Ảnh: Internet

Chưa được phân loại

Vua Nghiêu lên núi bái sư học đạo

By Đăng Dũng

February 28, 2021

Tôn sư trọng đạo là một truyền thống quý báu trong nền văn hóa Thần truyền của các dân tộc phương Đông. Người thầy là người truyền tải những pháp lý, đạo lý, luân lý, quy phạm, kiến thức… cho học trò, do đó từ xưa đã rất được kính trọng. Tuy nhiên việc một vị vua đến tận lều tranh để bái sư học đạo thì quả là chuyện xưa nay hiếm. Vua Nghiêu chính là vị vua đó. Câu truyện dưới đây cho chúng ta biết thêm về điều kỳ lạ này.

Vua Nghiêu trị vì đất nước anh minh, làm cho đất nước ổn định, thanh bình, tuy nhiên ông không dừng lại ở đó, ham muốn học hỏi của ông rất mãnh liệt, ông thường xuyên vào núi sâu, rừng già để tìm thầy học đạo.

Có một lần nhà vua đi đến núi Vương Ốc, từ xa ông đã nghe văng vẳng tiếng trẻ con đọc sách, thấy vậy, ông liền lần theo tiếng vọng để tìm đến, đến gần ông thấy một căn nhà tranh, trong nhà thấy mỗi đứa trẻ đang đọc sách. Nhà vua hỏi đứa trẻ: “Này cháu bé, cha mẹ cháu đi đâu sao chỉ có mỗi một mình cháu ở nhà?” Đứa trẻ liền đáp: “Thưa ông, cháu ở đây học đạo với Sư phụ của cháu ạ”.

Nhà vua lướt nhìn thấy cuốn sách mà đứa trẻ đọc chứa nhiều đạo lý cao thâm, hơn nữa trong nhà còn có nhiều sách về thiên văn và đặc biệt là các cuốn sách quý hiếm của các bậc Thánh Nhân, do đó nhà vua đoán rằng Sư phụ của cậu bé này chắc hẳn là một bậc cao nhân, không phải là một người tầm thường. Do đó nhà vua hỏi cậu bé tên Sư phụ của cậu, cậu bé nói Sư phụ cậu tên là Doãn Thọ, nhà vua hỏi tiếp: “Khi nào Sư phụ của cháu về?” Cậu bé đáp: “Cháu cũng không rõ, có khi Sư phụ đi vài ngày, có khi đi tới cả tháng”.

Sau khi về kinh thành, ngay ngày hôm sau nhà vua lại dẫn theo đám tuy tùng đến căn nhà tranh của Doãn Thọ, tuy nhiên Doãn Thọ vẫn chưa về, vẫn chỉ có một mình đứa trẻ ở nhà. Nhà vua nói với đứa trẻ: “Vì ta bận việc ở kinh thành, không thể ở đây đợi Sư phụ, vậy ta để lại chút lễ vật ở đây, mùa xuân sang năm ta lại qua, nhờ cháu chuyển lời tới Sư phụ Doãn Thọ”. Đứa trẻ thấy vậy liền đáp: “Cháu nghe mọi người nói rằng ông là Thiên Tử, Sư phụ của cháu là người kín tiếng, không hay giao thiệp với người khác, đặc biệt là quý nhân, do đó những vật phẩm này cháu không dám nhận, xin nhà vua mang về cho”.

Thấy đứa trẻ nói vậy, có vị cận thần đứng cạnh vua toan nổi nóng: “Đứa trẻ này thật quá vô lễ, sao ngươi dám cự tuyệt tấm thịnh tình của nhà vua”. Thấy vậy nhà vua liền nói: “Không sao, đứa bé này biết phép tắc, đúng là đứa trẻ được ăn học đến nơi đến chốn, quả không hổ danh là học trò của một bậc cao nhân”

Sau khi trở lại triều đình, vua Nghiêu đem chuyện mình đến lều tranh của Doãn Thọ kể với các quan. Trong các quan trong triều đình, có hai vị biết Doãn Thọ. Họ nói “Doãn Thọ quả thực là một bậc cao nhân, đã tu đạo nhiều năm, là bậc hiền nhân, hết sức thanh bạch, không màng công danh, lợi lộc, đã nhiều lần hạ thần đã ngỏ ý muốn tiến cử ông, nhưng ông đều khéo léo từ chối”.

 Nghe vậy vua Nghiêu liền nói: “Xưa kia các bậc tiên đế anh minh đều là những người tôn sư trọng đạo, họ đều tìm đến các vị Thánh hiền để học đạo, do đó trẫm nay cũng noi gương các vị ấy, ta nhất định tôn Doãn Thọ làm Sư phụ, trẫm sẽ đến tận lều tranh của Doãn thọ để tầm sư học đạo. Các ngươi hãy đến gặp Doãn Thọ thưa chuyện trước, nếu được, mùa xuân năm sau ta sẽ đến tận nơi để bái Doãn thọ làm Sư phụ”. Hai vị quan bèn tuân lệnh.

Mùa xuân đến, nhà vua dẫn theo hai vị lịch quan đến núi Vương Ốc. Khi còn cách lều tranh một cự ly khá xa, vua Nghiêu đã xuống xe và cùng hai người đi bộ vào. Đến lều tranh chỉ thấy có một đồng tử đang đọc sách, thấy vậy nhà Vua hỏi đồng tử: “Sư phụ Doãn Thọ có nhà không?” Đồng tử liền chạy vào trong, một lát sau Doãn Thọ bước ra, ngay khi thấy nhà vua, Doãn Thọ lập tức hành lễ, thấy vậy nhà vua lập tức đỡ Doãn Thọ đứng lên.

 Doãn thọ liền nói: “Mấy lần trước Bệ hạ đến lều tranh của thảo dân, do có việc đi ra ngoài không thể tiếp đón, thảo dân xin Bệ hạ lượng thứ. Hơn nữa nghe học trò nói lại rằng Bệ hạ muốn tôn thảo dân làm Thầy, Doãn Thọ quả vô cùng lo lắng. Việc các bậc tiên đế trong lịch sử tầm sư học đạo là có, tuy nhiên, những người được tôn làm Sư phụ ấy đều là các bậc Thánh hiền, còn bản thân Doãn Thọ, chỉ là một thư sinh, học vấn đơn giản, ở chốn rừng sâu núi cao, đâu dám nhận đặc ân đó”.

Vua Nghiêu liền nói: “Đệ tử thực sự muốn tôn tiên sinh làm Sư Phụ, xin đừng từ chối tôi”. Sau đó nhà vua lập tức hành lễ. Doãn thọ vội vàng đáp lễ nhưng vẫn kiên quyết từ chối. Thấy vậy một vị lịch quan liền nói lớn. “Bệ hạ thực sự muốn học đạo, đã ăn trai tịnh sạch sẽ trước khi đến đây, xin tiên sinh đừng từ chối nữa”. Đến lúc này Doãn Thọ không thể từ chối được nữa đành đồng ý.

Sau đó Doãn Thọ mời nhà vua và hai vị lịch quan ngồi xuống, ông bắt đầu giảng về một số pháp lý và đạo lý, nghe xong vua Nghiêu và hai vị cận thần đều thấy hết sức mừng rỡ, hôm nay quả là họ đã may mắn gặp được cao nhân. Vua Nghiêu nói: “Đệ tử muốn tìm những bậc hiền tài để ra giúp nước”.

Nghe vậy Doãn Thọ đáp: “Vua anh minh và khiêm nhường như Bệ hạ quả là phúc cho bá tánh. Bệ hạ là tấm gương sáng, nhất định ngài sẽ thu phục được nhiều hiền tài trong thiên hạ. Trong thiên hạ hiện nay còn có các bậc Thánh nhân như Sào Phủ, Y Bạc Tử, Phương Hồi. Họ đều là những tiên sinh chân chính, ẩn cư”. Vua Nghiêu sau này đều lần lượt đến gặp các vị này để học hỏi.

Vua Nghiêu ở trong lều tranh một khoảng chừng nửa tháng, hàng ngày nghe Doãn Thọ giảng giải đạo lý, tối đến Doãn Thọ giảng giải các diễn hóa của thiên tượng và các hiện tượng thiên văn, địa lý cũng như các ngôi sao trên bầu trời. Sau đó bất kể xuân, hạ, thu, đông, hễ thu xếp được thời gian là nhà vua lại đến lều tranh để học đạo. Đối với Doãn Thọ vua Nghiêu luôn vô cùng cung kính, ông lúc nào cũng để Doãn Thọ ngồi trên còn ông ngồi dưới.

Doãn Thọ cũng giảng cho nhà vua nhiều đạo lý về trị quốc, về nhân nghĩa, thanh tịnh, vô vi, cũng như các pháp lý cao thâm. Vua Nghiêu tiếp thu rất nhanh và sử dụng những đạo lý học được vào trị quốc. Vua Nghiêu trị quốc trước hết là dựa trên thiên ý, ông đề cao đạo lý, ông cũng hết sức nhân từ và thương yêu dân chúng. Ông định ra luật pháp, trọng dụng nhân tài, do đó đất nước dưới sự trị vì của ông hết sức thanh bình và hòa ái.

“Sử ký” viết: Phẩm chất và tài trí của vua Nghiêu đều rất phi phàm, “kỳ nhân như thiên, kỳ tri như thần” (đức nhân của ngài như trời, trí của ngài như thần). Ông nêu cao tinh thần đạo đức, luôn lắng nghe ý kiến người dân, để lại cho hậu nhân một tấm gương về tinh thần tôn sư trọng đạo.

Minh Huệ Kiên Chính biên tập