12 bí kíp tiết kiệm tiền và sớm có cuộc sống thanh thản
Sẽ rất hữu ích nếu có một khoản tiết kiệm đáng kể trong tay, nhằm chuẩn bị cho những mục tiêu lớn hay đề phòng nhu cầu chi tiêu đột xuất. Hầu hết mọi người đều tán thành quan điểm này nhưng không phải ai cũng có cách dành dụm hiệu quả.
Nếu bạn chưa có kế hoạch tài chính cụ thể, hãy học ngay 12 bí kíp này để nhanh chóng tiết kiệm tiền và sớm có cuộc sống thanh thản nhé. Cuối cùng, hãy nhớ bằng bất cứ giá nào cũng thực hiện bằng được quyết tâm đã đặt ra.
1. Liệt kê các khoản chi tiêu và lập ngân sách cho nó
Nếu bạn không biết mình chi tiêu bao nhiêu tiền mỗi tháng thì bạn không thể theo dõi và kiểm soát được tài chính của bạn. Để tạo ra ngân sách chi tiêu mỗi tháng, bạn chỉ cần liệt kê các khoản cần phải chi và số tiền cần thiết cho các khoản đó.
2. Cắt giảm tối đa các khoản chi bằng cách: “Đừng mua thứ bạn không cần”
“Nếu bạn cứ mua những thứ bạn không cần thì sớm muộn gì bạn cũng phải bán đi thứ bạn muốn”.
Bạn sẽ không dự định mua cà phê mỗi buổi sáng. Nhưng nếu bạn ghé Starbucks, đi taxi và đặt mua các món mang đi một cách thường xuyên, điều này có thể bắt đầu làm thâm hụt ngân sách của bạn. Đây là nhận định của chuyên gia tài chính và là cựu chủ tịch truyền hình CNBC Suze Orman.
“Hãy ngừng thuê xe, ngừng đi ăn ở ngoài, ngừng làm những việc lãng phí tiền bạc và làm cho cuộc sống của bạn trở nên dễ dàng hơn, bởi vì về lâu dài nó sẽ càng trở nên khó khăn hơn”, Orman phát biểu trong chương trình “Power Lunch” của CNBC vào tháng 6.
Hãy xem lại các thói quen tiêu dùng của bạn và quyết định xem giá trị của sự tiện nghi nào đáng giá và cái nào bạn có thể cắt giảm. Ví dụ như ly latte sáng có thể đáng giá hơn việc từ bỏ thói quen sử dụng Uber chẳng hạn.
3. Nấu ăn tại nhà, tại sao không?
Với sự phát triển nhanh đến “chóng mặt” của dịch vụ giao hàng hiện nay, việc có một suất đồ ăn nhanh như ý thật sự quá dễ dàng. Nhưng trên thực tế, việc ăn uống ở ngoài hoặc gọi đồ ăn nhanh thường đắt gấp 2,5 lần so với việc bạn tự nấu ở nhà. Do đó, nếu bạn muốn tiết kiệm tiền, hãy nghĩ đến việc tự nấu nướng. Bạn sẽ vừa có những bữa ăn lành mạnh và vừa tiết kiệm được số tiền không nhỏ mỗi năm.
4. Đừng để bản thân bạn rơi vào cảnh “Nợ như chúa chổm”
Những khoản vay để tiêu dùng là nguyên nhân làm cho cuộc sống của bạn trở nên rất mệt mỏi. Nhất là khi, những khoản nợ đó vượt ra khỏi khả năng chi trả của chính bạn. Bạn sẽ không thể kiếm soát được tài chính nếu suốt ngày bị “bao vây” bởi những khoản nợ và bị “thúc ép” bởi những kì hạn thanh toán.
5. Rút một khoản tiền mặt cố định để chi tiêu trong tháng
Bạn có thể kiểm soát chi tiêu của mình bằng cách rút ra một khoản tiền mặt cố định để chi tiêu trong tháng đó. Điều này giúp bạn hình dung cụ thể về số tiền mình có và tránh tình trạng chi tiêu vượt quá số tiền được phép sử dụng.
6. Thách thức bản thân: “Sống mà không cần tiêu tiền trong 1 tuần”
David, người sáng lập trang Zero Day Finance, sử dụng một chiến lược đơn giản để giảm thiểu chi tiêu của mình. Chàng trai 26 tuổi người New York tự cam kết ít nhất một ngày “không chi tiêu” trong tuần. Trong ngày này, anh cố gắng tránh mua bất cứ thứ gì, kể cả cà phê buổi sáng hoặc đồ linh tinh ở cửa hàng tiện lợi.
David ghi lại sự tiến bộ của mình đối với thử thách này trên blog cá nhân, nơi anh “thu thập” số ngày không chi tiêu của mình và thúc đẩy bản thân để thích ứng với càng nhiều ngày càng tốt trong vòng một tuần. Bằng việc giản lược chi tiêu của mình, anh có động lực để tiết kiệm.
Kể từ khi bắt đầu thử thách này vào 6 tháng trước, David đã tiết kiệm được 18.432 USD, cắt giảm chi tiêu hàng tháng từ khoảng 4.700 USD xuống còn 3.170 USD, tương đương với 33%.
7. Tận dụng các ưu đãi, khuyến mại khi có thể
Hãy tận dụng lợi thế tiết kiệm từ các ưu đãi, khuyến mại của các cửa hàng, siêu thị hay bất kỳ đơn vị nào cung cấp sản phẩm, dich vụ cho bạn. Dù ít hay nhiều thì những phiếu giảm giá, chương trình ưu đãi, khuyến mại của họ cũng giúp bạn tiết kiệm được tiền. Tuy nhiên, bạn nên nhớ: Chỉ quan tâm đến các ưu đãi, khuyến mai của những sản phẩm bạn thực sự cần.
8. Mở tài khoản tiết kiệm
Rất nhiều người đã đi làm vài năm nhưng không có nổi cho mình một khoản tiền tiết kiệm. Để có được bức tranh tài chính rõ ràng, bạn cần phải biết mình cần tiết kiệm bao nhiêu. Hãy dứt khoát loại bỏ những khoản chi tiêu không cần thiết để có được một khoản tiết kiệm cho mình dù là ít hay nhiều. Hãy nghĩ về tương lai thay vì chỉ nghĩ đến chi tiêu và hưởng thụ ở hiện tại.
9. Đa dạng hóa nguồn thu nhập của bạn
Đa dạng hóa nguồn thu nhập là một trong những điều rất quan trọng để kiểm soát tài chính tốt hơn. Sẽ rất rủi ro nếu bạn chỉ có một nguồn thu nhập duy nhất. Bạn có thể tìm hiểu thêm những việc có thể làm vào thời gian rảnh và phát triển thêm các nguồn thu nhập dựa trên năng lực của chính bạn.
10. Thiết lập kế hoạch tài chính
Hiện nay, rất nhiều người chỉ biết nhận lương và chi tiêu tháng này qua tháng khác. Nếu muốn kiểm soát tốt tài chính của chính mình, bạn cần có ý tưởng rõ ràng về cách sử dụng tiền của mình. Hãy lập kế hoạch cho những mục tiêu tài chính của bạn trong tương lai.
11. Tìm hiểu về đầu tư để mở rộng tài chính của bạn
Nhắc đến đầu tư, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến sự “mạo hiểm” và “rủi ro”. Thực chất, chính suy nghĩ này đã khiến bạn mất đi rất nhiều cơ hội mở rộng tài chính. Bạn sẽ không cảm thấy bị đe dọa bởi thế giới kinh doanh và đầu tư nếu nghiên cứu kĩ càng và đầu tư tiền một cách khôn ngoan.
12. Đọc sách về tài chính
Kiến thức là sức mạnh. Do đó, hãy đọc thêm sách về tài chính để có thêm kiến thức, sự hiểu biết về lĩnh vực này. Viêc am hiểu về tài chính sẽ giúp bạn có những quyết định khôn ngoan và sáng suốt hơn với túi tiền của mình.