Đời Sống

‘Vua cà phê’ Đặng Lê Nguyên Vũ từng ngồi thiền 49 ngày trên núi, ngộ triết lý kinh doanh dựa theo Đạo Pháp

By Đăng Dũng

November 18, 2021

Đặng Lê Nguyên Vũ được mệnh danh là “ông vua cà phê”, là một trong những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Không chỉ vậy, ông còn được nhiều tờ báo, tạp chí quốc tế vinh danh, ca ngợi bởi những thành tích nổi bật trên thương trường.

Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, xây dựng lên đế chế cà phê Trung Nguyên lớn mạnh, chẳng trách Đặng Lê Nguyên Vũ là thần tượng của không ít người trẻ.

Sinh ra trong gia đình nghèo khó

Ông Vũ sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, năm lên 8 tuổi thì cả nhà di chuyển về huyện miền núi M’drak (tỉnh Đắk Lắk) sinh sống. Từ ấy, tuổi thơ của ông Vũ là chuỗi ngày dài đi bộ 15 km để tới trường, phụ giúp cha mẹ trên những ruộng ngô,…

Vị doanh nhân này tâm sự: “Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho. Vui nhất là khi có thể quá giang phía sau chiếc xe chở gạch về nhà khi đôi chân đã muốn quỵ vì lội bộ”.

Ông Vũ sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Khánh Hòa, năm lên 8 tuổi thì cả nhà di chuyển về huyện miền núi M’drak (tỉnh Đắk Lắk) sinh sống

Cú sốc lúc 10 tuổi cha mắc bệnh nan y

Cũng chính vào thời gian ấy, gia đình ông Vũ xảy ra biến cố lớn. Bố ông không may mắc bệnh nặng, kinh tế gia đình sa sút.

“Ông vua cà phê” nhớ lại: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chay vay khắp dòng tộc không sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh”.

Chính cú sốc ấy đã khiến ông nuôi chí làm giàu, nghĩ rằng nhất định là phải giàu để gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Năm 1990, ông Đặng Lê Nguyên Vũ thi đỗ đại học Y Tây Nguyên. Để có tiền cho ông theo học, gia đình phải dốc từng tạ lúa, bán bớt tài sản để có tiền đóng học phí.

Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, ông Vũ vừa học vừa làm, đồng thời vẫn quyết chí khởi nghiệp, tìm hiểu về lĩnh vực cà phê.

Muốn nghỉ học để lập nghiệp

Đến năm thứ 3 đại học, ông quyết định nghỉ học để lập nghiệp. Biết ý định của con trai, mẹ ông Vũ khóc cạn nước mắt can ngăn. Thế nhưng, trong tâm trí chàng trai trẻ khi ấy chỉ có duy nhất 1 suy nghĩ: Không chấp nhận ngủ trong giường chiếu hẹp, mơ những giấc mơ con.

Hành trình dài để xây dựng đế chế Trung Nguyên, tìm chỗ đứng cho cà phê Việt

Ông tâm sự: “Những ngày học ở trường y, lúc nào tôi cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng tôi. Muốn có cuộc sống khấm khá hơn, phần nhiều những người học y chúng tôi đã quên lời thề Hippocrate. Xót xa quá! Và với tôi, cách tốt nhất không vi phạm lời thề là… bỏ nó luôn, làm việc khác”.

Cầm trong tay 100.000 đồng được đám bạn gom góp tặng cho, ông Vũ khăn gói lên Sài Gòn tìm gặp người chú để học hỏi lập nghiệp.

Nghe xong tâm sự của cháu, chú ông nói: “Tất cả những gì cháu nung nấu đều đúng, nhưng không phải lúc này. Việc lúc này chính là học cho xong cái đã”.

Cuối cùng, Đặng Lê Nguyên Vũ cũng nghe lời chú khuyên, ở lại thêm 10 ngày rồi quay trở về để tiếp tục đi học.

Ngày trở về, ông ngồi trên máy bay nhìn cảnh bầu trời, lòng đã bình thản hơn nhưng ý chí khởi nghiệp vẫn sục sôi. Và sau đó chính là hành trình dài để xây dựng đế chế Trung Nguyên, tìm chỗ đứng cho cà phê Việt.

Vị đại gia 49 ngày nhịn ăn ngồi thiền trên núi

Ít ai biết, cuối năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã tạm dừng công việc, lên núi M’đrắk (Đắk Lắk) tu tập. Vị đại gia này đã nhịn ăn, chỉ uống nước mè đen và ngồi thiền trong 49 ngày. Ông cho biết, mình cần khoảng thời gian tịnh tâm, giúp tinh thần minh mẫn để nghĩ đại sự.

Cuối năm 2013, vị đại gia này đã nhịn ăn, chỉ uống nước mè đen và ngồi thiền trong 49 ngày. Ông cho biết, mình cần khoảng thời gian tịnh tâm, giúp tinh thần minh mẫn để nghĩ đại sự

Sau 5 năm tập thiền, vị doanh nhân này bất ngờ trở về, tuyên bố muốn đưa Trung Nguyên trở thành tập đoàn thống lĩnh toàn cầu. Ông tự xưng là “Qua”, ăn mặc như tu sĩ, cổ quấn khăn rằn.

Triết lý kinh doanh và tiền bạc đáng suy ngẫm

Vào năm 2019, trong phiên tòa xử ly hôn với bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ông Đặng Lê Nguyên Vũ liên tục bày tỏ những triết lý về kinh doanh và tiền bạc.

Vị doanh nhân khẳng định: “Kinh tế, bản chất của nó một người có tầm sẽ hiểu là kinh bang tế thế, mình phụng sự cộng đồng bằng trách nhiệm, bằng trái tim của mình thì cộng đồng mới có cảm tình, trách nhiệm một chút, họ mới mua dịch vụ, mua sản phẩm của mình, dù gián tiếp nhưng nó lâu bền. Chứ không phải mình khuyến mãi gì đó hết đợt này đến đợt khác”.

Đối với chuyện nợ nần, ông chủ Trung Nguyên cũng rất sòng phẳng. “Người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn”, ông nói.

Triết lý kinh doanh và tiền bạc đáng suy ngẫm

Với những người đã giúp đỡ, Đặng Lê Nguyên Vũ vô cùng biết ơn và trân trọng: “Tôi nói với quý nhân của mình rằng, tôi nợ họ, nợ trọn đời này. Cái nợ ấy không còn đơn giản là nợ vật chất nữa Nếu tôi không đủ tiền để trả thì tôi sẽ trả bằng sự trung thành của mình, bằng sự tận tụy của mình, thậm chí bằng cả máu và nước mắt”.

Doanh nhân thành đạt tìm hiểu sâu về Phật pháp

Tuy không nhận mình là Phật tử nhưng qua những gì Đặng Lê Nguyên Vũ nói thì dường như đạo Phật và những lời Phật dạy đã ngấm sâu vào máu mủ của ông. Ngay vẻ ngoài với cái đầu không có tóc của ông cũng mang dáng vẻ của người tu sĩ.

Những chia sẻ về 2 chữ từ bi và trí tuệ của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề mang tính chất kinh sách mà rất đời thường.

Hai chữ từ bi và trí tuệ của Đặng Lê Nguyên Vũ không hề mang tính chất kinh sách mà rất đời thường

Ông nói rằng, nếu áp dụng vào đời sống thì từ bi chính là yêu thương, là hài hòa. Con người cần biết hài hòa với nhau, với vũ trụ; sống thuận theo quy luật của tự nhiên là thuận duyên, tùy pháp.

Đặng Lê Nguyên Vũ nói về chữ đạo, rằng đạo là đường. Muốn kiến tạo phải có đường. Mỗi chúng ta cần biết rõ mình đi đâu, về đâu. Nếu chúng ta thấy rõ con đường, biết rõ hướng đi thì chuyện đến đích là dĩ nhiên, sợ nhất khi lạc đường.

Chủ tịch của Trung Nguyên cho rằng, hiện nay, rất nhiều người đã hiểu sai đạo Phật, biến thành mê tín, dị đoan.

Nhiều bạn trẻ tưởng mình biết về đạo Phật nhưng thực ra không phải vậy, nhiều người nhận mình là Phật tử nhưng hiểu sai gần hết những lời dạy của đức Phật. Một doanh nhân thành đạt với những bận rộng trong công việc mà tìm hiểu sâu về Phật pháp đến vậy.

Nguồn: songdep

Thái An biên dịch