“Vấn qua tắc hỷ” (Vui mừng khi được chỉ ra lỗi lầm) là một điển cố nổi tiếng kể về chuyện học trò Tử Lộ của Khổng Tử mỗi khi được người khác chỉ ra lỗi sai của bản thân thì cảm thấy vô cùng vui mừng, đó là biểu hiện chính thường của một người có tu dưỡng.
Văn hoá truyền thống giúp con người trau dồi đạo đức đều rất coi trọng việc này. Tuy nhiên tại xã hội ngày nay, những câu chuyện về “nói một cãi hai”, “bực dọc không thôi”, “ấm ách không chịu” đâu đâu cũng xuất hiện, chúng lại chính như boomerang xoáy ngược trở lại làm tổn thương sâu sắc tinh thần của mỗi người. Làm sao để khiến tâm tình thoáng đãng, tấm lòng thảnh thơi và nội tâm an hoà mỗi khi bị chỉ ra lỗi lầm? Chúng ta hãy cùng xem một số điển tích dưới đây:
Triết gia Nho giáo nổi tiếng Mạnh Tử khi giảng cho học trò của mình về việc vui mừng khi nhận được ý kiến phê bình đã nhắc đến ba tấm gương nổi tiếng đó là vua Thuấn, vua Vũ và học trò của Khổng Tử là Tử Lộ. Trong cuốn Mạnh Tử ông có viết: “Tử Lộ khi được người chỉ ra lỗi thì rất vui mừng. Vua Vũ khi nghe được lời đóng góp thiện ý liền kính lễ. Vua Thuấn vĩ đại lại càng như thế, ông thường rất giỏi khi làm việc cùng người khác, vứt bỏ khuyết điểm của bản thân, học tập ưu điểm của mọi người, vô cùng vui mừng khi tiếp thụ sở trưởng của người khác để khiến công việc trở nên hoàn thiện.
Từ khi làm ruộng, rồi làm gốm sứ, chài lưới cho đến tận khi làm Đế Vương, ông vẫn luôn không ngừng học hỏi người khác. Tiếp thụ ưu điểm của họ để làm việc, cũng chính như cùng họ hoàn thành công việc được tốt đẹp. Điều quan trọng nhất của người quân tử chính là có thể cùng người làm việc được tốt”.
Trong lịch sử cũng có không ít những vị Hoàng đế đức hạnh luôn biết tiếp thu sự can gián và ý kiến của các đại thần mà trị vì đất nước vững mạnh, dân chúng hạnh phúc no đủ. Hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân là một ví dụ nổi trội. Năm Trinh Quán thứ 18, vua Đường Thái Tông đã hỏi các quần thần của mình rằng: “Hiện giờ ta muốn nghe các khanh nói về những sai lầm và khuyết điểm của mình, các khanh nhất định phải nói rõ”.
Các đại thần thuộc nhóm Trưởng Tôn Vô Kỵ đều đồng tình nói: “Bệ hạ đức độ giáo hóa dân chúng, thiên hạ thái bình ấm no, nào có lỗi lầm gì ạ!”.
Tuy nhiên quan hầu Lãi ngu hầu Lưu Ký lại thưa rằng: “Thánh đức của Người đúng như Trưởng Tôn Vô Kỵ nói, nhưng gần đây thần thấy khi có người dâng thư, Bệ hạ lại thấy không vừa lòng, ngay ở trước mặt họ mà hỏi vặn, khiến người dâng thư xấu hổ xin cáo lui. Thần cho rằng đó không phải là cách đối đãi cho những lời góp ý”.
Hoàng đế Đường Thái Tông nghe xong lời góp ý của Lưu Ký liền vui vẻ nói: “Khanh nói đúng! Trẫm nhất định sẽ sửa chữa”.
Khiêm tốn tường hoà, vui vẻ khi nhận lỗi đều khiến tâm cảnh của con người thăng hoa, nội tâm an định. Trái lại phát tiết bực bội, căm phẫn bất bình trái lại sẽ khiến chúng ta hao tổn tinh thần. Thông qua xem xét có thể thấy một số trạng thái không tốt sẽ xuất hiện khi nhận được ý kiến trái chiều hay những lời góp ý của người khác với mình như sau:
- Tức giận khi bị chỉ ra lỗi lầm
Khi người khác chỉ ra chỗ sai sót hay đàm luận về khuyết điểm của bản thân thì chúng ta ngay lập tức cảm thấy bực bội khó chịu, thậm chí còn có thể buông lời trách móc, làm đối phương xấu hổ. Nếu quả thực bạn không thực sự sai lầm như họ nói, bạn vẫn nên kiềm chế cảm xúc bản thân, không biểu hiện ra ngoài thì đó cũng là bước đầu trong việc tu dưỡng tự thân rồi.
- Biện hộ khi bị chỉ ra chỗ thiếu sót
Bạn cũng biết rằng bác bỏ khi người khác chỉ ra chỗ thiếu sót là không đúng, tức khí đáp trả cũng là không đúng, vậy nên thường có mánh khóe gian xảo hơn như dùng những cách giải thích khác nhau, rằng lúc đó tại sao bản thân lại làm như vậy, hoàn cảnh lúc đó như thế này hay như thế kia, chứng minh bản thân vẫn có chỗ nào đúng đắn. Đó cũng không phải là tâm thái mà một người có đức hạnh nên có. Người có tu dưỡng sẽ lập tức hướng nội, xem xét kỹ mình thực sự đã sai chỗ nào, khiến người khác thấy không hay mà góp ý như vậy.
- Ngang ngạnh khi bị chỉ ra chỗ thiếu sót
Trường hợp điển hình nhất ví như cùng trong một đơn vị công tác,khi đồng nghiệp chỉ ra chỗ sai cho mình, không những tự thân không tiếp thu sửa đổi mà còn âm thầm “đấu tranh ngầm”, ví như những việc cần phải cùng nhau giải quyết trái lại bạn sẽ không làm nữa, trừ khi thấy họ hạ giọng hay xin lỗi mới tiếp tục công việc. Điều này đáng tiếc lại rất thường hay xảy ra.
- Tâm lý tiêu cực, bài xích người chỉ ra chỗ thiếu sót cho mình
Một số người khi bị chỉ ra lỗi sai thường cảm thấy tự ti, thống khổ quá mức, dần dà càng lâu về sau họ lại xuất hiện cách “bài xích”, hơn nữa còn có thể âm thầm lôi kéo những người khác không kết thân với người chỉ ra lỗi sai kia. Các bậc cổ nhân xưa đều không coi trọng những người như vậy.
Nếu như có thể gạt bỏ những thứ xấu ra khỏi tự thân, chiểu theo các bậc cổ nhân tu dưỡng tự mình, nhất định bạn sẽ cảm nhận được “tấm lòng thoáng đãng rộng lớn như biển khơi”.
Nguồn NTD.com
Đường Vân