Tin Tức

Xuất hiện các sự việc không mong muốn tại Đà Nẵng trong thời gian áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội

By Truong Phong

August 24, 2021

Đà Nẵng đã có cố gắng nhất định trong thực hiện các phương án cung ứng lương thực, thực phẩm thiết yếu đến người dân trong thời gian áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội. Nhưng đến nay đã xuất hiện các tình huống không mong muốn, như trường hợp người dân bị thực phẩm hôi thối, ngả màu hay sự quá tải của các đơn vị cung ứng trong những ngày qua.

Kể từ 8h ngày 16/8 Đà Nẵng chính thức dừng tất cả các hoạt động trên địa bàn TP. Đà Nẵng, thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu ở đó”, người dân không được ra khỏi nhà, thực hiện cách ly tuyệt đối nhà với nhà. Dự kiến ban đầu biện pháp này sẽ áp dụng trong 7 ngày nhưng do diễn biến dịch bệnh nên được kéo dài thời gian thực hiện.

Chính quyền Đà Nẵng cam kết cung ứng đủ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trong thời gian trên. Tổ trưởng và trưởng thôn và chính quyền cấp xã được xác định là đầu mối quan trọng để cung ứng lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu khác.

Các Tổ trưởng dân phố được xác định là cầu nối chủ yếu với người dân trong thời gian siết chặt giãn cách. Ảnh: thoidai

Trước thời điểm siết chặt giãn cách nhiều hộ dân đã chủ động mua sắm tích trữ lương thực, thực phẩm cho thời gian 7 ngày. Những ngày đầu mọi thứ vẫn bình ổn, đến ngày 20/8 bắt đầu xuất hiện các sự kiện đáng quan tâm:

Có trường hợp người dân nhận thịt thối đã ngả màu

Trường hợp bà H.T.T. trú Thanh Khê ( Đà Nẵng) phản ảnh việc bà và những hộ dân khác trong Tổ dân phố nhận được thịt rất kém chất lượng, hôi thối, ngả màu xanh.

Cụ thể, ngày 20/8 bà đăng ký với tổ dân phố 2 combo do Công ty TNHH TM&DV H.T cung cấp. Đến chiều 21/8, đơn hàng được bác tổ trưởng tổ dân phố giao đến nhà, nhưng khi bà mở ra kiểm tra thì phát hiện sản phẩm không đúng đơn đặt hàng và thịt kém chất lượng như nói trên.

Về sự việc này, phía Công ty H.T. giải trình có thể do thời gian tổ cung ứng của phường giao đến hộ dân kéo dài trong điều kiện thời tiết nóng dễ ảnh hưởng chất lượng hàng hóa.

Trao đổi với báo giới, ông Đoàn Quang T. đại diện công ty nói: “Sự cố này tôi không nói lỗi của ai. Dịch bệnh, phong tỏa cứng thế này mà yêu cầu phường giao đến người dân kịp thời thì đúng là khó cho họ, vì phường không có xe chuyên dụng bảo quản thực phẩm.”

Ảnh phần thị thối mà chị T. tại Thanh Khê, Đà Nẵng đã phản ánh. Ảnh: zing

Phía Công ty cung ứng thực phẩm cũng có cam kết hoàn lại tiền cho những hộ dân nhận phải thịt không đúng yêu cầu và chất lượng. Hiện Đà Nẵng cũng đó có những hình thức xử lí và yêu cầu Công ty này tạm dừng cung ứng thực phẩm.

Tổ trưởng dân phố bị chấn thương sọ não trong lúc giao rau củ cho người dân

Trưa ngày 21/8, ông Hứa Văn Tráng (SN 1966), tổ trưởng dân phố 49, phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng, bị té ngã do va chạm giao thông trên đường giao rau củ quả đến người dân. Kết quả ông Tráng bị chấn thương sọ não.

Bà Lê Thị Ngọc Thủy, Chủ tịch UBND phường Hòa An xác nhận với báo giới việc ông Tráng bị tai nạn giao thông khi đang trên đường giao rau củ quả cho người dân trong thời gian thực hiện “ai ở đâu thì ở đó”. Theo bà Thủy thì quận Cẩm Lệ đã nhanh chóng có hỗ trợ việc chữa trị ban đầu cho ông Tráng với số tiền là 25 triệu đồng.

Sáng 24/8, bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng cho biết ông Tráng bị chấn thương sọ não, máu tụ đông não, bệnh viện đã phẫu thuật xong nhưng hiện tại bệnh nhân vẫn còn hôn mê và phải thở máy.

Hiện nay nhiều người dân đang bày tỏ sự quan tâm và chia sẻ về sự cố đáng tiếc này.

Tình trạng quá tải tại các của hàng, siêu thị

Tại cuộc họp giao ban với Chính phủ sáng 21/8, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng ông Lê Trung Chinh cho biết, Thành phố Đà Nẵng đã quyết định kéo dài thêm 3 ngày phong tỏa cứng toàn thành phố kể từ 8 giờ ngày 23/8.

Trước đó vào chiều ngày 20/8, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất chủ trương cho khoảng 900 shipper trên địa bàn hoạt động trở lại để phục vụ nhu cầu đặt hàng lương thực, thực phẩm của người dân trong thời gian “ở yên trong nhà”. Với điều kiện các Shipper phải đảm bảo điều kiện về phòng chống dịch và có thẻ do Công an thành phố cấp. Thời gian hoạt động cũng được giới hạn không quá 20h.

Măc dù cho Shipper hoạt động trở lại để hỗ trợ giao nhận lượng thực, thực phẩm được đánh giá là giải pháp hợp lý, nhưng tính đến ngày 24/8 theo ghi nhận từ phản ánh của người dân Đà Nẵng thì có hiện tượng quá tải tại các cửa hàng hay siêu thị được phép bán hàng và thực hiện các hoạt động giao nhận đến người dân.

Coopmart là một trong những đơn vị cung ứng trong thời gian siết chặt giãn cách.

Có rất nhiều người phản ánh gặp khó khăn và không thể thực hiện đặt và mua hàng tại các siêu thị và được báo thông cảm vì quá tải. Nhiều người dự trữ lương thực cho thời gian 7 ngày cũng tỏ ra bị động khi TP. Đà Nẵng thông báo kéo dài thời gian giãn cách.

Chị N.T.K.C phản ánh lên Nhóm quản lý đô thị Đà Nẵng: Xanh –Sạch – Đẹp: “ Tại sao các trang đặt hàng siêu thị ko ( không) trang nào đặt được cứ báo quá tải, vậy đến khi nào mới đặt hàng được, trong khi các Combo đưa về tổ dân phố để đăng ký mua thì ko thiết thực…”

Một số ý kiến khác cũng đồng tình:“ Đặt app nào cũng quá tải, đặt qua tổ trưởng thì cả tuần mới nhận được hàng”, “Tổ trưởng toàn cô chú lớn tuổi họ quá tải thật sự rồi”, có ý kiến thì đề xuất chính quyền Thành Phố nên cho thêm Shipper hoạt động để phục vụ cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân hoặc cho chợ dân sinh hoạt động trở lại.

Đa phần người dân Đà Nẵng đều ý thức trong phòng chống dịch bệnh và ghi nhận sự cố gắng của các cô chú Tổ dân phố và các lực lượng khác. Họ cũng thể hiện sự chia sẻ với Thành phố.

Nhưng trên thực tế đã xuất hiện các sự việc không mong muốn trong cung ứng lương thực, thực phẩm và các loại hàng hóa thiết yếu khác cho người dân khi thực hiện các phương án siết chặt cách ly.

Vũ Nam tổng hợp.