháp, đã tổn hại cho các anh, bị pháp luật trừng trị, giờ đây lại liên lụy lao khổ đến những người lính áp giải, lẽ nào không hổ thẹn với lòng mình?”.

Các phạm nhân tạ tội. Vương Già nói: “Tuy các anh đã phạm vào hình pháp, gông cùm cũng là nỗi thống khổ lớn. Tôi dự tính sẽ tháo gông cùm cho các anh, để các anh tự do đi, đến kinh thành rồi sẽ lại để các anh tập hợp lại. Các anh có thể làm được không?”. Các phạm nhân đều bái tạ nói: “Nhất định không trái hẹn”.

Thế là Vương Già mở tất cả gông cùm, dừng việc cho lính áp giải, hẹn với phạm nhân rằng: “Ngày này đến kinh thành. Nếu đến lúc đó mà các anh không đến thì cái mạng này của tôi cũng mất đi vì các anh”. Nói rồi không trông coi áp giải những phạm nhân này nữa, và rời đi.

Những phạm nhân bị đi đày cảm động, vui mừng, đã đến kinh thành đúng thời hạn, không một ai trốn chạy, bỏ trốn cả.

Ảnh minh họa. Những phạm nhân bị đi đày vô cùng cảm động.

Hoàng thượng nghe nói vô cùng kinh ngạc, khen ngợi mãi không ngớt. Thế là Hoàng thượng cho triệu toàn bộ số phạm nhân lưu đày này lại, cho họ mang theo vợ con vào Hoàng cung. Hoàng thượng mở tiệc thết đãi phạm nhân, rồi đại xá, tha tội cho tất cả những phạm nhân biết giữ chữ tín, biết phân biệt tốt xấu này.

Hoàng thượng cảm động nói: “Nếu quan lại không có lòng nhân từ, nhân ái, thì dân thường sẽ có ý gian dối, do đó kiện tụng, tù tội không ngớt. Nếu quan lại đều nhân từ như Vương Già này, thì bách tính trăm dân sẽ đều biết liêm sỉ, mà hình phạt cũng chẳng cần dùng đến nữa”.

***

Thời loạn lạc thì cần dựa vào hình phạt nghiêm để răn đe, cai trị. Nhưng hình phạt chỉ có tác dụng khi số người phạm tội ít. Khi số người phạm tội nhiều thì hình phạt vô ích, nhiều người sẽ sống ngoài vòng pháp luật, hoặc làm phường lục lâm thảo khấu, hoặc trốn sang nước khác mưu sinh.

Vương Già xuất phát từ lòng nhân từ, thương xót cho những người đang chịu khổ đau vì những tội lỗi của họ, vì hoàn cảnh đưa đẩy đã bước vào con đường lầm đường lạc lối. Ông đã dùng tính mệnh của mình để giúp các phạm nhân giải thoát khỏi cực nhọc, gông cùm lê bước trên con đường dài, dãi dầu nắng mưa hàng ngày.

Chính lòng nhân ái, vị tha, vì người khác, suy nghĩ cho người khác của ông đã đánh động đến lương tâm sâu thẳm trong tâm hồn những kẻ tội lỗi, tưởng chừng chai lỳ sắt đá kia, khiến họ quyết tâm không bội ước, không thất tín, quyết tâm trở lại làm con người chân chính.

Vương Già nhân từ, phạm nhân thủ tín, một chuyện hy hữu khó tin giữa dòng đời nghiêng ngả, giữa xã hội rối ren, khiến Hoàng đế cũng từ kinh ngạc đến cảm động, rồi nảy sinh từ tâm, quyết định đại xá, tha tội cho tất cả phạm nhân.

Lòng nhân từ có sức mạnh làm xoay chuyển thiên hạ, quy chính lòng người. Người cai quản thiên hạ, quan lại giúp vua trị nước, nếu hiểu rõ đạo làm quan, thì đều lấy nhân đức giáo hóa dân, để dân chúng biết liêm sỉ, biết tốt xấu, tự ước chế hành vi bản thân, nên có đặt ra hình pháp cũng hiếm khi phải dùng đến.

Một ông vua, ông quan mà coi dân như con, thực sự lo lắng cho dân, chăm sóc, dạy bảo dân như với con đẻ của mình, thử hỏi, người dân nơi đó sẽ làm loạn, làm phản, phạm pháp hay không?

Các đời vua sáng tôi hiền trong lịch sử đều cho thấy, lòng nhân từ có sức mạnh hơn giáo mác binh đao hay gông cùm tù ngục. Vũ lực và hình phạt chỉ trừng trị thể xác con người, còn nhân từ lại cảm động chân tâm con người, đánh thức bản tính nguyên sơ của con người: “Nhân chi sơ tính bản thiện”.

Đăng Dũng biên tập

Nguồn: soundofhope