“Muốn biết công của tạo hóa ra sao, muốn hiểu được ý nghĩa của đời người thế nào, vậy cần phải hiểu Tây Du Ký.” (Tác giả Ngô Thừa Ân). Hành trình thỉnh kinh của năm thầy trò chính là hành trình trừ đi tâm ma.
Tây Du Ký không đơn thuần là một tác phẩm dành cho thiếu nhi. Có người nói rằng khi bạn thực sự thấu hiểu “Tây Du Ký”, thì bạn cũng đã hiểu ý nghĩa thực sự của tất cả những khổ nạn trên thế gian, cũng hiểu được ý nghĩa thật sự của cuộc đời này.
Tây Du Ký bề ngoài là một câu chuyện về chuyến hành trình trừ yêu diệt quái, nhưng thông qua chuyến đi sang Tây Thiên thỉnh kinh, tác giả đã dẫn dắt chúng ta cách khắc phục nội tâm của mình trên con đường nhân sinh, trừ đi ma tính, cuối cùng đắc được Chân Kinh, thành tựu đời người. Trong Tây Du Ký, năm thầy trò Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, Sa Ngộ Tĩnh, Bạch Long Mã thực chất chính ẩn ý của từng nhân tố trong một con người.
Tôn Ngộ Không là thể hiện cho chữ Tâm: Tôn Ngộ Không lúc đầu là đệ tử của Bồ Đề Tổ Sư ở Linh Đài Phương Thốn sơn, Tà Nguyệt Tam Tinh động (trăng xiên và ba ngôi sao), đây chính là hình tượng của chữ Tâm (心), “Tà Nguyệt” – Trăng khuyết chính là một nét móc ở giữa, Tam tinh – Ba ngôi sao chính là chỉ ba nét chấm chung quanh.
Tâm con người thì hay tư do nhảy nhót, giống như tính khí của Ngộ Không. Trong Kinh Lăng Nghiêm còn viết rằng: “Tâm có 72 tướng”, tương ứng với 72 phép biến hóa của Ngộ Không. Cái tâm của người đời rất giỏi biến hóa, chỉ trong chốc lát có thể biến ra các loại tâm thái khác nhau. Gậy như ý của Ngộ Không nặng là 13500 cân, trong Hoàng Đế Bát Thập Nhất Nan Kinh có ghi rằng: “Cả ngày lẫn đêm, con người ta thở 1 vạn 3 nghìn 5 trăm nhịp”. Vậy nên, gậy Như Ý là tượng trưng cho khí.
Cân Đẩu Vân của Ngộ Không có thể bay 10 vạn 8 nghìn dặm, vừa khéo lại là khoảng cách từ đông thổ Đại Đường đến Linh Sơn, điều này có ngụ ý gì? Đó chính là: Linh Sơn dù có xa hơn nữa thì cũng chỉ một niệm của tâm là có thể đến nơi. Thiện ác chỉ cách nhau một niệm, một niệm có thể thành Phật, nhưng một niệm cũng có thể biến thành tà ma. Dù có phép Cân Đẩu Vân nhưng Ngộ Không vẫn không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai.
Luyện tâm có thể khiến lòng người sáng sủa, trí huệ sáng suốt, vậy nên lò Bát Quái không thể thiêu chết mà trái lại còn khiến Tôn Ngộ Không luyện thành hỏa nhãn kim tinh. Mắt của Ngộ Không sáng tỏ là tượng trưng cho trí huệ sáng rực như vàng kim. Vua Khỉ không thể thoát khỏi lòng bàn tay của Phật Tổ Như Lai ngay cả sau một cú lộn nhào. Núi Ngũ hành trấn áp Ngộ Không, tượng trưng cho Ngũ Hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ của thế giới trần tục đã đè chặt cái tâm.
Ngũ hành sơn tượng trưng cho “tham, sân, si, mạn, nghi” (tham lam, giận dữ, ngu si, ngạo mạn, hoài nghi) trong Phật giáo, nhà Phật cho rằng năm chữ này tóm gọn tất cả tâm niệm của con người. Tôn Ngộ Không khi đại náo Thiên Cung, cũng chính là bị ngũ độc này vây khốn. Về sau, khi thầy trò Đường Tăng đến Hoả Diệm Sơn, núi Ngũ Hành đã trở thành Lưỡng Giới Sơn (ngọn núi giữa hai ranh giới). Đi qua ngọn núi này, cái tâm từng xáo động không yên đó cuối cùng cũng có thể nhảy ra khỏi Tam Giới.
Những người còn lại là Đường Tăng là thân thể, Trư Bát Giới là tình cảm và dục vọng, Sa hòa thượng là bản tính, và Bạch Long Mã là ý chí của con người.
Bạch mã là ý chí kiên cường, lúc đầu ý chí con người giống như con ngựa hoang, chỉ khi xác định được mục tiêu tiến lên thì người ta mới chuyên tâm vào việc đó. Để chinh phục tiểu bạch long là phải đạt được sự thống nhất của nhân tâm, chỉ cần nhân tâm hợp nhất và ý chí kiên định thì không có ngọn núi tâm linh nào không thể chạm tới.
Ngộ Không thu phục Tiểu Bạch Long, cũng chính là cái Tâm đã thu phục được Ý, đạt đến tâm ý hợp nhất. Chỉ cần tâm ý hợp nhất, chí hướng kiên định thì không có Tây Thiên nào là không đến được. Sau đó, Bát Giới và Ngộ Tính được thu thập, và hình thành một đội ngũ hoàn hảo về “thân, tâm, tình, tính, ý”.
Trong hồi thứ 19, khi thầy trò Đường Tăng vừa mới bước trên con đường lấy kinh, Ô Sào thiền sư đã truyền thụ cho Đường Tăng một bộ “Đa Tâm Kinh”. Nhưng Đường Tăng vẫn không hiểu ý, cuối cùng mãi đến hồi 85, Ngộ Không phải nhắc nhở Đường Tăng rằng:
“Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp, Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.”
(Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu, Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu! Ai ai cũng có Linh Sơn tháp, Tu ở Linh Sơn đạo rất mầu).
Bởi cần phải tu Tâm để trừ dứt ma tính thì mới có thể đánh thức chính mình, mới có thể lĩnh ngộ được Phật Pháp. Do đó, đến lúc này Đường Tăng đã đáp lại rằng: “Đồ đệ ạ, ta há không biết sao? Nếu theo bốn câu ấy, dù thiên kinh vạn quyển cũng chỉ là tu Tâm.”
Hành trình vừa bắt đầu thì Tôn Ngộ Không đã đánh 6 cường đạo. Trong nguyên tác, tên của 6 cường đạo này lần lượt là: Nhãn Khán Hỷ (Mắt thấy mừng), Nhĩ Thính Nộ (Tai nghe giận), Tỵ Khứu Ái (Mũi ngửi thích), Thiệt Thường Tư (Lưỡi nếm nghĩ), Thân Bổn Ưu (Thân vốn lo), Ý Kiến Dục (Ý thấy muốn) – đây chính là lục căn. Tôn Ngộ Không đánh chết lục căn, cho thấy lục căn phải thanh tịnh thì mới có thể lên đường lấy Chân Kinh.
Trong suốt hành trình sang Tây Thiên, trước khi Ngộ Không đi xin cơm chay thường vẽ một vòng tròn lớn trên mặt đất, đây chính là giới hạn mà Tâm đặt cho con người, nhưng thân thể của con người (Đường Tăng) lại thường hay bị dục vọng (Trư Bát Giới) dẫn dụ mà xa rời giới hạn ấy. Khi thầy trò rời khỏi giới hạn mà Ngộ Không đặt ra, thì thường sẽ rơi vào bẫy của yêu ma.
Cái Tâm (Ngộ Không) dẫn dắt mọi người tiến lên trên con đường thỉnh kinh xa xôi, và cũng chính Ngộ Không (Cái Tâm) là người chủ đạo trừ yêu diệt quái cản trở trên đường, cũng có nghĩa là cái tâm dần trừ bỏ đi ma tính. Mỗi yêu ma trên đương đi thỉnh kinh đều mang một một ý nghĩa. Chúng chính là huyễn hóa của ma tính. Mỗi con quái vật đều là những thứ Danh – Lợi – Tình trói buộc con người. Năm thầy trò phải liên tục loại bỏ chúng trên đường, cũng chính là việc một người không ngừng đánh bại dục vọng của mình trên con đường nhân sinh.
Ngưu Ma Vương là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngưu Ma Vương cũng là do ma tính của Ngộ Không biến hóa. Ban đầu, Ngưu Ma Vương cùng Tôn Ngộ Không kết bái huynh đệ, lực lượng ngang nhau, vậy nên phát hỏa (nổi nóng) cũng chính là bản thân đang so tài với chính mình.
Hồng Hài Nhi và Hỏa Diệm Sơn đều là ngọn lửa trong tâm. Nguyên nhân Hỏa Diệm Sơn hình thành là do năm xưa khi Tôn Ngộ Không chui ra từ lò Bát Quái, vì để trút cơn giận mà đá một miếng gạch chịu lửa xuống trần. Vì cái tâm không chế ước ngọn lửa của bản thân, nên cuối cùng lại đốt cháy chính mình.
Hoàng Phong quái có thể thổi ra Tam Muội Thần Phong, đây là đại biểu cho phong khí của xã hội, phong khí xã hội có thể khiến trái tim con người (Ngộ Không) mê mờ lạc mất phương hướng.
Ba hình tượng biến hóa của bạch cốt tinh là biểu hiện của Tình – Ái – Dục của một người. Ngộ Không đã trừ toàn bộ chúng, nói rõ rằng trên đường đời chúng ta nhất định phải khống chế vững tình, ái, dục của bản thân, chớ để nó trở thành chướng ngại tiến bước của chúng ta. Ngoài ra, Bạch Cốt Tinh chính là bộ xương trắng thành tinh, nó cũng tượng trưng cho thân xác phàm của con người. Thân thể có thể khơi dậy bản năng dục vọng, vậy nên Trư Bát Giới bắt đầu ly gián, khiến Đường Tăng đã đuổi Ngộ Không đi, chính là con người ta vì dục vọng mà đánh mất nội tâm của mình.
Quái Ngân giác và Kim giác là hai yêu quái tại núi Bình Đỉnh, động Liên Hoa. Từ tên gọi có thể thấy Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương là tượng trưng cho sức mê hoặc của kim tiền. Khi thầy trò Đường Tăng đi ngang qua đây, Kim Giác và Ngân Giác đã dùng sợi dây thừng trói chặt Tôn Ngộ Không, sau lại dùng Tử Kim hồ lô nhốt lấy Tôn Ngộ Không ám chỉ kim tiền có thể trói chặt, phong bế tâm con người, khó mà thoát ra được.
Bảy con nhện tinh đại biểu cho thất tình lục dục của con người. Thất tình lục dục cũng giống như tấm lưới do nhện giăng lên, có thể trói chặt con người. Người đời bởi tư niệm sinh tình, bị tơ tình vây khốn. Bọ cạp tinh đại biểu cho mỹ sắc, mỹ sắc sẽ dẫn dụ người ta giống như con bọ cạp, vậy nên thầy trò Đường Tăng đều không địch nổi nó.
Mỹ hầu vương thật giả, một Tôn Ngộ Không chân tâm hướng Phật đã đánh bại được một Ngộ Không giả không thật lòng hướng Phật. Đây là hai loại ý chí, hai loại tư tưởng của bản thân trong một người đang tranh đấu với nhau. Trong sách cũng nói, một nạn này là do ma tính của bốn thầy trò sinh ra: Cái tâm ngông cuồng của Tôn Ngộ Không, cái tâm mê muội không phân thật giả của Đường Tăng, cái tâm đố kỵ của Trư Bát Giới, Sa Tăng, cái tâm ngờ vực lẫn nhau giữa mấy huynh đệ thầy trò… Trừ dứt nạn này thì cả năm thầy trò mới có thể tiếp tục lên đường.
Ở nước Tỳ Hưu, quốc trượng chính là yêu tinh hươu biến thành. Ngộ Không biến thành Đường Tăng giả, chính là thân tâm lúc này được hòa làm một, Ngộ Không nôn ra một đống trái tim cũng tượng trưng cho sự đa tâm. Chúng ta thường nói “trong lòng hươu chạy”, con người nếu có “hai lòng” sẽ gặp tai họa, chưa kể đến việc có đa tâm. Cả năm thầy trò khi khuất phục được con yêu quái hươu này thì cũng chính “đa tâm” thành “nhất tâm”, chỉ có một lòng mới có thể thành công.
Ba huynh đệ Ngộ Không là đã nhận ba vị hoàng tử ở Ngọc Hoa châu dạy võ cho họ. Cả ba người không khiêm tốn, nên đã sư tử tinh vốn là cháu của Cửu Linh Nguyên thánh. Cửu Linh Nguyên Thánh là một trong những yêu quái lợi hại nhất trên đường sang Tây Thiên, có thể dễ dàng bắt được Tôn Ngộ Không.
Kết thúc cuộc hành trình, sau khi vượt qua rất nhiều gian khổ, loại bỏ yêu ma trên đường đi, cuối cùng cả năm người đã đến được Linh Sơn.
Ngộ Không (Tâm) được phong làm vị Đấu Chiến Thắng Phật, bất kể chúng ta làm gì, chỉ cần chúng ta ước chế cái tâm của mình thì cuối cùng cũng có thể thành công. Đường Tăng (Thân) được phong làm Chiên Đàn Công Đức Phật, làm người cần phải có thể thân tâm hợp nhất, có như vậy mới đắc được Chân Kinh.
Trư Bát Giới (Tình càm dục vọng) được phong làm Tịnh Đàn Sứ Giả, vì dục vọng không bỏ được nên cuối cùng chỉ có thể làm sứ giả. Sa Ngộ Tĩnh (Bản tính) được phong làm Kim Thân La Hán, cũng chính là bản tính quý như vàng ròng vậy. Bạch Long Mã (Ý chí) được phong làm Thiên Long Bát Bộ Hộ Pháp, thời thời khắc khắc phải bảo vệ ý tưởng của mình, vì vậy được phong làm Hộ Pháp.
Sau cùng Phật Tổ cho nhóm thầy trò kinh không chữ, chính là vì kinh không chữ mới là Chân Kinh. Một người khi trải qua tất cả mọi chuyện trên đời, mà vẫn có thể giữ được chân tâm, thì cho dù chưa tới tây phương, trong lòng sớm đã thành Phật rồi.
Minh Hoàng biên dịch Theo Secretchina