Nguồn: ac-illust.com

Làm Cha Mẹ

Ý nghĩa sâu sắc của từ “ Itadakimasu” trong văn hoá Nhật Bản

By Đăng Dũng

June 04, 2021

“ Itadakimasu” là câu nói trước khi ăn người Nhật thường nói kèm với hành động chắp hai tay giơ lên cao, nghĩa là “xin mời”. Nó nhấn mạnh sự cảm ơn tới người đã cất công chuẩn bị bữa ăn. Vốn dĩ nó là một từ thể hiện sự kính trọng, biết ơn đối với thần linh, thiên nhiên đã nuôi sống con người, nhưng dần dà nó đã được sử dụng như một từ để cảm ơn những người nông dân trồng trọt và những người có công lao động.

Cách nói Itadakimasu này được rút gọn từ câu: “あなたの命を、わたくしの命にさせていただきます”. Tạm dịch là  “Xin cảm ơn vì sự sống của bạn đã nuôi sống tôi”.

Theo như cuốn từ điển về lịch sử ngôn ngữ thì từ “Itadakimasu” được viết bằng chữ Hán “頂” vốn mang nghĩa là nơi cao nhất của ngọn núi hay của con người nên nghĩa gốc của từ “Itadakimasu” nghĩa là: “Đặt lên đầu”. Hơn nữa vào thời Trung đại, người Nhật có tục giơ cao lên đầu tỏ ý cảm tạ khi nhận vật gì đó của người trên, nên từ “Itadakimasu” còn có thêm một ý nghĩa nữa là “Nhận”. Cũng xuất phát từ hành động giơ cao lên đầu biểu thị lòng cảm tạ khi được nhận cái gì đó từ người trên hay trước khi ăn những đồ thờ cúng Phật, nên từ “Itadakimasu” ngày nay trở thành từ để nói trước mỗi bữa ăn, để mỗi người thể hiện sự biết ơn.

Không chỉ là từ để biểu hiện lòng cảm tạ với người “cho”, với người đã nấu đồ ăn cho mình, mà từ “Itadakimasu” còn mang ý nghĩa cảm tạ khi được nhận sinh mệnh của mọi vật trong thế gian. Đây là ý nghĩa xuất phát từ quan niệm của đạo Phật, vốn coi vạn vật trong cuộc sống đều có sinh mệnh riêng của mình, và con người tiếp nhận nó để duy trì sinh mệnh của mình. “Itadakimasu” là sự biết ơn những sinh vật đã hy sinh để tạo ra bữa ăn cho con người. Đó có thể là thịt cá, cũng có thể là hạt gạo trong bát cơm, hạt đậu nành trong nước tương, thậm chí chỉ là một hạt muối mè. Khi đã xuất hiện trên trái đất này, vạn vật đều có sự sống và cần được tôn trọng, biết ơn khi sử dụng.

Cảm tạ tới người lao động, cảm tạ tới vạn vật. Đây thực là một truyền thống đẹp của Nhật Bản. Người Nhật từ nhỏ đã được giáo dục như vậy và luôn cố gắng không quên lòng biết ơn của mình khi có một bữa ăn. Trẻ em Nhật dù ở trường hay ở nhà luôn được giáo dục về những phép tắc như thế này.

Đồng thời, khi nói “Itadakimasu” người Nhật cũng tự nhắc nhở mình phải ăn thật ngon và ăn cho hết. Lãng phí thức ăn, vì thế được xem là sự xúc phạm với những sinh mệnh tự nhiên kia. Nên đôi khi “Itadakimasu” cũng được dịch nôm na là “Tôi sẽ ăn thật ngon ạ!”. Cha mẹ Nhật cũng dạy con cái về sự cực khổ để có bữa ăn và thường kể những truyền thuyết có liên quan trước bàn ăn.

Có một truyền thuyết ở Nhật Bản rằng có bảy vị thần trong hạt gạo, người ta nói rằng nếu lãng phí đồ ăn sẽ khiến các vị thần nổi giận và trừng phạt, họ dạy con cái rằng: Trên mỗi một hạt gạo có 7 vị thần tiên đây là câu chuyện bắt nguồn từ truyện cổ Phật giáo, nhắc nhở mọi người rằng để trồng ra được hạt gạo mà chúng ta ăn hằng ngày là việc không hề dễ dàng gì. Mọi người đều không nên bỏ phí và phải biết quý trọng tất cả những gì tự nhiên ban cho con người. Mỗi hạt gạo đều là “phúc căn”, là gốc của phúc khí. Bởi vậy nếu mang đổ cơm không ăn hết đi cũng chính là tự mang phúc của mình hất đổ đi.

“Itadakimasu” là một từ thật ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa phải không bạn, Không chỉ gói gọn lời cảm ơn đến tự nhiên và cả công sức con người mà còn thể hiện quan niệm nhân sinh và triết lý sâu sắc. Vậy nên đừng quên nói “Itadakimasu” bằng tiếng Nhật hoặc tiếng Việt thân yêu của chúng ta, hay chỉ đơn giản là thể hiện lời cảm ơn theo cách riêng của bạn để mỗi bữa ăn sẽ tràn đầy sự ấm áp và vui vẻ nhé!

Thực hành lòng biết ơn bằng một hành động đơn giản hàng ngày như ăn uống cũng khiến bạn trân trọng những thứ khác; như khi cha mẹ chăm sóc bạn, khi người yêu mở cửa xe cho bạn, hay một nhân viên thu ngân tính tiền hóa đơn cho bạn,… đôi khi những hành động cho đi này không được chú ý. “Itadakimasu” nhắc nhở mọi người dừng lại – dành một chút thời gian – để ý những hành động nhỏ đó, và suy ngẫm về sự hiện diện của những khoảnh khắc ấy thật tuyệt làm sao.

Nguồn Epochtime.jp

Mộc Hương biên tập