Phương pháp dạy con trở thành bậc kì tài vô cùng “độc đáo” của mẹ đức Khổng Tử
Khổng Tử là nhà tư tưởng vĩ đại thời Xuân Thu ở Trung Quốc, là bậc vĩ nhân có tầm ảnh hưởng sâu sắc và to lớn đến hậu thế, tuy nhiên, ít ai biết về câu chuyện của hai mẹ con Khổng Tử.
Mẫu thân của Khổng Tử – Bà Nhan Chính Tại đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giáo dục Khổng Tử từ thời thơ ấu cho đến lúc trưởng thành. Bà được ví như người thầy khai sáng đầu tiên của Khổng Tử, một thánh mẫu.
Lựa chọn nơi sống tốt để con có hoàn cảnh học tập thuận lợi
Khi Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha của ông qua đời. Hai mẹ con ông rơi vào cảnh sống khốn khó vì mất đi người trụ cột để nương tựa. Nhưng mẹ Khổng Tử vẫn một mình chịu khó chịu khổ nuôi con thành tài.
Mặt khác, trong đại gia đình ông lại có nhiều mối quan hệ tương đối phức tạp, thậm chí có không ít sự xung đột xảy ra, điều này là hoàn cảnh bất lợi cho sự trưởng thành và giáo dục Khổng Tử.
Mẹ của Khổng Tử hiểu rõ rằng, điều này rất bất lợi cho sự trưởng thành và việc học tập của con trai. Vì vậy, bà liền mang con trai Khổng Tử rời khỏi nhà chồng, đến nhà mẹ đẻ ở Khúc Phụ – kinh đô của nước Lỗ sinh sống.
Nhà đẻ của bà Nhan Chinh Tại là gia đình danh giá ở kinh đô. Bởi vì con nhỏ, chồng lại mất sớm nên nhà đẻ của bà đã cưu mang hai mẹ con. Khúc Phụ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của nước Lỗ, hơn nữa còn có nhiều sách cổ của bậc thánh hiền, thầy giáo giỏi cũng nhiều. Vì thế, mẹ Khổng Tử nhận thấy nơi đây là hoàn cảnh thích hợp nhất để con trai bà trưởng thành và học tập.
Khơi dậy niềm hứng thú học tập
Mẹ của Khổng Tử vốn là con của gia đình gia giáo nên rất am hiểu về học tập. Bởi vì nhà Khổng Tử sống cách Tông phủ không xa, cho nên mỗi khi đến nghi thức tế lễ, mẹ Khổng Tử đều tìm cách để con trai mình được chứng kiến. Bà cho rằng cách hướng dẫn con học tập tốt nhất là khơi gợi hứng thú.
Ngày tháng trôi qua, vì liên tục được chứng kiến cảnh tế lễ của các bậc hiền nhân nên Khổng Tử thuộc lòng nghi thức tế lễ. Vì chịu ảnh hưởng của việc này, Khổng Tử thường thực hành những nghi thức ấy trước mọi người. Khổng Tử từ nhỏ đã quen với các tế lễ như: dâng hương, tế rượu, hành lễ, đọc lời cầu chúc…
Mẹ của Khổng Tử còn muốn con trai học tập các loại lễ nghĩa của nhà Chu để tương lai lớn lên có thể phụ tá minh quân, giúp ích cho dân chúng, đất nước.
Kỳ thực, những đứa trẻ rất ít tham gia những hoạt động “nhàm chán, vô vị” ấy. Nhưng, bà Nhan Chinh Tại đã bồi dưỡng, dẫn dắt con có hứng thú với lễ nghĩa, cùng con thực hành theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng đã khiến Khổng Tử dưỡng thành thói quen.
Đích thân dạy dỗ con, dạy đến nơi đến chốn
Cha của bà Nhan Chinh Tại là một học giả có tri thức uyên bác, từ nhỏ bà đã được cha trực tiếp truyền thụ kiến thức và dạy dỗ, là con gái của một gia đình có truyền thống gia giáo, và tích lũy được lượng kiến thức học vấn phong phú.
Sau khi trở về Khúc Phụ, bà Nhan Chinh Tại đã dành ra một gian trong ba gian ở của hai mẹ con để làm thư phòng, học đường. Khi Khổng Tử bắt đầu tròn 5 tuổi, bà bắt đầu đích thân dạy con học tập.
Trước tiên, bà mở lớp, soạn lại những sách cha bà để lại, thu nhận năm học trò nhỏ tuổi vừa để dạy dỗ, vừa để con có bạn học, vừa để lấy chút học phí là năm đấu gạo và một gánh củi khô nuôi sống hai mẹ con.
Vừa dạy học trò học chữ, học hát, bà còn dạy học trò nghi thức lễ tiết và đạo đức làm người. Khi Khổng Tử gần 6 tuổi thì bắt đầu theo các bạn lên lớp học. Nhờ Khổng mẫu khổ tâm bồi dưỡng và dạy dỗ cẩn thận nên Khổng Tử dù chưa đến 10 tuổi đã hoàn thành xong toàn bộ khóa học vỡ lòng.
Giai đoạn này có ảnh hưởng trực tiếp đến các trường tư thục và giáo dục sau này của Khổng Tử.
Tìm thầy giáo giỏi cho con
Theo phép tắc lúc bấy giờ, những bé trai tròn 10 tuổi sẽ theo học ở một ngôi trường nào đó. Mẹ của Khổng Tử quyết định đóng cửa học đường, đưa Khổng Tử đến trường tốt nhất ở bên trong thành theo học. Ở đây, Khổng Tử học thơ ca, đọc sách cổ, học lịch sử…, những môn mà hậu thế gọi là “thi, thư, lễ, nhạc”.
Lúc ấy trường mà Khổng Tử theo học được gọi là “Tường”, là học phủ của nhà nước. “Tường” tập trung những người thầy giỏi nhất nước Lỗ và dạy dỗ phi thường nghiêm khắc.
Năm Khổng Tử 17 tuổi thì mẹ ông qua đời, hưởng thọ khoảng 34, 35 tuổi. Mẹ của Khổng Tử có lẽ là một trong những bà mẹ vĩ đại nhất Trung Hoa cổ đại, nhưng ít người biết tới bà, bà là người thầy khai sáng đầu tiên của Khổng Tử. Có thể nói, cách giáo dục con thông thái của bà đã góp phần trong việc giúp cho Khổng Tử có nền tảng vững chắc, trở thành nhà giáo dục và nhà tư tưởng vĩ đại nhất ở Trung Quốc.
Lan Hòa biên tập
Nguồn: Secretchina