Ảnh: dulichvietnam.com.vn

Khám Phá

Quan điểm về Thiên mệnh của ba nhà Hạ, Ân, Chu ( Phần 3+4)

By Đăng Dũng

August 01, 2021

Tiếp theo: Quan điểm về Thiên mệnh của ba nhà Hạ, Ân, Chu ( Phần 2)

Nhà Ân suy vong, nhà Chu nắm quyền. Tín ngưỡng đối với “Thượng Đế” của người nhà Ân cũng theo đó chuyển biến thành tín ngưỡng đối với “Trời” của người nhà Chu. Tuy từ ngữ của thời Ân và từ ngữ của thời Chu sử dụng khác nhau, nhưng thực chất đều là chỉ đến vị thần tối cao toàn năng. Vì là vị Thần tối cao nên trong tâm của người nhà Chu, “Trời” đã trở thành sự tồn tại tối cao. Điều đó được chứng minh bằng phong tục mà người nhà Chu thờ “Trời”.

Mọi người đều biết rằng Thiên Đàn ở Bắc Kinh là nơi các hoàng đế nhà Minh và nhà Thanh làm lễ tế trời. Là một nghi lễ hoành tráng và hoành tráng nhất của người Trung Quốc cổ đại, là một hình thức giao lưu giữa người và trời, nguồn gốc của nó có thể bắt nguồn từ thời cổ đại, bao gồm cả nhà Chu.

Thời nhà Chu, vào ngày Đông chí hàng năm, Hoàng Đế thực hiện nghi lễ tế trời ở vùng ngoại ô phía nam của kinh đô. Vì “Viên Khâu Tự Thiên” và “Phương Khâu Tế Địa” đều nằm ở ngoại ô nên được gọi là Giao Tự. (“Viên Khâu Tự Thiên” là Bàn thờ thờ “Trời”, vì trời được cho là hình tròn nên bàn thờ thờ trời có hình tròn. Nghi lễ này được tổ chức vào ngày Đông chí. “Phương Khâu Tế Địa” là Bàn thờ địa thần, vì đất được cho là hình vuông nên bàn thờ thổ thần có hình vuông. Nghi lễ này được tổ chức vào ngày Hạ chí).

Tại sao nhà Chu lại thờ “Trời”? Mục đích là thông qua nghi lễ này để biểu đạt lòng cảm ân đối với “Trời” đã nuôi dưỡng vạn vật và cầu nguyện sự ban phước từ “Trời”. Theo quan điểm của họ, vạn vật đều được nuôi dưỡng, thụ hưởng lợi ích và sự bảo vệ bởi “Trời”. Nên họ cần phải cảm ân và cầu nguyện với trời cao.

Người nhà Hạ, Ân, Chu nhìn nhận rằng “Thượng Đế” hay “Trời” đã sinh ra, nuôi dưỡng vạn vật, chi phối, quyết định hết thảy mọi thứ trong đại thiên thế giới. Vì vậy, con người thời bấy giờ luôn bảo trì tấm lòng biết ơn và kính trọng thiên nhiên đất trời.

Nói đến việc bày tỏ lòng biết ơn và sự kính trọng đối với trời và cầu trời, việc tế trời nghiễm nhiên trở thành một nghi thức quan trọng. Trên thực tế, có một hình thức thờ cúng trời đất quan trọng khác được gọi là Phong Thiện (là một nghi thức mà các bậc đế vương dùng để tỏ lòng tôn kính với đất trời). Thời Trung Quốc cổ đại, quốc lễ lớn nhất có lẽ là nghi lễ Phong Thiện ở núi Thái Sơn. “Phong” nghĩa là nghi lễ tế trời, “Thiện” có nghĩa là nghi lễ tế đất.

Người xưa cho rằng núi Thái Sơn là ngọn núi cao nhất trong số rất nhiều ngọn núi và được gọi là “Thiên hạ đệ nhất sơn”. Vì vậy, các vị Hoàng đế trong nhân gian phải đến núi Thái Sơn để làm lễ tế Thiên Đế và nhận Thiên mệnh. Trên đỉnh núi xây dựng đàn tế trời, báo đáp ơn trời gọi là “Phong”. Dưới chân núi Thái Sơn lập đàn tế đất ở trên các ngọn núi nhỏ như Lương Phụ hồi báo ơn đất, gọi là “Thiện”. “Phong thiện” chính là nghi lễ tối cao của các bậc đế vương thời cổ đại. Hơn nữa, chỉ khi thay triều đổi đại, giang sơn đổi chủ, hoặc thiên hạ thái bình sau một thời gian dài loạn lạc thì mới có thể tiến hành nghi lễ “Phong Thiện”.

Cuốn sách “Quản Tử” thời Xuân Thu là quyển sách sớm nhất đề cập đến nghi lễ “Phong thiện”. Trong cuốn sách đó, Quản Trọng (một chính trị gia nước Tề, thời Xuân Thu) viết rằng: “Người xưa tế Thái Sơn, tế Lương Phụ có 72 gia, trong số đó tôi biết 12 gia: Vô Hoài, Phục Hy, Thần Nông, Viêm Đế, Hoàng Đế, Chuyên Húc,  Đế Khốc, vua Nghiêu, vua Thuấn, vua Vũ, vua Thang, Thành Vương đã làm nghi lễ tế trời đất ở núi Thái Sơn”. Sau khi kế thừa Thiên mệnh, các bậc đế vương đều cử hành đại lễ “Phong thiện”. Như vậy có thể thấy nghi lễ “Phong Thiện” có từ thời “Tam Hoàng Ngũ Đế” (là các vị hoàng đế của thời đại truyền thuyết thần thoại Trung Quốc cổ đại). Các bậc đế vương đời nhà Hạ, Ân, Chu là Vũ Đế của nhà Hạ, Thang Vương của nhà Ân và Thành Vương của nhà Chu đều cử hành nghi lễ tế trời đất trên núi Thái Sơn.

Vậy tại sao Vũ Đế, Thang Vương và Thành Vương phải làm nghi lễ “Phong Thiện” trên núi Thái Sơn? Trong “Ngũ Kinh Thông Nghĩa” viết rằng: “Khi triều đại thay đổi, đem lại thái bình cho dân chúng, Đế Vương nhất định phải làm lễ tế trời đất. Nhận Thiên mệnh làm vua, cai quản thế giới, lãnh nhận trách nhiệm với bách tính, báo đáp quần thần, báo cáo tình hình thiên hạ thái hòa với trời đất.

Nói cách khác, mục đích thực hiện nghi lễ “Phong Thiện” của Hoàng đế thời xưa là để nhận phước lành từ Trời, tường trình những thành tựu to lớn của công cuộc xây dựng lại đất nước với trời đất, đồng thời biểu thị sự tiếp nhận thiên mệnh trị vì nhân gian. Điều này nói rõ một điểm rằng, họ xem “Trời” là đối tượng mà tất cả con người phải cảm ân, kính trọng và hướng đến để nguyện cầu. (Còn tiếp)

Nguồn: epochtimes.jp Mộc Hương biên dịch