Ý tưởng khôi phục hệ sinh thái đã bị kiệt quệ bằng vỏ cam của ông bà Daniel Janzen và Winnie Hallwachs (Ảnh Tinh Hoa)

Chưa được phân loại

Ý tưởng diệu kỳ hồi sinh cả khu rừng nhiệt đới và câu chuyện hàm oan 16 năm của hai nhà sinh thái học

By Đăng Dũng

September 05, 2020

Năm 1997, một dự án kỳ lạ với chi phí 0 đồng đã được triển khai nhằm khôi phục hệ sinh thái cho vùng đất bạc màu trong Khu bảo tồn thiên nhiên Guanacaste (Costa Rica). 16 năm sau, cánh rừng mới tươi tốt nơi đó đã làm ngỡ ngàng các chuyên gia. Nó được nhìn nhận như một kỳ tích khôi phục sinh thái rừng nhiệt đới và gợi mở ra một xu hướng canh tác bền vững cho thế giới. Nhưng chủ nhân của ý tưởng suất sắc đó – vợ chồng nhà sinh thái học Daniel Janzen và Winnie Hallwachs lại bị vướng vào vụ kiện tại toà án tối cao Costa Rica như một vụ bê bối xả thải công nghiệp vào môi trường. Nỗi oan 16 năm và kết cục có hậu của họ để lại rất nhiều suy nghĩ cho cộng đồng. Vạn Điều Hay xin chia sẻ câu chuyện của họ cùng bạn đọc.

Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đến từ Đại học Pennsylvania (Mỹ) là hai nhà nghiên cứu và đồng thời là cố vấn kỹ thuật lâu năm cho Khu bảo tồn thiên nhiên Guanacaste ở Costa Rica. Năm 1997, họ vạch ra một dự án tâm huyết và tự đặt cho mình trách nhiệm đảm bảo tương lai tốt lành cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới đang bị đe doạ ở đây.  

Vợ chồng Daniel Janzen và Winnie Hallwachs đề xuất một bản hợp đồng hấp dẫn với công ty Del Oro – một nhà sản xuất nước cam trong vùng. Theo đó Del Oro quyên tặng Khu bảo tồn một vùng đất rừng giáp ranh của họ. Đổi lại, họ được xả thải miễn phí bã cam ép của mình vào vùng đất trống bạc màu trong khu bảo tồn. 

Vùng đất bạc màu, hoang hoá trong Khu bảo tồn Guanacaste trước khi đổ vỏ cam (Ảnh: Princeton University)

Dĩ nhiên Công ty Del Oro đã vui vẻ đồng ý với hợp đồng sẽ giúp họ giải quyết phế liệu rất thuận tiện và tiết kiệm này. Sau một năm, họ đã đổ 1.000 xe tải với 12.000 tấn bã cam ép xuống vùng đất được chỉ định. 

Với 1.000 chuyến xe, 12.000 tấn vỏ cam đã được đổ đầy khu đất trống rộng 3 héc ta (Ảnh: Princeton University)

Theo phân tích của Daniel Janzen và Winnie Hallwachs, các bã cam ép này nhanh chóng tự phân hủy, nên sẽ không gây ảnh hưởng gì cho môi trường xung quanh. Sau đó, chúng sẽ trở thành “phân bón sinh học” rất tốt bồi bổ cho vùng đất bạc màu hoang hoá của khu bảo tồn.

Tuy nhiên, dự án đầy sáng tạo này đã bị đối thủ của Del Oro – Công ty Tico Fruit phát đơn kiện với lý do “làm ô uế Công viên quốc gia”. Thật không may, vụ kiện với danh nghĩa bảo vệ môi trường nhưng động cơ thực chất là đố kỵ này đã được Toà án tối cao Costa Rica chấp thuận. Daniel Janzen và Winnie Hallwachs phải nhẫn chịu tai tiếng, dự án khôi phục độ màu mỡ cho khu bảo tồn của họ phải dừng lại. Khu đất rộng 3 hét ta chứa đầy vỏ cam bị bỏ hoang từ đó. 

16 năm trôi vào quên lãng cho tới mùa hè 2013, một nhóm nhà sinh thái do Timothy Treuer đến từ Đại học Princeton dẫn đầu đã tìm đến. Timothy Treuer liên hệ với vợ chồng Daniel Janzen và Winnie Hallwachs để tìm kiếm thông tin từ dự án năm xưa nhằm phục vụ cho nghiên cứu của mình. Tuy nhiên quang cảnh đã thay đổi rất nhiều. Treuer đã phải nhờ đến sự trợ giúp của Daniel Janzen một lần nữa mới xác định được chính xác khu đất. Cuối cùng, sau khi hoàn thành công việc định vị, Treuer đã thông báo lại với nhóm nghiên cứu của mình điều kì diệu mà anh vừa phát hiện được. Vùng đất trống trải cằn cỗi năm xưa đã không còn, trước mắt anh là một khu rừng mới tươi tốt, nhiều tầng với rất nhiều chủng loài động thực vật. Trong đó có rất nhiều cây to lớn như cây Sung có đường kính tới 3 người ôm và cả chồn tới sinh sống. Điều đáng chú ý nữa là so với khu vực xung quanh nơi trước kia không đổ vỏ cam thì sự phong phú về sinh thái của khu rừng này là hoàn toàn rõ nét, dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường. 

Sự tương phản về sinh thái giữa hai khu vực là rất rõ nét, dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường (Ảnh: Princeton University)

Jonathan Choi – một thành viên khác trong nhóm nghiên cứu của Treuer đã hào hứng nói: “Trong khi tôi đi bộ qua đá lộ thiên và cỏ chết ở những cánh đồng gần đó, tôi phải trèo qua bụi rậm và cắt những con đường xuyên qua những bức tường dây leo trong chính khu vực vỏ cam.” Anh đã biến sự kiện này thành luận án cao cấp của mình. 

Treuer và nhóm của ông đã bắt tay nghiên cứu kĩ lưỡng vùng đất này, với mục đích tìm hiểu kĩ hơn những tác động của vỏ cam đến chất lượng đất và hệ sinh thái của khu vực. Nghiên cứu“Chất thải nông nghiệp chi phí thấp đẩy nhanh quá trình tái tạo rừng nhiệt đới” của họ sau đó đã được công bố trên tạp chí khoa học Phục hồi Sinh thái (Restoration Ecology) ngày 28 tháng 7 năm 2013. Theo đó, sinh khối của khu đất vỏ cam tăng lên 176% so với thời điểm trước khi những chuyến xe vỏ cam được đổ xuống. Hệ thực vật trở nên đa dạng, phong phú với vài chục loại thực vật, trong khi khu đất sát bên (không có sự tác động của vỏ cam) chỉ có một vài loài thực vật có thể tồn tại. Chất lượng đất ở khu đất có vỏ cam cũng trở nên tốt hơn, độ màu mỡ tăng lên đáng kể. Cây rừng cũng có tán lá rộng với độ che phủ lớn hơn. Đặc biệt, theo các nghiên cứu mới đây trên tạp chí Nature (2016), các khu rừng mới hình thành trở lại có tác dụng hấp thụ khí cacbonic cao gấp 11 lần so với các khu rừng già. Điều này có ý nghĩa rất lớn đối với tình trạng ô nhiễm không khí mà chúng ta đang gánh chịu.

Timothy Treuer say mê với phát hiện của mình trong cánh rừng nhiệt đới mới hồi sinh

Mối lương duyên nghiên cứu giữa Timothy Treuer và các cộng sự của anh đã giúp giải nỗi oan “thông đồng với doanh nghiệp xả thải làm ô uế Công viên quốc gia” của vợ chồng Daniel Janzen và Winnie Hallwachs 16 năm về trước. Phát hiện của họ còn minh chứng tư tưởng sinh thái “quay trở về với tự nhiên” của hai ông bà là đúng đắn. Đó chính là nội dung cốt lõi của canh tác bền vững ngày nay. 

Daniel Janzen và Winnie Hallwachs vẫn cười đôn hậu sau năm tháng bể dâu (Ảnh: vozdeguanacaste)

Đó là một kết thúc có hậu cho câu chuyện đời thực của hai nhà khoa học tâm huyết và nhẫn nại. Bạn có cho rằng kết thúc có hậu này là ngẫu nhiên?

Hơn 2.000 năm trước bậc Chân nhân Lão Tử đã viết trong Đạo Đức Kinh rằng: “Người thuận theo đất, đất thuận theo trời, trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo tự nhiên”. 

Chúng ta trải mấy mươi năm hăm hở “chinh phục tự nhiên”, “ngăn sông lấn biển”, “hoá học hoá”… Nhưng cuối cùng, khi phải đối diện với các vấn đề: Nông nghiệp ngày càng lệ thuộc vào hoá học, đất đai thoái hoá nhiễm độc, chất lượng nông sản giảm sút, tỷ lệ nhiễm độc và mắc bệnh nan y do nông sản độc hại gia tăng, chu kỳ dịch bệnh ngày càng ngắn và khó kiểm soát, biến đổi khí hậu v.v…ta mới thấy cái “hăm hở” ấy thật ngạo mạn mà dại khờ. Lời của cổ nhân minh bạch, giản dị nhưng phải chăng là giản đơn?                

Dương Tử biên dịch từ Princeton Universiti

Tham khảo từ Tinhhoa.net, DKN.tv