Nguồn ảnh: Internet

Cảm Ngộ Nhân Sinh

Việc không làm được thì không hứa, đã hứa thì phải làm cho bằng được

By Đăng Dũng

May 03, 2021

Giữ lời hứa chính là chìa khóa trong việc tạo dựng uy tín và giá trị của một con người. Giữ lời hứa không chỉ làm cho bạn trở nên tin cậy, có trách nhiệm mà còn thể hiện sự tôn trọng của bạn đối với người khác và cũng là động lực để bạn sống tốt hơn. Chính vì vậy việc không làm được thì không hứa, đã hứa thì phải làm cho bằng được.

Cuộc sống hiện đại với nhịp sống quá nhanh làm cho chúng ta đôi khi quên đi giá trị thực sự của lời hứa. Lời hứa đáng được trân trọng, dù nó là của ai, cho dù bất kỳ ở hoàn cảnh nào, khi bạn trao đi một lời hứa đồng nghĩa là bạn đang nhận được niềm tin từ người khác.

Người xưa thường rất coi trọng lời hứa, một khi trong lòng đã hứa thì cho dù có như thế nào thì cũng sẽ không bội ước lời hứa của mình. Việc không làm được thì không hứa, còn đã hứa thì phải làm bằng được.

Vào thời nhà Hán, có một học nhân tên là Chu Huy. Khi ông học ở Thái học, có một người bạn học tên là Trương Kham, Trương Kham ở bên cạnh quan sát Chu Huy rất lâu, cảm thấy con người này rất có nghĩa khí. 

Cho nên, Trương Kham nói với Chu Huy: “Sau này nếu tôi có mệnh hệ gì, anh có thể chăm sóc vợ con giúp tôi không?”, hai người mặc dù không thân thiết, nhưng lời này của Trương Kham đã xem ông như người bạn rất tin cậy. 

Chu Huy cảm thấy rất đường đột, cho nên chưa trả lời. Kết quả không được bao lâu, Trương Kham quả nhiên bị mất, Chu Huy nghe được tin này, liền đem rất nhiều tài vật đi thăm vợ con của Trương, con trai của ông cũng đi cùng và thấy rất buồn. 

Người con liền hỏi cha: “Cha chưa từng kết giao với người này, sao cha lại phải giúp ông ấy ạ?”, Chu Huy nói: “Trương Kham tin tưởng cha thế này, cho thấy trong lòng ông ấy đã xem cha như người tri kỷ, mà tấm lòng này của ông ấy thôi thúc cha trong lòng cũng xem ông ấy là bạn. Mà đã xem ông ấy là bạn rồi, thì nên tận tâm tận lực mà chăm sóc vợ con ông ấy chứ”.

Vào thời Xuân Thu, có một người tên là Lý Trát. Lý Trát phải đại diện cho nước Ngô đi sứ đến nước Lỗ. Đây thuộc về công việc ngoại giao. Trên đường đi sứ, khi ông qua nước Từ, quân vương của nước Từ mời ông dùng cơm. 

Trong lúc ăn cơm, quân vương cứ luôn nhìn ngắm cây bảo kiếm mà Lý Trát đeo bên mình. Lý Trát thấy được ánh mắt của Quân vương, liền biết ngài rất thích cây bảo kiếm này, đây là “Đoán biết qua ánh mắt”, sau khi thấy được ông đã hiểu. Nhưng theo nghi thức ngoại giao, sứ thần đại diện cho đất nước đều bắt buộc phải mang theo bảo kiếm. 

Cho nên, trong lòng ông thầm nghĩ, sau khi mình hoàn thành nhiệm vụ, sẽ tặng lại cây kiếm này cho ngài. Sau khi ông đi sứ ở nước Lỗ trở về, lại đi qua nước Từ, ông liên đem cây kiếm tặng lại cho quân vương của nước Từ, thật không may quân vương đã từ trần. 

Lý Trát lập tức đến trước mộ của quân vương mà hành lễ. Sau khi hành lễ xong, ông liền đem cây bảo kiếm của mình treo lên cành cây bên mộ. Tùy tùng theo ông thấy vậy, liền nói: “Thưa chủ nhân, ngài làm thế này là hơi quá, bởi vì ngài đâu có nhận lời tặng cây kiếm này cho quân vương đâu, mà cho dù ngài đã nhận lời tặng rồi, thì ngài ấy cũng đã chết rồi, cho nên vốn không cần thiết phải để cây kiếm treo ở đó”. 

Lý Trát đáp lời: “Sử Ngộ Dĩ Tâm Hứa, Khải Dĩ Tử Bội Ngộ Tâm Tại” (Lòng ta đã hứa, dù có chết cũng không bội ước). Lòng của ta đã có suy nghĩ muốn tặng cho ngài, sao có thể vì cái chết của quân vương mà lại đi ngược lại lời hứa trong lòng ta chứ?. 

Chữ tín của người xưa là tu từ khởi tâm động niệm, đều không muốn bội hứa với suy nghĩ đã có của chính mình. Thực hiện lời hứa với người khác cũng chính là thực hiện lời hứa với lòng mình, trong lòng một khi đã hứa thì cho dù không nói ra lời thì cũng sẽ không bao giờ bội ước với lòng mình.

Trong cuộc sống, chúng ta có thể không làm được như người xưa, nhưng chúng ta cũng nên xem xét kỹ mọi việc. Việc nên làm và chắc chắc chắn làm được thì hãy hứa, một khi đã hứa thì phải có trách nhiệm với lời hứa của mình. Giữ đúng lời hứa sẽ là chìa khóa tạo nên giá trị và thành công của bạn.

Nguồn: detuquy.com

Chân Kiến biên tập