Cảm Ngộ Nhân Sinh

Xử lý sự việc không nhìn vào nhất thời mà phải nhìn lâu dài

By Đăng Dũng

May 02, 2021

Sự việc không chỉ nhìn trước mắt, mà phải nhìn trào lưu nảy sinh về sau; không nhìn vào nhất thời mà phải nhìn lâu dài, không nhìn vào bản thân mà phải nhìn vào ảnh hưởng đối với xã hội.

Trong cuộc sống khi làm bất cứ việc gì cũng cần suy xét kỹ càng, đừng vì lợi ích nhỏ nhoi trước mắt mà quên đi những lợi ích lâu dài, đừng vì lợi ích của bản thân mà phải nghĩ đến những người khác, nghĩ đến ảnh hưởng cho đời sau.

Thời Xuân Thu, Khổng Phu Tử có hai người học trò, một người là Tử Cống còn người kia là Tử Lộ. Tử Cống vì là một thương gia lớn, cho nên thường đi làm ăn ở nước khác. 

Nước Lỗ có một quy định, chỉ cần gặp người đồng hương bị bán làm nô lệ ở nước khác thì anh có thể chuộc họ về và tiền chuộc đó sẽ do nhà nước chi trả. 

Luật pháp thế này có tốt không vậy? Vô cùng tốt! Đã làm thức tỉnh mỗi người dân yêu thương và giải cứu đồng bào của mình. Tử Cống chuộc người về nước, khi quan phủ trả tiền chuộc cho anh, Tử Cống lại không nhận, người thường sẽ thấy Tử Cống rất cao cả, không cần tiền chuộc. 

Nhưng Tử Công đến trước Phu Tử, thì ngài liền phê bình ông: “Tử Cống, con làm thế này là sai rồi”. Người dân nước Lỗ rất nghèo khổ, khi họ đến nước khác thấy đồng bao của mình, họ sẽ suy nghĩ: “Nếu mình chuộc anh ta về, mình mà lấy tiền chuộc thì có vẻ thấp kém hơn Tử Cống”. Anh ta sẽ phải đắn đo, vì anh ta nhận tiền chuộc thì không được cao cả như Tử Cống, nhưng nếu không lấy tiền chuộc, tình hình kinh thế lại rất eo hẹp, cuộc sống gia đình sẽ khó khăn. 

Đương nhiên khi cứu người anh ta sẽ chần chừ, như thế sẽ có ảnh hưởng không tốt. Giả sử có một trăm người cứu người, trong đó có một người chần chừ, thì rất có khả năng sẽ không thể chuộc được đồng hương về. Cho nên, Phu Tử nói: “Con làm thế này sẽ có xu hướng không tốt”.

Một ngày kia, Tử Lộ đang đi trên đường, đúng lúc gặp một người bị chết đuối, Tử Lộ thấy được lập tức nhảy xuống cứu anh ta lên. Người được cứu trong lòng vô cùng cảm kích, liền đem bò nhà mình tặng cho Tử Lộ, Tử Lộ cũng rất vui liền dắt bò về. 

Khổng Phu Tử biết được liền khen Tử Lộ rằng, sau này người nước Lỗ sẽ có rất nhiều người dũng cảm đi giúp đỡ người khác, giải cứu tính mạng cho người khác, vì việc làm của Tử lộ cho thấy làm người ta cảm nhận sâu sắc rằng người làm điều thiện ắt sẽ có thiện báo. 

Thông thường người ta sẽ cảm thấy Tử Cống không nhận tiền chuộc là chính xác, Tử Lộ nhận bò dường như không cao thượng như Tử Cống. 

Nhưng Phu Tử quan sát sự việc không chỉ nhìn trước mắt, mà phải nhìn trào lưu nảy sinh về sau; không nhìn vào nhất thời mà phải nhìn lâu dài, không nhìn vào bản thân mà phải nhìn vào ảnh hưởng đối với xã hội.

Trong cuộc sống của chúng ta cũng vậy, nhiều lúc chúng ta cho rằng làm như thế này là đúng, nhưng nếu đứng ở cảnh giới cao hơn để xét thì có thể không đúng. 

Cũng như Tử Cống nghĩ rằng mình không nhận tiền chuộc từ đất nước là việc làm cao cả, nhưng đó là cái nhìn được trước mắt. Bởi nếu Tử Cống làm vậy thì sẽ tạo thành tiền lệ xấu cho những người sau này, vì khi người ta cứu người, họ nghĩ họ nhận tiền thì không được cao quý như Tử Cống nên sẽ rất ngại bỏ tiền chuộc cứu người.

Nguồn: detuquy.com

Chân Kiến biên tập