Nguồn: tansinh.net

Văn Hóa

Không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài

By Đăng Dũng

August 21, 2020

Có người tướng mạo chẳng hề đặc biệt, nhưng họ có năng lực, ý chí và một trái tim chân thành. Cũng có người tài năng cũng không xuất chúng, nhưng họ lại toát ra sự thanh cao lạ kỳ.

Tử Vũ là một trong những đệ tử của Khổng Tử, anh vốn có dung mạo xấu xí, dáng vẻ ngu dốt, chậm chạp, vụng về. Lần đầu tiên gặp Khổng Tử, ấn tượng của Khổng Tử đối với anh không được tốt lắm, ông cho rằng trong việc học anh ta sẽ rất khó tiến bộ. Ngược lại với Tử Vũ là Tể Dư. Anh có tướng mạo đường đường, nho nhã lễ phép, lại giỏi ăn nói. Lần đầu tiên Khổng Tử trò chuyện với Tể Dư liền đánh giá rằng rằng Tể Dư sau này nhất định sẽ có thành tựu, là một nhân tài hiếm có.

Chẳng ngờ rằng Tử Vũ tuy xấu xí chậm chạp nhưng lại rất có lòng say mê cầu học, siêng năng nỗ lực, cuối cùng đã trở thành một học giả nổi tiếng. Sau này còn có rất nhiều thanh niên xin bái ông làm thầy. Tể Dư tuy có tài còn ưu nhìn nhưng lại không hiếu học, tính tình thì lười biếng, thành tích học tập không chút tiến bộ. Dù Khổng Tử đã năm lần bảy lượt dạy dỗ, khuyên bảo nhưng Tể Dư vẫn chẳng động tâm.

Chính vì điều này, Không Tử đã cảm thán rằng: “Đánh giá một người qua dung mạo ư? Sẽ sai lầm giống như phán đoán Tử Vũ đó. Đánh giá một người qua ăn nói ư? Sẽ sai lầm giống như phán đoán Tể Dư đó.”

Ngoại hình chính là thứ không thể lựa chọn từ khi sinh ra, có người thì xấu xí, người thì xinh đẹp. Tuy vậy, có người tướng mạo chẳng hề đặc biệt, nhưng họ có năng lực, ý chí và một trái tim chân thành, khi tiếp xúc lâu chúng ta lại thấy rất vừa ý. Cũng có người tài năng cũng không xuất chúng, nhưng chúng ta lại cảm thấy tin tưởng họ, ở bên họ cảm nhận được sự an toàn, gần gũi.

Một chính nhân quân tử, chưa hẳn đã có vẻ ngoài xuất sắc, nhưng chắc chắn ở họ ta sẽ cảm nhận được cái khí chất phi phàm. Tào Tháo có lần phải tiếp sứ giả Hung Nô, thấy mình có dáng người nhỏ bé, tướng mạo không được xuất chúng, liền để Thôi Quý Khuê có dáng người cao lớn đóng thế mình tiếp đón. Còn Tào Tháo lại vào vai Thôi Quý Khuê, cầm một thanh kiếm, giả làm lính hầu đứng bên cạnh.

Khi sứ giả Hung Nô đã về, Tào Tháo phái người do thám tình hình, dò hỏi sứ giả: “Ông thấy Ngụy vương là người thế nào?”. Vị sứ giả trả lời: “Đại vương dung mạo trang nghiêm, cử chỉ nho nhã, nhưng người cầm kiếm đứng cạnh ông ta mới thực sự là anh hùng”. Tào Tháo tuy tướng mạo nhỏ bé, dù có đóng giả làm lính hầu thì khí chất anh hùng vẫn toát lên mạnh mẽ, không thể che giấu được.

Không nên đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài

Trong “Phật học cố sự tập” câu chuyện như sau: Thời khi Đức Phật còn tại thế, ở Thành Xá Vệ có một người phụ nữ làm công việc quét dọn, dù bà rất chăm chỉ cần cù nhưng vì công việc làm bà lúc nào cũng dơ bẩn nên người dân đều không thích gần gũi bà. Hễ thấy người phụ nữ này, mọi người không khỏi biểu lộ sự khó chịu trên nét mặt và nhanh chóng bịt mũi khi đi qua. Nhưng Đức Phật không ruồng bỏ người bà và còn đặc biệt muốn bà đến nghe Ngài giảng Pháp, hơn nữa còn khuyến khích bà nỗ lực tinh tấn.

Người trong thành không tán đồng cách làm của Đức Phật. Vì thế, họ nhanh chóng thỉnh vấn Đức Phật rằng: “Chúng tôi kính ái Phật Đà nhất! Ngài luôn nói những lời thanh sạch, dạy mọi người phải làm được hành vi thanh tịnh, nhưng Ngài vì sao lại muốn nói chuyện với người phụ nữ bẩn thỉu như vậy? Ngài lẽ nào không cảm thấy chán ghét sao?”.

Đức Phật sau khi nghe xong, thì rất nghiêm túc nhìn những người này, tiếp theo mới nói: “Người phụ nữ đó làm việc chăm chỉ khó nhọc, nỗ lực giữ gìn sạch sẽ cho thành thị, cống hiến của bà ta đối với xã hội cực kỳ lớn. Huống chi bà không chỉ cần cù khổ nhọc, làm việc rất có trách nhiệm mà thái độ lại còn khiêm nhường, mọi người sao lại không thích bà chứ?”.

Chính tại lúc đó, người phụ nữ làm công việc quét dọn đã tắm rửa sạch sẽ, lại thay một bộ y phục sạch sẽ, rạng rỡ tiến đến diện kiến mọi người. Đức Phật khi thấy điều này, tiếp tục nói: “Bề ngoài của các người tuy rằng sạch sẽ, nhưng thể hiện lại kiêu ngạo vô lễ, tâm trí dơ bẩn. Mọi người nên biết rằng, bẩn thỉu bên ngoài có thể dễ dàng tẩy rửa, nhưng nếu trong tâm dơ bẩn, đó mới là điều khó thay đổi”.

Sau khi nghe những lời của Đức Phật mọi người đều cảm thấy rất hổ thẹn vì sai lầm của mình, từ đó về sau không dám cười nhạo người khác như thế nữa.

Trong số tất cả vẻ đẹp trên thế gian, thì vẻ đẹp của nhân phẩm chính là vẻ đẹp thanh cao nhất. 

Minh Hoàng T/H

Nguồn: https://www.dkn.tv/