Dù tài xế có đủ mã QR và báo với chốt kiểm dịch là “hàng thiết yếu”, song nhiều xe chở trứng, thịt tại TP. HCM vẫn bị chặn sau 18h.
Ngày 3/8, Hội Lương thực thực phẩm TP. HCM (FFA) thông tin về những bất cập trong việc sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” và kiến nghị các giải pháp lưu thông hàng hóa trong thời gian tới, theo VnExpress.
Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội lương thực, thực phẩm TP.HCM cho biết, khi các tỉnh, thành phố áp dụng Chỉ thị 16, các doanh nghiệp nhiều nơi đều gặp khó khăn trong vận chuyển nội thành và liên tỉnh, nhất là khi qua các chốt kiểm soát.
Cụ thể, TP. HCM đang thực hiện giới nghiêm, cấm người dân ra đường từ 18h đến 6h sáng hôm sau, chỉ các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông.
Tuy nhiên, trên thực thế, nhiều doanh nghiệp giao hàng thiết yếu như thịt, trứng… cũng không qua được các chốt kiểm soát. Điển hình là chốt kiểm dịch đường M1 từ KCN Tân Bình ra quốc lộ, xe giao thịt trứng.. không qua được, dù đã được cấp mã QR và đang chở hàng thiết yếu, buộc tài xế phải ngủ lại trên xe chờ.
Tương tự, đại diện công ty thực phẩm Vissan cho hay, đặc thù của công ty là hoạt động vào ban đêm, khoảng 1-2h sáng là phải vận chuyển thịt heo ra điểm bán để pha lóc ra chuẩn bị 5-6 h sáng bán. Song, xe tải có nhận diện của Vissan thì di chuyển được, còn các xe của các đơn vị tư nhân khác lại không. Giấy tờ Vissan đăng ký cho các xe chở hàng có nơi cho qua, nơi lại không.
Hoặc như có nhiều siêu thị từ 15h chiều đã không nhập hàng nữa, nhiều doanh nghiệp không thể kịp giao hàng hết cho hệ thống siêu thị trong 8 tiếng đồng hồ.
Còn các cơ sở sản xuất bánh mỳ, vẫn còn tình trạng, các địa phương bắt đóng cửa vì cho rằng đó không phải là thực phẩm thiết yếu.
Do đó, Chủ tịch FFA kiến nghị, thành phố cần cụ thể và thống nhất các quy định đến địa phương, tránh tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Trước phản hồi này, giới chức TP. HCM yêu cầu FFA thông tin lại đến các doanh nghiệp, hiện TP không có văn bản nào cấm các cơ sở, sản xuất bánh mì, bún, đậu hũ… hoạt động khi thực hiện giãn cách xã hội. Các mặt hàng này là hàng lương thực, thực phẩm nên được phép hoạt động, sản xuất, lưu thông.
Khi quạt, bếp gas, tủ lạnh… gặp khó vì không phải là ‘hàng thiết yếu’
Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM hôm 29/7 cho biết, thời gian qua, nhiều chốt kiểm dịch nhận định mặt hàng thiết yếu chủ yếu tập trung vào lương thực, thực phẩm, do đó không cho những hàng tiêu dùng với cá nhân qua chốt.
Theo ông Phương, một số mặt hàng như bột giặt, kem đánh răng, giấy vệ sinh, chất tẩy rửa… đang còn gặp khó khăn trong lưu thông hàng hóa.
Tương tự là tủ lạnh, nhiều người cho rằng đây là mặt hàng rất thiết yếu trong bối cảnh 2-3 ngày người dân mới đi mua sắm một lần, nhất là để dự trữ các mặt hàng tươi sống như rau, thịt cá, theo Zing.
Còn bà Vũ Thị Hậu – Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam – nhận định không nên đưa ra khái niệm “hàng hóa thiết yếu” nữa, vì nó có thể thiết yếu cho người này, nhưng lại không thiết yếu cho người khác.
Công văn 4481 của Bộ Công Thương ngày 27/7 quy định 4 nhóm hàng hóa thiết yếu. Nhóm thực phẩm bao gồm: Nước uống đóng chai, thực phẩm chức năng, phụ liệu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm; Dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm…Ngũ cốc, ngũ cốc đã sơ chế; Thịt và các sản phẩm từ thịt, thủy sản và sản phẩm thủy sản.
Cùng với đó là các loại rau, củ quả và sản phẩm rau, củ quả; trứng và các sản phẩm từ trứng; sữa tươi nguyên liệu; Mật ong và sản phẩm từ mật ong, muối, gia vị… và các nông sản thực phẩm khác như hạt hướng dương, hạt bí, mộc nhĩ, tổ yến…Ngoài ra, nước giải khát, sữa chế biến, các loại sữa dạng lỏng, sữa dạng bột, kem sữa, bơ, pho mát và các sản phẩm khác từ sữa chế biến… Cùng với đó là các loại dầu, bột và tinh bột, bánh, mứt kẹo…