5 yếu tố vàng tạo nên một gia đình hưng vượng, hạnh phúc mà cổ nhân để lại
Có câu nói rằng: “Cuộc đời con người, thành công lớn nhất không ngoài sự thành công của hôn nhân, hạnh phúc lớn nhất không ngoài hạnh phúc gia đình”.
Gia đình hạnh phúc, hòa thuận và hưng vượng là điều mà ai ai cũng mong mỏi, là phúc báo mà mọi người đều muốn có. Vậy đâu là điều cốt yếu để gia đình có được phúc báo ấy? Dưới đây là 5 yếu tố đảm bảo gia đình hưng vượng lâu dài mà cổ nhân để lại.
1. Bách thiện hiếu vi tiên – Trăm cái thiện hiếu thuận đứng đầu
Quỷ Cốc Tử từng nói: “Việc thiện trên thế gian gồm: Trung và Hiếu; mưu hay trong thiên hạ gồm: Đọc sách và Cày cấy”.
Cổ nhân cũng dạy: “Trời vô pháp, không thông suốt; nhà vô phép, mới tiêu tán”.
Lại có câu rằng: “Trăm việc thiện, chữ Hiếu đứng đầu”.
Quả đúng là, phép tắc lớn nhất trong gia đình, tế bào của xã hội, suy cho cùng chính là sự hiếu kính cha mẹ.
Hiếu thảo không phải qua lời nói mà phải bằng cử chỉ, hành động. Một người không tôn trọng cha mẹ mình, hẳn sẽ bị xã hội lên án. Nếu không tròn đạo hiếu với bậc phụ mẫu, hỏi con cái sẽ noi gương thế nào? Liệu rằng, gia đình ấy được mấy đời êm ấm, hay chẳng mấy chốc đã ly tán?
Nếu muốn một gia tộc trường tồn, ắt phải truyền dạy cho con cháu lòng hiếu thảo, dạy con cháu biết kính trọng người già và yêu mến trẻ nhỏ. Có vậy, gia đình mới sum vầy, hạnh phúc gia đình mới được bền lâu.
2.Thiện lương
Cổ ngữ nói: “Người thiện lương cho dù chưa nhận được phúc nhưng họa đã rời xa”, bởi vậy thiện lương là phong thủy tốt nhất trong gia đình.
Có câu chuyện kể rằng, một người nông dân sở hữu một loại giống ngô có phẩm chất tốt. Hàng năm ông ta đều nhận được giải thưởng người sở hữu giống ngô tốt nhất. Điều khiến mọi người khó tin là, người nông dân này đã sẵn sàng hào phóng phân phát giống ngô này cho những người nông dân khác.
Có người đem thắc mắc này hỏi ông, người nông dân trả lời: “Hoa ngô trong quá trình thụ phấn sẽ nhờ gió thổi. Nếu những cây ngô bên cạnh phẩm chất kém thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của ngô tôi, vì vậy tôi sẵn sàng phân phát giống ngô tốt của tôi cho mọi người, vì tốt cho mọi người, cũng là tốt cho tôi.”
Bạn thấy đó, bạn đối xử tốt với người khác, cũng là đang đối tốt với chính bản thân mình.
Cổ ngữ nói: “Phúc báo ở phía sau”.
Người hiền lành có thể trước mắt chịu thiệt, nhưng tương lai của họ sẽ có phúc trạch, và có thể tạo phúc cho con cháu sau này.
Cha mẹ là tấm gương, có ảnh hưởng trực tiếp đến việc hình thành tính cách của con trẻ. Bởi vậy, cần giáo dục và nuôi dưỡng cho con trẻ sự thiện lương, có như vậy mới hình thành nên tính cách tốt đẹp.
Điều này không chỉ giúp gia đình thêm hưng vượng, mà còn góp phần cho một xã hội ngày càng hưng thịnh.
3. Nhẫn nhịn
Có một cặp vợ chồng, họ đã chung sống hòa thuận cùng nhau mấy chục năm, trải qua biết bao khó khăn, mưa gió. Người chồng hiện giờ đã trở thành lãnh đạo của một công ty lớn.
Một lần, cả hai vợ chồng họ cùng đến dự lễ cưới của một công ty cấp dưới. Có người hỏi bí quyết giữ gìn được hạnh phúc hôn nhân bao năm qua. Người chồng vừa cười vừa trả lời: “Bí quyết chỉ có một chữ: Nhẫn”.
Người vợ nói thêm: “Thêm một chữ Nhịn nữa”.
Qủa thực, nhẫn nhịn là cách dưỡng phúc cho gia đình, vợ chồng chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, sao tránh được những vấp váp, mâu thuẫn xảy ra. Thế nên, giữa vợ chồng với nhau phải biết nhường nhịn.
Cổ ngữ có câu: “Tu trăm năm mới chung một chuyến thuyền, tu nghìn năm mới nên duyên vợ chồng”.
Nhân sinh một đời, có thể trọn đời trọn kiếp là việc không hề dễ dàng gì. Vậy nên biết trân trọng tình cảm của nhau thì hôn nhân mới có thể lâu bền, hạnh phúc mới có thể lâu dài.
Gia đình là nơi để yêu thương, không phải là nơi nói lý hay tranh luận đúng sai, ai là người có lỗi. Bởi tranh cãi dẫu đúng sai rõ ràng rồi, thì tình yêu thương cũng sẽ vơi dần, thậm chí không còn nữa.
Gia đình là bến cảng của các thành viên, có thể khoan dung và nhường nhịn lẫn nhau, mới là bí quyết để gia đình mãi hòa thuận.
4. Chuyên cần
Tăng Quốc Phiên, là một danh thần dưới triều Mãn Thanh. Ông vừa giỏi binh pháp, lại thông tường Nho học, có thể nói là người phong võ song toàn.
Ông từng nói, một gia đình có hưng thịnh hay không, chỉ cần nhìn vào ba điểm dưới đây là biết.
Thứ nhất, nhìn xem con cháu ngủ đến mấy giờ. Nếu ngủ đến lúc mặt trời lên cao mới bắt đầu thức dậy, thì gia đình này đang lười biếng mà từ từ đi xuống.
Thứ hai, nhìn xem con cháu trong nhà có chăm chỉ làm việc hay không? Bởi vì thói quen sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời của một con người.
Thứ ba, nhìn xem con cháu có thường đọc sách kinh điển của những bậc cao thánh hiền nhân hay không? Bởi vì nếu không học sẽ không biết đạo nghĩa và đạo lý.
Chăm chỉ, chuyên cần là cách phát tài, thành công không thể tự dưng đến với một người lười nhác. Khiến cho con trẻ có thể tự mình cố gắng, tự mình đi làm việc, giúp con hiểu được “chuyên cần và nỗ lực”, đấy mới mà món quà quý giá nhất mà bố mẹ nên dành tặng cho con, cũng là hành trang đảm bảo nhất để con bước vào đời.
5. Đọc sách
Đối với một gia đình mà nói, không có thói quen nào tốt hơn thói quen đọc sách, thông qua đọc sách, chúng ta có thể “làm bạn” với các nhà hiền triết, tìm thấy những nghi hoặc trên con đường nhân sinh. Đọc sách không chỉ giúp chúng ta có thêm tri thức, mở mang trí tuệ, mà còn giúp chúng ta thay đổi thế giới quan và nhân sinh quan.
Gia tộc họ Bùi ở Văn Hỷ, Sơn Tây, Trung Quốc là một ví dụ. Gia tộc này đã kế thừa và phát huy truyền thống đọc sách tới 2000 năm lịch sử, và trở thành đại thế gia đầu tiên lừng danh nhất trong lịch sử Trung Hoa.
Theo tổng kết trong “Gia phả của họ Bùi”, gia tộc họ Bùi từ khi bắt đầu ra đời đã sinh ra 59 vị tể tướng, 59 vị đại tướng quân và có hơn 3000 người được ghi danh sử sách,…
Một trong những bí quyết của gia tộc họ Bùi, chính là giáo dục việc đọc sách. Gia tộc họ Bùi cho rằng, đọc sách mới hiểu được đạo lý, con người không đọc sách, không hiểu đạo lý, cũng chỉ như con trâu bò chỉ biết kéo xe. Học mà không hành thì cũng không đủ.
Bùi gia còn có một quy tắc, đó là người nào thi không đỗ tú tài, thì không được bước chân vào từ đường của dòng họ. Vậy nên, trong gia tộc họ Bùi, từ trên xuống dưới, vô luận là nam hay nữ, già hay trẻ, cả gia tộc đều có một thói quen đọc sách, yêu thích việc đọc sách.
Những thành viên trong gia tộc họ Bùi nhờ vậy mà ngày càng phát triển, hưng thịnh, họ còn tích đức hành thiện, khiến cho sự nghiệp gia tộc phát triền hưng thịnh. Điều này là vô cùng hiếm thấy trong lịch sử.
Lâm Tắc Từ nói: “Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích”, có thể nói, phong thủy tốt nhất trong gia đình chính là mỗi thành viên cần nuôi dưỡng cho bản thân một nội tâm thuần thiện, nuôi dưỡng năm yếu tố, chính là: hiếu thuận, thiện lương, nhẫn nhịn, chuyên cần, đọc sách. Đó chính là bốn yếu tố lớn nhất khiến gia đình trở nên hưng thịnh.
Chân Nhiên biên tập