Những suy nghĩ của người tiêu dùng khi xử dụng xe máy bật đèn cả ngày, cũng có những mặt lợi cũng có mặt không tốt. Dưới đây là những chia sẻ của người dùng:
Câu chuyện thứ 1:
Tưởng như chiếc Honda Lead bản 2020 của tôi đã đi trước thời đại và tôi là người tiêu dùng thông thái. Thế nhưng, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chính thức “khai tử”, tôi từ kẻ đi trước thời đại thành người “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Đọc bài viết “Xe máy Honda không có công tắc bật/tắt đèn: Lợi bất cập hại!” trên Báo Thanh Niên, tôi hoàn toàn đồng cảm với tác giả Hoàng Minh Giang – vì tôi cũng là chủ nhân của một chiếc Honda Lead không thể tắt đèn và đã gặp những tình huống dở khóc dở cười.
Do nhu cầu sử dụng nên giữa năm 2020 tôi đã mua một chiếc Honda Lead bản sản xuất năm 2020 khi Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến người dân. Trong bản Dự thảo đó đáng chú ý nhất là Điểm 3 Điều 27 quy định xe máy khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất, hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.
Lúc mua, tôi khá hài lòng vì mẫu xe mới này có thiết kế khác biệt các mẫu xe cũ ở chỗ không có công tắc bật tắt đèn chiếu sáng mà chỉ có nút chỉnh chế độ sáng xa gần. Chỉ cần nổ máy là đèn xe tự khắc bật sáng, có muốn tắt cũng chẳng được.
Là một công dân có ý thức chấp hành pháp luật tốt nên tôi hoàn toàn tin tưởng vào những lập luận của Bộ Giao thông Vận tải rằng các quy định (trong dự luật Giao thông đường bộ sửa đổi) về bật đèn xe được tham khảo từ Công ước về biển báo và tín hiệu đường bộ (Công ước Vienna 1968), trong đó quy định bật đèn xe máy cả ngày nhằm tăng nhận diện, giúp người điều khiển ô tô dễ dàng nhận diện các phương tiện lưu thông. Đặc biệt, xe tải, xe container thường có điểm mù mà tài xế khó phát hiện ra nếu xe máy đi vào điểm mù đó, việc bật đèn sẽ giảm thiểu được các hạn chế này, giảm tai nạn.
Hiện nay có 7/10 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đã quy định bật đèn chiếu sáng phía trước khi lưu thông. Như vậy, chiếc Honda Lead bản 2020 của tôi chắc chắn đã đi trước thời đại, nhà sản xuất đã có tầm nhìn xa trông rộng và tôi là người tiêu dùng thông thái, bắt kịp xu hướng.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, chỉ một tuần sau khi mua xe, quy định phải bật đèn xe khi tham gia giao thông kể cả ban ngày trong bản Dự thảo đã chính thức bị “khai tử” và tôi từ kẻ đi trước thời đại thành người “cầm đèn chạy trước ô tô”.
Mỗi ngày ra đường tôi thường xuyên được những người tốt bụng nhắc nhở “tắt đèn xe đi em” hay “quên chưa tắt đèn kìa”. Có người chạy xe ngược chiều không nói gì nhưng chỉ vào tôi rồi gõ gõ vào đèn xe của họ ý muốn nhắc tôi tắt đèn. Cứ đi được một đoạn lại nhận được một lời nhắc nhưng tôi chẳng thể dừng xe để giải thích tự cái xe nó bật đèn, tôi muốn tắt mà không được nên đành cười trừ và gật đầu cám ơn. Ngại nhất là lúc chạy xe vào chợ, nhiều người bán hàng bị xe tôi chiếu chói mắt, có người khó chịu cằn nhằn “tắt cái đèn đi”. Có anh thợ sửa chữa xe máy tư vấn cho tôi nên độ chế thêm một công tắc để bật tắt đèn với giá vài trăm ngàn và chỉ cần vài phút là xong. Lời đề nghị khá hấp dẫn nhưng nghĩ đến chuyện thay đổi kết cấu ban đầu của xe nhất là lại có liên quan đến hệ thống điện biết đâu lại gây ra nguy cơ cháy nổ nên tôi e ngại, thôi cứ có sao để vậy cho an toàn.
Dẫu biết rằng các hãng sản xuất xe máy và cả những người làm luật có lý do của mình khi yêu cầu và điều chỉnh thiết kế cho xe máy phải bật đèn kể cả ban ngày, nhưng giá như các hãng xe vẫn giữ nguyên công tắc bật tắt đèn thay vì xóa sổ nó thì người điều khiển xe như tôi đỡ phải rơi vào tình thế dở khóc dở cười khi chẳng thể tắt đèn xe. Còn trong trường hợp đã lỡ sản xuất và bán ra thị trường rồi thì Honda Việt Nam cũng nên nghiên cứu cách khắc phục sao cho vừa đảm bảo an toàn vừa tránh gây phiền phức cho người sử dụng. Chuyện bật hay tắt đèn xe máy tưởng dễ hóa ra lại khó đến thế.
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP. Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk.
Câu chuyện thứ 2
Chưa kịp nhận ra những “cái lợi” của việc loại bỏ công tắc bật/tắt đèn trên xe máy, tôi đã phải hứng chịu quá nhiều “cái hại”.
Cách đây mấy tháng, tôi có mua một chiếc xe máy hiệu Honda RSX đời mới giá hơn 20 triệu đồng. Phải nói, tôi khá ưng chiếc xe, đặc biệt là kiểu thiết kế gọn gàng trên phiên bản mới này. Mặc dù vậy, có một điều khiến tôi hụt hẫng và bực mình khi chiếc RSX mới này lại không có công tắc bật/tắt đèn như các xe máy thông thương ở Việt Nam từ trước đến nay mà tôi vẫn hay sử dụng. Và do không để ý kĩ khi kiểm tra, giao nhận xe, tôi chỉ phát hiện ra thiếu sót này sau khi đã rước xe về nhà.
Chuyện cũng không đến nỗi nào nếu chỉ dừng lại ở đây. Thế nhưng, liên tục những ngày sau đó, đặc biệt mỗi buổi sáng lái xe đi làm, hầu như ngày nào tôi cũng “bị” nhắc nhở về chuyện… quên tắt đèn xe. Thậm chí gần đây, nhiều đêm đi về, khi đi vào hẻm hay về dãy trọ, tôi cũng nhiều lần bị “cằn nhằn” nặng nhẹ vì “không ý tứ” tắt đèn xe, khiến đèn chiếu thẳng vào người khác rất nhức mắt.
Tất nhiên, những vụ việc này không gây ra hậu quả quá nghiêm trọng. Mỗi lần bị nhắc nhở, tôi vẫn sẽ nói cảm ơn vì ý tốt từ người khác. Hoặc mỗi lần bị “phàn nàn” tôi vẫn có thể giải thích rằng “xe không có công tắc tắt đèn”. Thế nhưng, kì thực tôi không thể không bực mình vì lâu lâu lại bị “nhắc nhở” như thế, trong khi rõ ràng lỗi không phải do tôi. Chiếc xe tự động sáng đèn khi nổ máy thì tôi có thể làm gì? Không lẽ cứ mỗi lần đi ban đêm, qua những nơi đông người hoặc hẻm trọ, tôi phải nhảy xuống tắt máy xe dẫn bộ? Hay tôi phải cởi áo khoác bịt đèn lại để tránh gây “nhức mắt” cho người khác?
Chưa hết, cách đây hai tuần, tôi nghe lời cậu bạn ra tiệm sửa xe “độ” lại công tắc. Mặc dù vậy, thêm một lần nữa tôi cảm thấy “ấm ức” vì số tiền phải bỏ ra lên đến 600 ngàn đồng. Trong khi, tôi cũng biết rõ việc độ lại công tắc bật/tắt đèn này có thể dẫn đến một số rủi ro như chập điện, hư hỏng. Ngoài ra, tôi cũng rất lo lắng vì nếu sau này đi bảo dưỡng, có thể tôi còn bị đại lý “khó dễ” do đã mang xe đi “độ” lại bên ngoài. Mặc dù vậy, để tránh việc liên tục bị làm phiền, không còn cách nào khác tôi buộc phải làm như vậy.
Tất nhiên, trường hợp của tôi cũng đã xong xuôi rồi. Tuy nhiên thông qua bài viết này, tôi muốn chia sẻ về những bất cập trong việc thiết kế của mẫu xe RSX mới để những người cùng rơi vào trường hợp tương tự như tôi cùng lên tiếng phản ánh. Hy vọng hãng xe Honda Việt Nam có thể “rút kinh nghiệm” và có những sửa chữa kịp thời. Để it nhất những người mua xe này sau này không gặp phải những phiền hà như tôi.
Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một người đang sống và làm việc tại TP.HCM.
Biên tập: Lan Hương
Nguồn: thanhnien.vn